Sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản tỉnh Sóc Trăng như một thông điệp lạc quan, làm ấm lòng người nuôi tôm và những người dốc sức vì con tôm. Không chỉ hỗ trợ người nuôi tôm trên địa bàn lúc khó khăn, mô hình hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản còn có ý nghĩa lớn hơn khi nó tạo ra sợi dây liên kết có tính bền vững, bởi sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Thời gian qua, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như cá tra, tôm luôn gặp phải trở ngại do giá cả bấp bênh, dịch bệnh tràn lan, áp lực từ đối thủ cạnh tranh, cung vượt cầu... Những trở ngại trên làm cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản điêu đứng, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này cũng đang đối mặt với thiếu vốn, một số doanh nghiệp phá sản. Riêng với con tôm, ngoài những nguyên nhân kể trên còn phải đối mặt với dịch bệnh khiến nguồn nguyên liệu xuất khẩu thiếu hụt, hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng, người nuôi tôm cũng gánh chịu những tổn thất nặng nề do tập trung vốn đầu tư lớn.
Mặc dù nguyên nhân dịch bệnh đã được ngành chức năng nghiên cứu, chỉ rõ; nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề được tổ chức ở các cấp, các ngành nhằm giúp người nuôi tôm có biện pháp phòng tránh, đối phó nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa như mong đợi, giải pháp còn thiếu tính cụ thể, mức hỗ trợ người bị thiệt hại còn hạn chế.
Trong tình hình đó, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh tại ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã vận động thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh. Vừa ra mắt (ngày 8-6-2012), Quỹ đã nhận được sự ủng hộ của gần 30 tổ chức, cá nhân là đại diện ngân hàng và các chủ doanh nghiệp. Số tiền đóng góp ban đầu được 800 triệu đồng cùng 8 triệu con tôm giống (trị giá khoảng 500 triệu đồng). Đây là quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản cấp tỉnh đầu tiên được thành lập trong cả nước.
Mục tiêu của Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản là tạo nguồn kinh phí ổn định, lâu dài, đủ năng lực phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học xây dựng và phát triển mô hình nuôi tôm hiệu quả, bền vững, sau đó đưa vào ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng. Cùng với đó là các hoạt động định hướng, thông tin thị trường, hỗ trợ kỹ thuật, giúp các cơ sở, hộ nuôi tôm bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh những khoản chi phí cần thiết... Bước đầu, đã có 160 hộ nuôi tôm nhận được hỗ trợ từ nguồn quỹ này, một số dự án liên quan cũng bắt đầu triển khai. Những hộ nhận được hỗ trợ từ quỹ này là những hộ bị thua lỗ trong vụ tôm đầu năm 2012, bước đầu sẽ được hỗ trợ con giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng, được Hiệp hội tôm Mỹ Thanh bao tiêu sản phẩm. Bước đầu các hộ được Quỹ phát triển thủy sản giúp đỡ đã yên tâm trở lại nuôi trồng vì họ không còn phải lo con giống, đã có người hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Thực tế cho thấy, do thiệt hại liên tục, nhiều người nuôi tôm lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, hết vốn đầu tư sản xuất. Thậm chí có những nơi cho thuê đầm nuôi với giá rẻ, nhưng vẫn chẳng ai dám tiếp tục “đánh bạc” với... tôm.
Sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản tỉnh Sóc Trăng như một thông điệp lạc quan, làm ấm lòng người nuôi tôm và những người dốc sức vì con tôm. Không chỉ hỗ trợ người nuôi tôm trên địa bàn lúc khó khăn, mô hình hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản còn có ý nghĩa lớn hơn khi nó tạo ra sợi dây liên kết có tính bền vững, bởi sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Chắc chắn mô hình quỹ này sẽ có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản, bảo đảm cho họ có một chỗ dựa tin cậy khi việc nuôi trồng gặp khó khăn./.
(Hồng Bỉnh Hiếu/QĐND)