Trong những vụ án vi phạm an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, đều bộc lộ sự lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch từ bên ngoài để can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước ta. Rất tiếc, không ít người tham gia những vụ việc này đã thiếu hiểu biết về khái niệm quyền con người (QCN). Chính vì vậy, họ đã vi phạm chính những quy định mà pháp luật về QCN đã quy định.
Đến nay, chúng ta đều hiểu quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của các dân tộc. Mỗi dân tộc đều ít nhiều có những đóng góp vào giá trị đó. Cuộc Cách mạng Tháng Tám, các cuộc kháng chiến anh hùng với bao nhiêu hy sinh của đồng bào, chiến sĩ ta bảo vệ độc lập dân tộc là những đóng góp vô cùng lớn lao mang tính thời đại trong việc bảo vệ quyền sống còn của dân tộc Việt Nam, của người dân Việt Nam. Đồng thời, cũng là những đóng góp vào việc bảo vệ quyền con người của các dân tộc thuộc địa. Chính vì vậy, chúng ta không cho phép một cá nhân nào, một tổ chức nào, hoặc nhân danh một quốc gia nào được phép độc chiếm khái niệm đó.
Không ai phủ nhận quyền con người là một khái niệm chính trị - pháp lý cho đến nay vẫn còn đang tranh cãi. Song điều đó không có nghĩa ai muốn hiểu khái niệm này như thế nào cũng được và nhất là có thể xuyên tạc khái niệm ấy. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã đồng thuận về khái niệm này dựa trên những văn kiện cơ bản của Liên hợp quốc về QCN. Đó là: "Tuyên ngôn thế giới về QCN", năm 1948; hai Công ước "Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị", "Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa", năm 1966; và “ Tuyên bố Viên và Chương trình hành động”- văn kiện của Hội nghị nhân quyền thế giới ở Viên (Áo), năm 1993.
Về mặt học thuật, cho đến nay QCN vẫn được hiểu trên hai bình diện giá trị: Đó là giá trị đạo đức và giá trị pháp lý. Với tư cách là một giá trị đạo đức, QCN là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Đó là nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng.
Về giá trị pháp lý, QCN là các quy định pháp luật (trong luật quốc gia và luật quốc tế) nhằm bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người, đồng thời cũng đòi hỏi mỗi người phải có nghĩa vụ đối với quốc gia, dân tộc và cộng đồng.
Vì mục tiêu xóa bỏ chế độ xã hội XHCN Việt Nam, các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc, cắt xén khái niệm QCN, đồng thời áp đặt quan điểm dân chủ, nhân quyền của những lực lượng cực đoan phương Tây cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những quan điểm đó là “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, là “tự do ngôn luận, tự do báo chí" (không có sự quản lý của Nhà nước), là “tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, là “tự do lập hội”, “tự do biểu tình”… (trái pháp luật). Lợi dụng những quyền này người ta đã xuyên tạc, bôi nhọ thể chế quốc gia (như đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội), chính sách, pháp luật của Nhà nước - nhất là chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiêm trọng hơn, họ đã sử dụng những quan niệm dân chủ, nhân quyền đã bị xuyên tạc này để vi phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, an toàn xã hội.
Về trách nhiệm của quốc gia đối với QCN, “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, năm 1966 quy định: “Mỗi quốc gia thành viên của Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người… các quyền được công nhận trong Công ước này... không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc mọi quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc và xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc các điều kiện khác” (Điều 2.1). Về quy định này, hiện nay vẫn có người tự đặt quyền của mình hoặc của một dân tộc, một tôn giáo nào đó lên trên pháp luật. Nói cách khác là họ đòi quyền của mình được ưu tiên hơn những nhóm còn lại. Những người này không hiểu rằng bình đẳng trước pháp luật là một nguyên tắc hàng đầu của luật quốc tế về QCN.
Về quyền của các quốc gia - dân tộc, công ước trên quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa …”. Hội nghị nhân quyền thế giới ở Viên (Áo), năm 1993, lại một lần nữa khẳng định việc "khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện có hiệu quả quyền này”. Điều này có nghĩa các dân tộc có quyền tự do lựa chọn, xây dựng chế độ chính trị, thể chế quốc gia như thế nào là quyền của các quốc gia - dân tộc. Cho dù sự lựa chọn đó là chế độ chính trị quân chủ hay dân chủ; thể chế “tam quyền phân lập” hay các nhánh quyền lực "phân công phối hợp”, chế độ chính trị “đa đảng đối lập” hay một đảng lãnh đạo, cầm quyền… là quyền của mỗi quốc gia, dân tộc, không có bất cứ một tổ chức, một quốc gia, thậm chí là Liên hợp quốc có quyền can thiệp.
Về mối quan hệ giữa quyền của cá nhân với nghĩa vụ công dân - nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội, “Tuyên ngôn thế giới về QCN” ghi: "1- Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng…”. Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, năm 1966 quy định: Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng thụ các quyền dân sự, chính trị. Tuy nhiên, trong khi hưởng thụ những quyền đó, mọi người đều phải chịu một số hạn chế theo quy định của pháp luật quốc gia, "Do cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền và tự do của người khác …”.
Trong những nghĩa vụ công dân có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Như vậy, nói đến QCN không thể chỉ nói đến bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân mà phải nói đến quyền và bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc (bao gồm cả những thể chế xã hội hợp Hiến); quyền của cộng đồng và quyền của người khác.
Nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều cơ hội và thách thức. “Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”. Nhận thức rõ bối cảnh chính trị hiện nay, hiểu đúng khái niệm QCN, vạch trần những thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để phá hoại chế độ ta, giữ vững sự ổn định chính trị, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Đại hội XI đã nêu, vừa là một mục tiêu và là một thách thức đối với chúng ta./.
(Theo: BẮC HÀ/QĐND)