Chủ Nhật, 29/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 21/12/2011 21:13'(GMT+7)

Quảng Trị với công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào

Lễ khánh thành mốc Quốc giới – Mốc đại 635 tại cửa khẩu Quốc gia La Lay (Quảng Trị), cửa khẩu La Lay (Salavan).

Lễ khánh thành mốc Quốc giới – Mốc đại 635 tại cửa khẩu Quốc gia La Lay (Quảng Trị), cửa khẩu La Lay (Salavan).

Tỉnh Quảng Trị có 206 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Savanakhet và tỉnh Salavan của nước bạn Lào. Về địa hình tự nhiên, khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị nằm ở phía Đông của dãy Trường Sơn nên bị chia cắt nhiều bởi núi cao, rừng rậm, khe sâu và sông suối, giao thông đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ.

Mặt khác, trên khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị còn rất nhiều bom mìn, vật liệu nổ và cả chất độc hoá học còn sót lại từ thời chiến tranh nên đã gây nhiều khó khăn, trở ngại cho việc đi lại, bảo đảm hậu cần, vận chuyển mốc, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng mốc, ảnh hưởng đến các hoạt động của Đội cắm mốc liên hợp trong việc thực hiện công tác tăng dày, tôn tạo mốc trên thực địa và thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng của những người tham gia công tác cắm mốc.

Bên cạnh đó, những năm qua, các thế lực thù địch và phần tử xấu luôn lợi dụng trình độ nhận thức còn lạc hậu của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới để tuyên tuyên chống phá Nhà nước, tuyên truyền kích động gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới, kích động, lôi kéo đồng bào di cư tự do... làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới cũng như tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới thêm phức tạp.

Tuy nhiên, xác định tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác tăng dày, tôn tạo cột mốc là sự thể hiện nguyện vọng chung của Đảng, Chính phủ và nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào, nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước, vì vậy trong những năm qua lực lượng tham gia cắm mốc của hai nước đã “vượt nắng, thắng mưa”, đoàn kết, chung lưng đấu cật để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầy vinh quang này.

Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện công tác tăng dày, tôn tạo cột mốc quốc giới, đội liên hợp cắm mốc tuyến biên giới Quảng Trị với Savannakhẹt, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã khảo sát song phương xác định đánh dấu, lập ký sơ đồ nháp xong toàn bộ 31/35 vị trí mốc, từ mốc 577 đến mốc 607. Trên tuyến biên giới Quảng Trị - Salavan, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có 23/25 vị trí mốc, từ mốc 608 đến mốc 629 và mốc đại 635 (còn 08 mốc giới/08 vị trí mốc chưa tổ chức khảo sát song phương là từ mốc 630 đến mốc 633 thuộc địa bàn xã A Vao; mốc 634 và từ mốc 636 đến mốc 638 thuộc địa bàn xã A Ngo của huyện Đakrông). Đây là những vị trí mốc nằm ở khu vực có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, có địa hình núi đá cao, độ dốc lớn, cực kỳ khó khăn trong việc triển khai các hoạt động tại thực địa, đường công vụ chủ yếu là cùi cỏng bằng sức người, với địa hình núi đá cao có rất nhiều đoạn có độ dốc lớn. Địa hình rừng núi cao nên sương mù dày đặc, khi đi thực địa rất khó xác định phương hướng và vị trí cắm mốc.

Đã tiến hành xây dựng 37 mốc giới/41 vị trí cột mốc. Cụ thể 31 mốc giới/35 vị trí cột mốc( đã hoàn thành toàn tuyến), từ mốc 577 đến 607( trên tuyến biên giới Quảng Trị - Savannakhet); 06 mốc giới, từ mốc 613 đến mốc 617 và Mốc đại 635 tại Cửa khẩu Quốc gia La Lay( trên tuyến biên giới Quảng Trị - Salavan).

Hiện tại tuyến biên giới Quảng Trị - Salavan, Ban Chỉ đạo cắm mốc 2 tỉnh đã giao Đội cắm mốc liên hợp Quảng Trị - Salavan tổ chức khảo sát song phương, xác định vị trí các mốc từ 630 đến mốc 634 trong quý IV năm 2011 và các mốc từ 636 đến mốc 638 vào đầu quý I năm 2012. Các đơn vị Tư vấn thiết kế cũng đang tổ chức khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật 20 mốc giới/23 vị trí mốc, bao gồm các mốc, từ 608 đến 626. Như vậy, còn 11 mốc giới/11 vị trí mốc cần được khảo sát tuyến đường công vụ, vị trí mốc để lập báo cáo kinh tế kỹ thuật bao gồm từ mốc 627 đến mốc 633 thuộc địa bàn xã A Vao; mốc 634 và từ mốc 636 đến mốc 638 thuộc địa bàn xã A Ngo của huyện Đakrông.

Để đảm bảo theo đúng kế hoạch, Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh đã lập kế hoạch chỉ đạo các đơn vị Tư vấn thiết kế tổ chức khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật cụ thể từ mốc 627 đến mốc 630, trong quý III năm 2011 và từ mốc 631 đến mốc 634, trong quý IV năm 2011. Các mốc còn lại, từ mốc 636 đến mốc 638 vào đầu quý I năm 2012. Với tiến độ như vậy, có thể khẳng định rằng tỉnh Quảng Trị cơ bản đã thực hiện thành công kế hoạch tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới đã đề ra.

Ngoài ra, trong công tác quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ thì thường niên, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo 2 tỉnh bạn Lào đã luân phiên tổ chức các cuộc họp cấp cao 2 tỉnh để giải quyết những vấn đề lớn về quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh giữa các bên; các lực lượng chức năng hai bên biên giới thường xuyên duy trì tốt mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc tổ chức kết nghĩa giữa các bản ở 2 bên biên giới (đã tổ chức kết nghĩa được 23 cặp bản) và phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân 2 bên biên giới thực hiện Hiệp định về Quy chế biên giới, cùng nhau xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị; kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc xảy ra trên biên giới có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ. Theo đó mà tình hình khu vực biên giới tỉnh Quảng trị luôn ổn định, tạo điều kiện để các địa phương hai bên biên giới khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, kinh tế du lịch; kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư, quy hoạch sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh trật tự hai bên biên giới. Mặt khác, tỉnh Quảng Trị còn phối hợp chặt chẽ với các tỉnh phía Lào làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật của nhân dân hai bên biên giới; vận động đồng bào định canh, định cư, ổn định, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời làm tốt công tác đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu, kịp thời phát hiện, giải quyết xử lý dứt điểm các trường hợp di dân tự do, ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực biên giới...

Những kết quả đạt được về công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới cũng như công tác quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ trên đây đã thể hiện được sự quan tâm sát sao của Ủy ban liên hiệp cắm mốc Việt- Lào, Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo cắm mốc và các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị cũng như sự quyết tâm cao của tập thể cán bộ, nhân viên Đội phân giới cắm mốc tỉnh.

Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi và động viên cán bộ, nhân viên Đội phân giới cắm mốc tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mốc để sớm hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc trên đoạn biên giới của tỉnh ta với 2 tỉnh của nước bạn Lào.

Có thể khẳng định rằng, những cột mốc trường tồn giữa biên giới hai nước mãi mãi là những minh chứng sinh động cho tình hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam - Lào và góp phần bồi đắp thêm cho tình hữu nghị Việt- Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.

Hồ Văn Chính
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất