Chủ Nhật, 27/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 15/6/2015 12:35'(GMT+7)

Tư duy đổi mới bắt nguồn từ thực tiễn

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm và làm việc tại TP Hải Phòng, tháng 1-1987. Ảnh tư liệu.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm và làm việc tại TP Hải Phòng, tháng 1-1987. Ảnh tư liệu.

1. Bám sát và tổng kết thực tiễn

Điểm nổi bật trong phong cách Nguyễn Văn Linh là đồng chí rất chú trọng tổng kết thực tiễn. Không những thế, đồng chí còn “truyền lửa” phong cách này tới mọi người, thường nhắc nhở cán bộ phải đi vào cuộc sống, tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Trước mỗi sự vật, hiện tượng mới của đời sống, đồng chí thường xuống tận cơ sở để tìm hiểu, trực tiếp gặp gỡ cán bộ và quần chúng, khơi gợi anh em phát biểu, tranh luận, đề xuất. Đồng chí bình tĩnh lắng nghe, nhất là những ý kiến khác với chủ kiến của mình, cân nhắc và cho ý kiến giải quyết một cách thận trọng, vừa có lý luận vừa có thực tế. Đồng chí Nguyễn Văn Linh từng nhấn mạnh: "Thực tế đã chứng minh rằng, trong cuộc đấu tranh giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, những cái phù hợp quy luật, có sức sống thường xuất hiện ở cơ sở, ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất”(1).

Là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, “đứng mũi chịu sào” ở một địa bàn hoạt động kinh tế năng động, bằng kinh nghiệm của mình trong quản lý điều hành và qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhận thấy một số chính sách và cơ chế quản lý kinh tế khi đó đã lỗi thời, nhưng chậm được sửa đổi, làm sản xuất bị đình trệ, giảm sút nhiệt tình lao động của quần chúng, tạo khe hở để phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực..

Từ năm 1979, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số mô hình “bung ra”, đổi mới sản xuất và kinh doanh, như các xí nghiệp dệt: Thành Công, Phong Phú, Phước Long, Thắng Lợi, Dệt đay 13; Xí nghiệp Cơ khí Caric, Silico, Vinapopro, Sinco, Công ty Bột giặt Miền Nam, Xí nghiệp Dược phẩm 2-9, Xí nghiệp Dược thú y, Nhà máy Bia Sài Gòn, Xí nghiệp Thuốc lá... Những mô hình mới này đã áp dụng chế độ lương khoán sản phẩm, tự tìm cách tháo gỡ khó khăn về vật tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm và đã làm ăn có lãi. Đồng chí Nguyễn Văn Linh ủng hộ những mô hình tiên tiến này. Sau khi nắm bắt tình hình, đồng chí quyết định chọn xây dựng mô hình thí điểm là Xí nghiệp Dệt Thành Công và giao cho Ban Công nghiệp Thành ủy, các chuyên viên giúp việc cùng với Ban giám đốc xí nghiệp để tổng kết các bài học kinh nghiệm. Từ mô hình này, Thành ủy và lãnh đạo Thành phố đã tập trung chỉ đạo để nhân rộng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh trực tiếp cho ý kiến: Chỉ có một Thành Công không đủ mà phải cả trăm, nghìn cơ sở Thành phố tiến mạnh vào mục tiêu chống quan liêu bao cấp, tháo gỡ để sản xuất bung ra, hiệu quả kinh tế tăng lên; đồng vốn, tay nghề của người thợ, của tiểu chủ Thành phố phải được huy động, công nhân phải có việc làm.

Trong nhiều phiên họp Thành ủy và chính quyền Thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Linh đề nghị cần mở rộng cơ chế tự chủ ra nhiều xí nghiệp, nhiều loại hình sở hữu khác nhau. Được “bật đèn xanh”, một số cơ sở sản xuất không thuộc diện thí điểm, nhưng vẫn tự bàn bạc, lập đề án đổi mới cơ chế quản lý và sản xuất, rồi đề đạt nguyện vọng của mình, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Cuộc đấu tranh giữa tâm lý bảo thủ, cách làm trì trệ với sự đổi mới, năng động trong cả cách nghĩ và cách làm diễn ra khá gay gắt, thậm chí nhiều sáng kiến bị ngộ nhận, “không được hoan nghênh”. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Thành ủy thường động viên anh em ở cơ sở cứ yên tâm mà làm, “anh em công nhân sẽ làm chứng cho các đồng chí về những việc làm tốt và giúp các đồng chí khắc phục những việc làm chưa tốt”(2).

