Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Kiên Giang đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra. Qua đó, nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý đúng người, đúng sai phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc có biểu hiện “giơ cao đánh khẽ”, gây bất bình trong nội bộ, bị dư luận phản ứng.
Cán bộ sai phạm vẫn được bổ nhiệm
Tháng 6-2016, nhiều cán bộ, đảng viên công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc có đơn gửi đến cơ quan kiểm tra đảng, cơ quan thanh tra nhà nước tố cáo ông Nguyễn Văn Phát, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc về các sai phạm liên quan đến công tác quản lý, điều hành, công tác cán bộ, sử dụng ngân sách và tài sản công… Qua kiểm tra, xác minh, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Phú Quốc và Thanh tra Sở Y tế tỉnh Kiên Giang kết luận ông Nguyễn Văn Phát có những sai phạm như: Tự ý gỡ bỏ phần băng ca xe cứu thương, lắp thêm ghế vào thành xe bảy chỗ ngồi để đi công tác, đi học; từ năm 2013 đến tháng 6-2015, thanh toán khống hơn 1.000 lít xăng; để xảy ra sai phạm trong mua vật tư, hóa chất xét nghiệm trị giá hơn 4,5 tỷ đồng; để nước thải của bệnh viện chưa qua xử lý đổ thẳng ra môi trường; sai phạm trong công tác cán bộ và công tác chuyên môn… Với những sai phạm nêu trên, ông Nguyễn Văn Phát bị kỷ luật với hình thức khiển trách. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, ông Phát vẫn được bổ nhiệm lại chức danh Giám đốc bệnh viện. Điều này gây ra sự hoài nghi, mất lòng tin trong cán bộ, đảng viên. Sau khi dư luận phản ứng bức xúc về vấn đề bổ nhiệm lại đối với ông Phát, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã giao Thanh tra tỉnh xem xét lại quy trình bổ nhiệm lại. Thanh tra tỉnh Kiên Giang kết luận: Việc bổ nhiệm lại đối với bác sĩ Phát vào đúng thời điểm bệnh viện này bị thanh, kiểm tra là không đúng, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế thu hồi quyết định bổ nhiệm lại.
Gần đây, dư luận cũng bức xúc về việc cấp ủy và chính quyền huyện Giồng Riềng đã xử lý không nghiêm đối với những sai phạm trong công tác quản lý, điều hành của ông Nguyễn Trúc Giang, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Giồng Riềng. Việc cấp ủy, chính quyền huyện Giồng Riềng chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm với ông Giang đã giúp cán bộ này được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn, làm Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang. Vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh thực hiện việc thanh tra lại và kết luận ông Nguyễn Trúc Giang có những sai phạm nghiêm trọng hơn. Chánh Thanh tra tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tỉnh kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Trúc Giang.
Xử lý cán bộ kiểu... thăm dò dư luận
Điển hình trong việc xử lý cán bộ, đảng viên kiểu này là trường hợp ở Huyện ủy Hòn Đất trong xử lý các ông: Phạm Văn Lý, Huyện ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện và Cam Anh Dũng, Huyện ủy viên, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy. Theo Kết luận thanh tra (ngày 17-3-2016), trong thời gian từ năm 2010 đến cuối năm 2014, khi làm Chủ tịch UBND xã Bình Giang (huyện Hòn Đất) hai cán bộ này đã ký 61 hợp đồng bán 91 lô đất cho dân, thu về 685 triệu đồng trong tổng số 1,55 tỷ đồng phải thu; chỉ đạo cấp dưới thu tiền bằng biên lai tự in và dùng số tiền này chi cho các hoạt động của xã; thiếu kiểm tra, để cấp dưới chiếm dụng hàng trăm triệu đồng tiền bán đất trong thời gian dài. Mặc dù mắc nhiều sai phạm có hệ thống trong thời gian dài, nhưng UBND và Huyện ủy Hòn Đất thống nhất chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với cả hai trường hợp nêu trên. Sau đó, thấy nhiều cán bộ, đảng viên không đồng tình, dư luận lên tiếng phản ánh, Thường trực Huyện ủy Hòn Đất mới xem xét lại và có quyết định kỷ luật ông Lý và ông Dũng bằng hình thức cảnh cáo về Đảng. Mặc dù sai phạm từ lúc còn làm Chủ tịch UBND xã, nhưng khi nhận hình thức kỷ luật, ông Dũng và ông Lý đã là Huyện ủy viên và chức vụ chính quyền cũng cao hơn.
Mới đây, việc Huyện ủy Vĩnh Thuận ra quyết định kỷ luật ông Đặng Văn Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận và bà Phan Thị The, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận bằng hình thức khiển trách, khiến những người hiểu vụ việc thấy bất ngờ, cho rằng quá nhẹ so với hành vi vi phạm. Ông Dũng và bà The là hai trong số 13 cán bộ, công chức của xã này cùng bị kỷ luật sau vụ báo chí phanh phui những sai phạm trong thực hiện hỗ trợ tiền cho nông dân bị thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ quà Tết cho hộ nghèo năm 2016. Khi được tỉnh tạm ứng cho xã hơn bảy tỷ đồng để hỗ trợ cho nông dân đầu tư tái sản xuất, nhiều cán bộ xã đã tự tung tự tác chi sai, bỏ sót hàng trăm hộ, thậm chí họ còn chiếm dụng tiền hỗ trợ. Dù thiệt hại về vật chất từ vụ việc là không lớn, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đáng lưu ý là, sau khi vụ việc bị báo chí phanh phui, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xảy ra sai phạm cố tình quanh co, né tránh, bao che. Và phải một năm sau mới có kết luận chính thức, và hình thức xử lý vẫn chỉ “giơ cao đánh khẽ”.
Làm nghiêm mới củng cố được niềm tin của nhân dân
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang Hồ Minh Tuấn nhìn nhận, thời gian qua công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra ở một số cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh vẫn còn trường hợp xử lý nhẹ, chưa nghiêm so với mức độ vi phạm. Điều này phần nào đã làm giảm khí thế của các cơ quan thanh tra, kiểm tra; công tác kiểm tra, thanh tra không bảo đảm tính răn đe, giáo dục cán bộ, đảng viên sai phạm, dẫn đến cán bộ, đảng viên ỷ lại, quần chúng nhân dân mất lòng tin. Để khắc phục những hạn chế này, đồng chí Hồ Minh Tuấn cho rằng, phải củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu lực của các cơ quan thanh, kiểm tra; xây dựng một đội ngũ cán bộ thanh, kiểm tra có bản lĩnh vững vàng, thẳng thắn đấu tranh với cái sai, cái khó. Tư tưởng này đã được quán triệt đến toàn lực lượng làm công tác kiểm tra.
Đối với từng vụ việc nêu trên, đồng chí Hồ Minh Tuấn cho biết: Việc bổ nhiệm lại đối với ông Nguyễn Văn Phát, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc là có sai sót mà người chịu trách nhiệm chính là Giám đốc Sở Y tế. Đối với trường hợp của ông Nguyễn Trúc Giang, cơ quan thanh tra huyện Giồng Riềng chưa làm tròn nhiệm vụ cho nên xử lý chưa đúng với tính chất, mức độ vi phạm. Ông Giang vừa nhận quyết định khiển trách, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đang xem xét lại việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Y tế đối với ông Giang…
Bốn vụ việc liên quan đến sáu cá nhân nêu trong bài viết này có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống như: vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, độc đoán gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành; quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước; tham ô, tham nhũng… mà Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra. Thiết nghĩ, những cán bộ, đảng viên có sai phạm mà xử lý không nghiêm, vẫn được che chắn để tiếp tục đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý sẽ gây nên những tác hại vô cùng to lớn. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên không chỉ với tỉnh Kiên Giang.
Việt Tiến/Nhân dân