Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 1/4/2011 16:4'(GMT+7)

Quy luật của vàng và vấn đề điều chỉnh

 Theo qui định của Bộ luật dân sự về quyền sở hữu thì người dân có quyền sở hữu vàng và trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, có quyền tự do mua bán vàng không vì mục đích kinh doanh, dù là vàng này dưới dạng vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng nguyên liệu (khối, thỏi, lá, hạt, dây,…) hay vàng miếng.

Không có điều khoản nào của luật khác hay của pháp lệnh hạn chế quyền tự do nắm giữ, sử dụng, mua bán vàng không vì mục đích kinh doanh đó của người dân hay qui định cho Chính phủ quyền áp đặt những hạn chế. Và, thực tế, Chính phủ đã rất tôn trọng quyền tự do được luật định đó của người dân đối với vàng.

Theo Luật thương mại và một số luật khác, Chính phủ có quyền cấm kinh doanh vàng hoặc đặt ra các qui định đối với việc kinh doanh vàng của các cá nhân, tổ chức dù là vàng dạng nào.

Để quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 174/1999/NĐ-CP năm 1999 cùng một số điều khoản sửa đổi theo Nghị định 64/2003/NĐ-CP năm 2003. Theo đó, Chính phủ qui định về điều kiện kinh doanh vàng như việc có đăng ký kinh doanh, có cơ sở vật chất –kỹ thuật, phương tiện và thợ kim hoàn đáp ứng yêu cầu kinh danh; có mức vốn tối thiểu nhất định trong một số trường hợp; qui định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng như phải nêm yết công khai về giá, về chất lượng sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm bán ra, phải có phương án đảm bảo an toàn trong hoạt động, phải đang ký mã hiệu trong việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng; qui định việc xuất nhập khẩu vàng và những trường hợp xuất nhập khẩu vàng phải được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); ...

Chính sách của Chính phủ đối với hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 174 trên đây đã tạo điều kiện cho thị trường vàng ở Việt Nam phát triển nhanh mạnh, qua đó góp phần xây dựng nên một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta cũng như đã tạo thuận tiện cho người dân thực hiện các quyền tự do của mình đối với vàng mà luật đã qui định.

Thực tế cho thấy, trong thời kỳ lạm phát phi mã trước đây, dân tự phát dùng vàng trong các giao dịch hàng hóa có giá trị lớn, ví dụ như đất đai. Nhưng khi lạm phát ở mức độ thấp khoảng một con số thì dân không dùng vàng để giao dịch nữa dù Nhà nước không cấm. Vì, khi tiền giấy ổn định, dùng tiền giấy làm phương tiện thanh toán tiện lợi hơn dùng vàng.

Trên thế giới cũng vậy, khi chính trị, kinh tế thế giới bất ổn thì giá vàng thế giới tăng, mức độ tăng tùy thuộc mức độ bất ổn, vì người ta tăng cường dự trữ vàng.

Trong vai trò là phương tiện cất trữ (để dành) giá trị -cất trữ của cải xã hội- thì vàng có một số ưu điểm riêng mà tiền giấy không có.

Bên cạnh đó, trên bình diện quốc gia, vàng là của cải thật vì nó là một kim loại quí hiếm và khi cần thì nhà nước có thể huy động. Tiền giấy một khi ổn định thì việc dân cất trữ của cải dưới hình thái vàng sẽ tự khắc giảm thiểu.

Giá vàng – Chưa hẳn đã lo

Vàng với tư cách là vàng nằm trong cất trữ của người dân hay của nhà nước thì giá vàng biến động không ảnh hưởng đến nền sản xuất xã hội vì vàng này nằm ngoài quá trình sản xuất. Giá vàng tăng, vàng càng làm tốt vai trò cất trữ giá trị. Không chỉ người giàu mới có vàng cất trữ mà người thu nhập thấp cũng có vàng cất trữ.

Giá vàng tăng đương nhiên làm cho người vay nợ bằng vàng sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua vàng trả nợ. Nhưng, một mặt, Nhà nước không khuyến khích việc vay mượn bằng vàng mà chủ trương là trong phạm vi lãnh thổ việt Nam chỉ dùng tiền Việt Nam, mặt khác, được hưởng lãi suất thấp hơn do vay vàng thì phải chịu rủi ro về việc giá vàng tăng.

Với tư cách là vàng trang sức, vàng được xem như là mặt hàng xa xỉ, không phải mặt hàng thiết yếu, mặt hàng này chủ yếu phục vụ cho người giàu, người có điều kiện về thu nhập. Vì vậy, giá vàng tăng không ảng hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân nói chung, đến ổn định xã hội.

Với tư cách là vàng mỹ nghệ, vàng phục vụ cho tầng lớp người giàu trong xã hội, người có thu nhập tốt trong xã hội, nên việc biến động giá vàng không tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân nói chung.

Với tư cách là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như ngành mạ vàng chẳng hạn thì giá vàng biến động cũng không tác động tiêu cực đến nền sản xuất xã hội, đến tăng trưởng kinh tế nói chung vì vàng được sử dụng trong một phạm vi rất hẹp, chiếm một tỷ lệ quá nhỏ trong toàn bộ đầu vào của nền kinh tế, hơn nữa, giá nguyên liệu vàng tăng thì cũng chưa hẳn đã làm trở ngại đến ngành sản xuất dùng vàng vì đầu ra của nó là phục vụ cho tầng lớp giàu có trong xã hội.