Sau khi tập hợp nguyện vọng, nghiên cứu, thảo luận trong Thường vụ Thành ủy và chính quyền Thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã đồng ý lập một hình thức sinh hoạt diễn đàn gọi là “Câu lạc bộ giám đốc” và cử đồng chí Trưởng ban Công nghiệp Thành ủy làm chủ nhiệm. Ngay buổi sinh hoạt đầu tiên của “Câu lạc bộ giám đốc”, đã có 80 giám đốc các cơ sở sản xuất tham dự để nghe Giám đốc Xí nghiệp Dệt Thành Công báo cáo tổng kết kinh nghiệm và cùng thảo luận, rút ra những bài học về quản lý, tổ chức sản xuất. Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh rất quan tâm theo dõi và dự nhiều buổi sinh hoạt của câu lạc bộ. Cho đến khi đồng chí được điều về công tác tại Trung ương Đảng (tháng 6-1986), “Câu lạc bộ giám đốc” đã có hơn 20 buổi sinh hoạt với những nội dung bổ ích, phong phú.

Nhờ sự chỉ đạo năng động và sáng tạo của Thành ủy và chính quyền Thành phố, sau thời gian ngắn, nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh có những bước chuyển lớn mang tính đột phá. Hàng chục nghìn cơ sở sản xuất nhỏ và sản xuất gia đình trước đó bị đình trệ đã được khôi phục và hoạt động trở lại. Một số mô hình công tư hợp doanh mới được thử nghiệm. Hiệu quả thực tế từ TP Hồ Chí Minh đã giúp Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh càng thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, dứt khoát thực hiện cơ chế mới, mở ra bước ngoặt đổi mới. Trong thành công đó có phần đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng chí Nguyễn Văn Linh trên cương vị Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Từ những bài học thành công ở TP Hồ Chí Minh, Đảng ta đã có những kinh nghiệm để mở rộng công cuộc Đổi mới ra cả nước.

2. “Đổi mới để tiến lên”

Kỷ niệm 10 năm TP Hồ Chí Minh được giải phóng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao cho đồng chí Nguyễn Văn Linh tổng kết những kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, kiên quyết chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, giải phóng sức sản xuất, tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế sản xuất hàng hóa phát triển. Những cách làm mới của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Long An, Vĩnh Phú, cùng với những nhận định, đánh giá của Trung ương về tình hình đất nước, sau này đã được đồng chí Nguyễn Văn Linh tổng kết, vận dụng vào việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI-đại hội khởi xướng công cuộc Đổi mới mà đồng chí là một trong những người đóng góp nhiều công sức.

Đổi mới thực chất là một cuộc cách mạng. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới bao giờ cũng là một cuộc đấu tranh phức tạp, gian khổ. Trí tuệ của một nhà lãnh đạo xuất sắc thể hiện ở chỗ dự cảm được bước đi tất yếu của lịch sử. Nhưng muốn dẫn dắt cuộc đấu tranh cho cái mới đi tới thắng lợi, ngoài sự nhạy cảm và tư duy mới, còn cần phải có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vừa bám sát, trung thành với đường lối của Đảng, vừa sâu sát, gắn bó với quần chúng, tổng kết cách nghĩ, cách làm của quần chúng, rút ra kinh nghiệm rồi nâng lên thành lý luận để trở lại chỉ đạo thực tiễn. Là một cán bộ cách mạng được tôi luyện và trưởng thành qua các giai đoạn đấu tranh gian khổ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đáp ứng được những yêu cầu đó của lịch sử.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người có công đầu trong việc tìm tòi, khai phá con đường Đổi mới ở Việt Nam. Với những cống hiến tích cực đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhận trách nhiệm lãnh đạo cao nhất, tổ chức thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, đưa đất nước chuyển sang một thời kỳ mới: Thời kỳ “Đổi mới để tiến lên”(3).

NGÔ VƯƠNG ANH
(Nguồn: QĐND)

................

(1) Nguyễn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, NXB Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.104, 105

(2) Nguyễn Văn Linh: Hành trình cùng lịch sử, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh 1991, tr.160

(3) Tên một tác phẩm của đồng chí Nguyễn Văn Linh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất