Ngày 13/1- ngày thứ 2, Pháp tiến hành không kích
các nhóm vũ trang Hồi giáo tại phía bắc Mali. Trong khi đó, những nước láng
giềng Tây Phi cũng đang bắt đầu kế hoạch triển khai quân đội trong một chiến
dịch ngăn chặn các nhóm vũ trang mở rộng phạm vi chiếm đóng .
Trước đó, Pháp cảnh báo, việc các nhóm phiến quân
tại Mali kiểm soát phía Bắc là mối đe dọa an ninh đối với châu Âu nên nước này
quyết định tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự.
Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, mục tiêu của Pháp can thiệp vào
Mali đó là hỗ trợ việc triển khai quân đội của các nước Tây Phi – kế hoạch đang
nhận được sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc, EU và Mỹ.
Phương Tây cũng lo ngại rằng, nhóm phiến quân có
thể sử dụng Mali là một căn cứ để tiến hành tấn công các nước này, cũng như mở
rộng tầm ảnh hưởng của lực lượng Al Qeada có trụ sở tại Yemen, Somalia và Bắc
Phi. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại
Catherine Ashton hối thúc một sự đồng thuận quốc tế và cho biết khối này sẽ tăng
cường kế hoạch triển khai 200 binh lính để đào tạo cho lực lượng an ninh Mali.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết, họ đang cân nhắc
các lựa chọn như chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ hậu cần cho Pháp. Người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại về những
diễn biến gần đây tại Mali. Mỹ lên án các hành động mở rộng khu vực kiểm soát
của nhóm vũ trang. Chúng tôi biết Pháp đã hỗ trợ quân sự cho lực lượng Mali theo
yêu cầu của chính phủ Mali. Chúng tôi đang tham vấn chặt chẽ với chính phủ Pháp
về kế hoạch này”.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron
cũng thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch can thiệp của Pháp, đề nghị hỗ trợ hậu
cần cho Pháp. Hiện Pháp đang hối thúc các quốc gia Tây Phi nhanh chóng triển
khai quân tới Mali.
Tổng thống Cote Di’voice Alassane Ouattara, Chủ
tịch ECOWAS tuyên bố bắt đầu chiến dịch triển khai khoảng 3.300 binh lính châu
Phi tới Mali.
Theo kế hoạch, sớm nhất quân đội các nước sẽ đến
Mali vào đầu tuần tới. Lực lượng đa quốc gia này sẽ do Tướng Shehu Abdulkadir
của Nigeria dẫn đầu. Mặc dù nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhưng kế
hoạch can thiệp quân sự của Pháp vào Mali cũng vấp phải một số sự chỉ trích. Các
chuyên gia phân tích quân sự bày tỏ lo ngại về kế hoạch này, cho rằng đây có
thể chỉ là sự khởi đầu của một chiến dịch “lấy lại tầm ảnh hưởng” của khu vực
vốn là thuộc địa của Pháp. Đề cập đến những lo ngại này, Tổng thống Pháp
Francois Hollande khẳng định, chiến dịch này không phục vụ bất cứ lợi ích nào
của Pháp.
Để đảm bảo an toàn cho các công dân Pháp, Bộ
Ngoại giao Pháp hôm qua đã đưa ra cảnh báo an ninh đối với các công dân Pháp tại
Mali, các nước láng giềng cũng như an ninh trong nước. Pháp cũng hối thúc 6.000
công dân nước này rời khỏi Mali./.
Theo VOVnews