Giá vàng tăng cao không phải là nguyên nhân sinh ra lạm phát. Bởi vì, một mặt, vàng không nằm trong “rổ hàng hóa” khi tính tỷ lệ lạm phát (CPI). Mặt khác, nếu vàng là nguyên liệu trong đầu vào của một số loại hàng hóa như đồ mạ vàng chẳng hạn, nhưng vì hàng hóa này chưa hẳn đã xuất hiện trong rổ hàng hóa tính CPI hoặc nếu có xuất hiện thì cũng chỉ chiếm một tỷ lệ quá nhỏ trong rổ hàng hóa đó, mà CPI không lấy con số dưới phần nghìn, nên giá hàng hóa đó có tăng do giá vàng nguyên liệu tăng cũng không thể đóng góp vào kết quả tăng của CPI.

Ngược lại, chính lạm phát lại là một nhân tố làm tăng giá vàng. Bởi vì, một mặt, lạm phát làm tăng giá đầu vào của ngành sản suất-kinh doanh vàng. Mặt khác, lạm phát làm tăng cầu có khả năng thanh toán đối với vàng.

Về mối quan hệ giữa giá vàng và tỷ giá hối đoái, nước ta là một nước nhập khẩu vàng, nên giá vàng nhập khẩu tăng làm tăng giá vàng trong nước mà tỷ giá tăng thì làm cho giá đầu vào của vàng nhập khẩu (tính ra tiền Việt) tăng. Tỷ giá tăng, làm cho những người có ngoại tệ bán thu được nhiều tiền Việt hơn nên cũng góp phần làm tăng cầu đối với vàng, mà cầu tăng sẽ khiến giá tăng.

Trong khi đó, giá vàng trong nước tăng chưa thể nói lên được lượng nhập khẩu vàng là tăng hay là giảm mà có khi nó lại là biểu hiện của tình trạng nhập khẩu vàng đang bị sụt giảm nên đã làm cho giá vàng trong nước tăng. Mà việc sụt giảm này có thể do khó khăn về nguồn ngoại tệ, có thể do lượng vàng nhập được cấp phép không đáp ứng nhu cầu nhập khẩu vàng của nền kinh tế, có thể do những nguyên nhân khác.

Chỉ so sánh riêng với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhập khẩu vàng và các sản phẩm bằng vàng cũng chỉ chiếm có một tỷ lệ rất nhỏ, như năm 2010 là hơn 1%. Nên nếu so sánh với toàn bộ các nhân tố làm tăng cầu cũng như làm giảm cung đối với thị trường ngoại tệ thì tỷ lệ ấy còn nhỏ đi nhiều nữa. Vì vậy, trong trường hợp nhập khẩu vàng tăng thì nhân tố này cũng chỉ đóng một vai trò rất thứ yếu trong việc làm tăng tỷ giá ngoại tệ, đến mức nếu gạt bỏ nhân tố này ra, thì tỷ giá ngoại tệ vẫn tăng như nó đã tăng.

Giá vàng trong nước tăng cao trong thời gian qua do những nguyên nhân. Đó là thu nhập của người dân tăng lên do nền kinh tế tăng trưởng, và cùng với tính thị trường của nền kinh tế tăng lên thì phân hóa giàu nghèo cũng tăng lên. Hai nhân tố này làm tăng cầu về vàng cho cả nhu cầu trang sức, mỹ nghệ, lẫn nhu cầu cất trữ giá trị.

Lạm phát làm tăng chi phí đầu vào của ngành kinh doanh vàng và tăng cầu có khả năng thanh toán bằng tiền Việt đối đối vàng

Tỷ giá tăng làm tăng đầu vào của vàng nhập khẩu tăng khả năng thanh toán khi mua vàng trong nước. Giá vàng thế giới tăng làm tăng đầu vào của vàng nhập khẩu.

Cũng có thể còn do lượng vàng cơ quan chức năng cho phép nhập khẩu không đáp ứng nhu cầu nhập khẩu vàng của nền kinh tế làm tăng khoảng cách chênh lệch giữa cung và cầu đối với vàng trên thị trường trong nước. Không loại trừ việc có thể có đầu cơ làm tăng giá vàng.

Giá vàng tăng vừa qua cũng không thể là do người dân chuyển từ việc cất trữ giá trị dưới hình thái tiền giấy sang hình thái vàng. Bởi, không thể có việc chuyển này. Vì nếu thế, sẽ không thể có việc tiền gửi bằng tiền giấy của dân ở hệ thống ngân hàng vẫn không ngừng tăng lên. Tất nhiên, cũng có thể có cá nhân nào đó như vậy, nhưng tổng thể thì là không.

Tóm lại, sự thay đổi trong chính sách liên quan đến vàng của Chính phủ cần đảm bảo tiếp tục làm cho thị trường vàng ở nước ta phát triển, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để phục vụ tốt nhu cầu vàng chính đáng của người dân cho trang sức, mỹ nghệ và cho dành dụm.

Có lẽ, các cơ quan chức năng cần rà soát lại các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu vàng của nền kinh tế để có những sự thay đổi cần thiết góp phần ổn định giá vàng trong nước, hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Hồ Sỹ Thụy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất