(TG) - Sáng ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam”.
Chủ trì hội thảo có đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp hết hợp trực tuyến với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế - tài chính; tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và thành phần khác liên quan; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (IMF, WB, GIZ, ADB, UNICEF…); cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.
Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trước thách thức trên, năm 2022, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Tiếp đó, tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính hi vọng hội thảo lần này sẽ tìm ra được những giải pháp hữu hiệu đối với Việt Nam khi Việt Nam đã tham gia quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý. Tháng 10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS (IF) đã ban hành tuyên bố về Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số, đến nay đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên. Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu gồm: 2 quy tắc nội luật kết hợp (là quy tắc thuế suất tối thiểu 15% và quy tắc đối với khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu) và 1 quy tắc đánh thuế của nước nguồn. Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu; Thụy Sỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Hồng Kông (Trung Quốc), Úc… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024.
Tuy nhiên, việc áp dụng Quy tắc này có thể làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, do khi đó các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn mang lại nhiều tác dụng. Từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Do thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới, quan trọng và có nhiều yếu tố kỹ thuật, Hội thảo khoa học “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” được tổ chức để trao đổi, thảo luận nhằm nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp cho Việt Nam nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi cũng như duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Hội thảo tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung: Các nội dung chính của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu; Thực trạng triển khai và định hướng áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của một số quốc gia; Phân tích, đánh giá các tác động khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đối với kinh tế, đầu tư thế giới và Việt Nam và Các biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Trên cơ sở thảo luận các nội dung trên, Hội thảo gợi mở thêm nhiều vấn đề mới cần quan tâm cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các giảng viên và nhà nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu./.
Duy Phong