Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 7/6/2010 16:8'(GMT+7)

Quốc hội thảo luận hàng loạt vấn đề về đào tạo Đại học

Những “gam buồn” của bức tranh GDĐH

Báo cáo giám sát đã trình bày khá toàn cảnh bức tranh của GDĐH hiện nay với nhiều “gam  buồn”. Báo cáo cho thấy, GDĐH hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của sự phát triển đất nước.

Trong đó, bức xúc nổi lên hiện nay là việc thành lập trường ĐH ồ ạt trong thời gian qua. Báo cáo khẳng định, từ 2005 đến nay, việc cho phép thành lập mới các trường ĐH-CĐ có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên không bảo đảm, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập và các trường địa phương. Việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Chỉ từ 2005 - 2009, cả nước đã có tới 200/312 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp, trong đó có 148 trường công lập, 52 ngoài công lập.

Báo cáo này cũng cho rằng, các trường ngoài công lập có vốn đầu tư ban đầu nhỏ, chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí. Trong khi đó, việc thành lập dễ dãi các trường ĐH-CĐ công lập tại nhiều địa phương khiến việc đầu tư bị dàn trải, manh mún. Từ 3 năm nay, tỷ trọng ngân sách Nhà nước dành cho GD-ĐT đã tăng 20%. Tuy vậy, mức đầu tư tuyệt đối vẫn thấp, phần đầu tư cho cấp đại học chỉ chiếm từ 10% - 12%. Suất đầu tư bình quân/sinh viên rất thấp so với các nước.

Điều đáng chú ý hơn, nhiều trường từ khi có quyết định thành lập đến khi tuyển sinh khóa đầu tiên vẫn không đạt những tiêu chí cơ bản như số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, diện tích sàn xây dựng, trang thiết bị thí nghiệm. Ngoài ra, đang có trào lưu nâng cấp trường CĐ lên ĐH trong khi điều kiện chưa đủ. Chất lượng đầu vào của nhiều trường ĐH-CĐ rất thấp, nhiều trường tuyển tất cả học sinh tốt nghiệp THPT, quá nhiều trường tuyển học sinh có điểm thi tương đương điểm sàn của Bộ.

Đặc biệt, vẫn còn khoảng 20% các trường mới thành lập, nâng cấp chưa thực hiện xây dựng trường tại địa điểm đăng ký, còn phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo và hầu hết là thiếu diện tích cho sinh viên vui chơi và hoạt động thể dục thể thao. Một số trường ngoài công lập có đất nhưng chỉ đủ vốn đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cầm chừng. Tỷ lệ giảng viên thạc sĩ, tiến sĩ của các trường mới thành lập, nâng cấp còn rất thấp. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập thiếu, đa số là cán bộ về hưu.

Mặc dù thiếu và yếu đủ bề, nhưng nhiều trường ĐH-CĐ vẫn “mạnh tay” tuyển sinh vượt chỉ tiêu, dẫn đến tình trạng ĐH “3 không”-không giáo trình, không giáo viên, không cơ sở vật chất như trong thời gian qua công luận đã phản ánh. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT không có biện pháp hậu kiểm,vì vậy các sai phạm trên chưa được chấn chỉnh trong thời gian dài, cũng chưa có trường hơp nào bị xử lý nghiêm, dẫn đến bức xúc của xã hội.

Báo cáo giám sát này cũng chỉ ra những sự thật không vui của giáo dục ĐH Việt Nam. Chính sự dễ dãi trong việc ở trường, mở ngành đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo ĐH. Giai đoạn 1987-2009, tổng số SV cả nước tăng 13 lần nhưng số GV chỉ tăng 3 lần. Nhiều giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm, gấp gần 4 lần so với quy định.

Mục tiêu đến 2015 đạt ít nhất 50% GV trình độ tiến sĩ nhưng đến nay mới đạt 10,16%. Suất đầu tư từ ngân sách cho 1 sinh viên là 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/năm (định mức là 6 triệu đồng).

Một nghịch lý đáng buồn là, bên cạnh những trường chưa có cơ sở vật chất thì vẫn có trường lại tận dụng ưu đãi về đất đai dành cho giáo dục để đầu tư phần lớn lợi nhuận vào kinh doanh bất động sản mà không tái đầu tư để xây dựng hạ tầng, tăng cường trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trang thiết bị thí nghiệm, thực hành ở phần lớn các trường thiếu thốn, lạc hậu. Không ít trường mở các ngành công nghệ nhưng không có phòng thí nghiệm, thực hành hoặc phòng thí nghiệm, thực hành không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của chương trình đào tạo.

Theo phản ánh của ĐH Y - Dược Cần Thơ, trước đây trong giờ thực hành giải phẫu, mỗi SV được thực hành trên một con ếch, 5 SV thực hành trên một con chó; nay do suất đầu tư thấp, 10 SV mới có một con ếch và 30 SV mới có một con chó để thực hành. Vì vậy, việc các trường ĐH-CĐ tham gia vào nghiên cứu khoa học vẫn là điều “xa xỉ”, dù đó là đòi hỏi tất yếu đối với các trường.

Từ những bất cập trên, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ dành ưu tiên cho việc thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn. Chỉ mở thêm các trường ĐH- CĐ công lập của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư cho nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo. Rà soát lại các tiêu chí hợp lý làm căn cứ để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh sát với năng lực đào tạo.

Tăng cường hậu kiểm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, giải thể hoặc hạ cấp với những trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường, nhất là với các trường ngoài công lập đã thành lập được hơn 10 năm mà vẫn chưa xây dựng cơ sở riêng.

Trước mắt, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về giáo dục ĐH. Về lâu dài, cần sớm xây dựng Luật Giáo dục đại học.

Kiên quyết giải thể trường kém chất lượng

Có thể nói, thảo luận về báo cáo giám sát “nóng” tương ứng với bức xúc về đòi hỏi có một nguồn nhân lực chất lượng cao mà thực tiễn đang đòi hỏi.

Với tầm quan trọng của vấn đề GDĐH, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với việc, sau báo cáo giám sát này, Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề riêng, cần đánh giá đúng chất lượng giáo dục Đại học hiện nay. Đối với Chính phủ, các đại biểu đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở ĐH sau 3 năm thành lập, nếu không đáp ứng điều kiện có thể hạ cấp hoặc giải thể. Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Kiểm soát việc liên kết đào tạo… không thả lỏng mọi chuyện như hiện nay.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) bức xúc vì việc, với truyền thống hiếu học của người Việt Nam, thế nhưng đến nay, Việt Nam chưa có nổi một trường ĐH-CĐ nào lọt vào tóp 200 trường ĐH mạnh của thế giới. “Chúng ta có quyền nghi ngờ vì sao các trường  không đủ chỉ tiêu về tiến sĩ, thạc sĩ nhưng vẫn xin được hết các loại giấy phép mở ngành, mở trường”, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi.

Việc mở hàng loạt các trường ĐH-CĐ trong thời gian qua là điều mà các đại biểu bức xúc nhất. Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, việc mở trường không khác việc mở công ty, mà trong đó, các trường đặt nặng vấn đề lợi nhuận. “Không thể chấp nhận viêc một trường mẫu giáo đòi hỏi phải có trường đúng công năng, trong khi lại cho phép một trường ĐH đi thuê cơ sở triền miên từ năm này sang năm khác”, đại biểu Nghĩa nói và đề nghị lập lại kỷ cương trong việc cấp phép mở trường Đại học.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) tuy đồng tình với việc báo cáo giám sát đã “vén” lên những gam màu tối, màu sáng của bức tranh GDĐH, trong đó có việc thành lập dễ dãi các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, theo ông, báo cáo vẫn chưa chỉ rõ đến nơi đến chốn những nguyên nhân của những yếu kém. Ông cho rằng, việc chỉ ra nguyên nhân còn thiếu lửa, né tránh, ngại va chạm, đặc biệt, không nêu ra trách nhiệm của ai, dễ dẫn đến hoà cả làng. “Báo cáo phải chỉ rõ trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các bộ ngành liên quan”, đại biểu Cuông nói.

Về những yếu kém của giáo dục Đại học, đại biểu này cho rằng trách nhiệm thuộc về Bộ chủ quản. “ Bộ GD-ĐH còn ôm đồm công việc của các trường ĐH-CĐ. Có hay không việc xin xỏ, chạy chọt trong việc thành lập ĐH? Phải làm cho rõ”, đại biểu Cuông đề nghị. Ông cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT phải là nơi tập hợp được những cán bộ có tâm, có tầm vơi sự nghiệp GD-ĐT nước nhà. “Chính phủ phải kiên quyết giải thể các trường ĐH-CĐ kém chất lượng”, đại biểu Lê Văn Cuông chỉ rõ.

Không nên “phổ cập đại học”

Đại biểu Ngô Doãn Thanh (Hà Nội) không phủ nhận những thành tựu mà giáo dục ĐH trong nhưng năm qua đã đạt được nhưng cũng khẳng định, những yếu kém của giáo dục ĐH là nhiều. “Nhiều trường ĐH-CĐ được thành lập và nâng cấp trong khi điều kiện không bảo đảm là điều không chấp nhận được. Số sinh viên tăng lên chóng mặt, trong khi đội ngũ giảng viên thấp. Để đảm bảo chỉ tiêu, nhiều trường hạ thấp đầu vào, khiến chất lượng đào tạo không bảo đảm. Thực tế, đào tạo ĐH hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, đại biểu Thanh nói.

Bà cũng cho rằng, những TP lớn như Hà Nội, TPHCM luôn trong tình trạng “quá tải” trường ĐH-CĐ, gây áp lực xã hội rất lớn. Trong khi đó. việc di dời các trường ra ngoại thành mãi không làm được. Những dự án lớn (như ĐH Quốc gia Hà Nội) dù đã được phê duyệt nhưng ì ạch, chậm trễ.

Theo đại biểu Doãn Thanh, cần nghiên cứu chính sách phát triển giáo dục ĐH hướng tới bảo đảm chất lượng, không nên “phổ cập đại học”. Ngoài việc kiên quyết giải thể những trường kém chất lượng, phải quy định thời gian thực tập  bắt buộc của sinh viên để nâng cao kỹ năng thực hành của sinh viên Việt Nam.

Theo đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), đào tạo sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Chất lượng đội ngũ giảng viên còn thấp. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ còn thấp, thậm chí ngày càng giảm di. Chất lượng giáo trình thiếu cập nhật kiến thức mới. “Không thể chấp nhận việc thư viện ĐH vẫn còn giáo trình in từ những năm 60, trong khi các nước sau 5 năm họ lại thay giáo trình”, đại biểu Cư nói.

Từ thực tế này, ông cho rằng cần đẩy nhanh quá trình kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, để các trường tự giác đánh giá mình, song song với đó Bộ chủ quản kiểm định, công khai kết quả để người học lựa chọn trường. Ngoài ra, cần đổi mới giáo trình đại học, cập nhật thực tiễn, tăng kỹ năng thực hành cho sinh viên. Tập trung cải thiện chất lượng đội ngũ giảng viên, trả lương cao để họ yên tâm giảng dạy, nghiên cứu. 

Vấn đề chưa gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện nay ở các trường ĐH cũng được chỉ ra như một thực tế không thể chấp nhận được đối với GDĐH Việt Nam.

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất