* Mang lại nguồn sáng cho người nghèo
Hơn 10 năm trước, trong một lần nói chuyện với bà con Hưng Yên tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Huệ không giấu được tình cảm và chia sẻ: "Tôi nguyện làm người dâu hiền của quê hương Hưng Yên". Sau đó, khi trở về quê chồng năm 2004, có người nhắc lại câu nói ấy thầm cảm phục, bà Huệ lại vui vẻ cười hiền hậu: "Tôi vẫn đang phấn đấu vì điều ấy". Và chính lần về thăm đó, bà Huệ cùng với tỉnh Hưng Yên đã thực hiện chương trình giải phóng mù lòa cho các đối tượng chính sách và người nghèo.
Là Phó Chủ tịch Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh, bà Bảy Huệ đã cùng đồng nghiệp đi hết nơi này đến nơi khác của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để chăm lo giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi... Với Hưng Yên bà luôn ước nguyện làm một điều gì đó để thể hiện tình cảm với nơi đã sinh ra người chồng yêu quí là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Và đến năm 2004, nguyện vọng của bà đã được thực hiện. Trong một buổi gặp gỡ bệnh nhân nghèo bị mù tại Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Hưng Yên, bà xúc động: "Tôi dự định về quê Hưng Yên làm việc này từ lâu rồi mà bây giờ mới thực hiện được, có lẽ là hơi muộn nhưng vẫn còn kịp". Gương mặt đôn hậu và giọng nói thân thiện của người phụ nữ Nam Bộ ấy đã làm nhiều người xúc động.
Bà Huệ cho biết bà luôn quan tâm đến quê chồng và rất cảm ơn các đồng chí ở tỉnh đã thường xuyên gửi tặng bà tờ báo Hưng Yên. Qua đó bà biết được quê nhà đổi thay ra sao. Với bà, Hưng Yên còn là nơi có nhiều kỷ niệm thời kháng chiến đã từng về công tác. Bà đã chứng kiến cuộc sống gian nan nhưng rất dũng cảm, cần cù nhất là phong trào làm thuỷ lợi của bà con nơi đây. Và hôm nay, khi trở về Hưng Yên để mang lại nguồn sáng cho người nghèo bà đã có thêm tình cảm và niềm vui lớn. Theo bà: "Con người ta "giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay"; vậy mà nhiều người cứ phải chịu cảnh tối tăm, thật khổ trong khi việc phẫu thuật đem lại ánh sáng cho họ không khó. Còn sức khoẻ, còn làm việc ngày nào tôi sẽ cố gắng ngày đó để giúp đỡ bệnh nhân nghèo".
Dịp đó, Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tỉnh Hưng Yên 600 ca mổ mắt đục thuỷ tinh thể, 1.700 nhân mắt và chỉ khâu để mổ. Vậy nên 2300 người mù nghèo ở Hưng Yên đã được mang lại nguồn sáng từ tấm lòng ân nghĩa sâu nặng của bà Bảy Huệ. Riêng quê hương Yên Mĩ được hỗ trợ 200 ca và là huyện đầu tiên hoàn thành kế hoạch giải phóng mù loà của tỉnh. Đến tháng 4/2005, Hưng Yên đã hoàn thành chương trình giải phóng mù loà cho đối tượng chính sách và người nghèo.
* Quê chồng nghĩa nặng tình sâu
Không thể nói hết lòng biết ơn sâu nặng của người Hưng Yên đối với bà Bảy Huệ. Bà Nguyễn Thị Lý, nguyên là Bí thư đảng ủy xã Giai Phạm xúc động kể lại: Ngày ấy, khi bác Huệ về thăm huyện Yên Mĩ để tiếp tục hỗ trợ mổ mắt cho bà con, mỗi xã tổ chức mời một số người đã được chữa khỏi đến để bác Huệ hỏi thăm sức khỏe sau khi mổ mắt. Nhưng tin đã nhanh chóng lan đi khắp nơi. Xã Giai Phạm chỉ bố trí được 3 xe máy chở 3 người, nhưng nhiều cụ tuổi cao sức yếu nghe tin đã chạy bộ cả mấy cây số để gặp bác Huệ bằng được. Cụ Thinh, cụ Cúc, cụ Tiến và nhiều người cứ ôm chầm lấy bác Bảy Huệ khóc và nghẹn ngào: "Bác đã cho chúng em đôi mắt sáng trị giá hơn mọi thứ trên đời, có cho chúng em cả một ca "vàng" cũng không bằng đôi mắt sáng. Quí hóa vô cùng bác ơi!". Những người đã được gặp bác Huệ thì vui mừng, còn một số người chưa kịp gặp vì biết tin muộn cứ nuối tiếc: "Bác Linh gái về mà chúng tôi chẳng biết thật đáng tiếc. Giá như chúng tôi được gặp bác ấy chỉ để nói một lời cảm ơn thôi là mãn nguyện lắm rồi".
Với làng quê Giai Phạm, bà Huệ đã đọng lại nhiều ấn tượng khó quên. Năm 1996, bà về quê và đến UBND xã đề nghị xin được xây mộ cho thân phụ chồng là cụ giáo Lan trên đồng làng Yên Phú. Bác Huệ cho biết bác Linh không về được nhưng có dặn khi xây mộ cụ giáo trên đồng làng phải cam kết không được làm hỏng một cây lúa của bà con, nếu hỏng cây nào phải đền bù đến nơi đến chốn. Mộ xây phải theo tập tục của địa phương chứ không được xây to. Mộ cụ giáo Lan nằm giữa khu ruộng lớn cách xa đường, bờ nhỏ khó đi nhưng bà Huệ vẫn xắn quần, lội bì bõm hai tay khuân từng viên gạch. Bà con làng xóm thấy bác Huệ làm cũng ra phụ giúp, ai cũng trầm trồ: "Bác ấy người Nam Bộ mà chẳng khác gì người quê ta. Tuổi cao rồi mà vẫn xăm xắn làm việc chẳng kém người trẻ".
Theo bà con xã Giai Phạm, những năm sau này dù bác Nguyễn Văn Linh không còn, nhưng bác Bảy Huệ vẫn về thăm quê với tình cảm gia đình, mỗi lần về bác đều thân mật thăm hỏi tình hình sức khoẻ, đời sống bà con xóm làng. Năm 2004, khi xã Giai Phạm tổ chức xây nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh theo chỉ đạo của tỉnh và Trung ương, bác Huệ cho ý kiến: Khi còn sống, bác Linh rất tiết kiệm. Vậy nên, nhà tưởng niệm bác Linh bây giờ cũng phải xây tiết kiệm, không nên xây to quá để tránh lãng phí.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh năm nay, bà Bảy Huệ lại có dịp về thăm quê Hưng Yên. Tuy tuổi đã cao và sức yếu, nhưng bà vẫn minh mẫn và rất cảm động bày tỏ cảm xúc khi Đảng nhà nước tổ chức nhiều hoạt động trọng thể kỷ niệm ngày sinh Tổng Bí thư tại quê nhà. Trong buổi hội thảo "Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên", bà đã đọng lại ấn tượng sâu sắc trong long mọi người với những hồi ức về cuộc đời đầy gian nan của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong những năm tháng không thể nào quên thời kỳ kháng chiến. Dù không hề nhắc gì đến những việc mình đã làm từ thiện, nhưng nhiều người dân Hưng Yên vẫn nhớ mãi những gì người phụ nữ Nam Bộ nhân hậu này đã dành cho quê nhãn./.
TTX