Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 25/1/2018 9:39'(GMT+7)

Quyết tâm chính trị rất cao trong công cuộc chống tiêu cực

Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo dõi từ quá trình tố tụng, xét xử đến khi tòa tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, bản án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật cũng như mang tính cảnh báo cao.

Cảnh tỉnh người "say sưa" hành vi khuất tất

Ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, lần đầu tiên một cán bộ cao cấp bị đưa ra xét xử trước pháp luật về tội danh liên quan đến kinh tế, là rất đặc biệt. Chính sự đặc biệt ấy đã cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước trong xử lý cán bộ tiêu cực, suy thoái. Đây cũng sẽ là dấu hiệu tích cực góp phần củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Mỗi bản án được tuyên không chỉ để trừng phạt người phạm tội, mà thông qua đó để thức tỉnh, giáo dục những người phạm tội, để họ không chỉ chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình trước Đảng, nhân dân, mà sau đó phải tự sửa mình. Và quan trọng hơn cả, những bản án nghiêm khắc đó sẽ góp phần răn đe, cảnh tỉnh những người còn đang "say sưa" với những hành vi khuất tất, cần dừng lại trước khi quá muộn.

Qua đó dư luận sẽ nhận thức rõ ràng hơn về tuyên ngôn "không có vùng cấm" trong xử lý cán bộ mắc sai phạm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; góp phần vun đắp niềm tin trong nhân dân vào một Nhà nước pháp quyền công bằng, dân chủ.

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái trong Đảng đã được phát động từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Với việc đưa ra xét xử trước pháp luật những cán bộ như ông Đinh La Thăng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ; đã thực sự vào cuộc và phát động thành công một xu thế chung chống tiêu cực được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng, ủng hộ.

"Tôi cho rằng việc xét xử ông Đinh La Thăng không thể coi là một trường hợp thí điểm mà là kết quả của một quá trình Đảng, Nhà nước ta "tuyên chiến" với tiêu cực, suy thoái. Qúa trình đó đã được hệ thống các cơ quan chức năng ở Trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương… vào cuộc rất tích cực. Vấn đề còn lại là làm sao để các cơ quan ở địa phương, cơ sở, các ngành cũng phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt như thế", ông Phúc nêu quan điểm.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng cho rằng, đó là xu thế tất yếu không gì có thể cưỡng lại và không thể đảo ngược. Chống suy thoái, tiêu cực đã trở thành một yêu cầu khách quan của xã hội, của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh. Bất kỳ thế lực nào, nhóm lợi ích nào cố chống lại cũng sẽ thất bại.

dang da phat dong thanh cong xu the chung chong tieu cuc hinh 2
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội .

Giám sát quyền lực để muốn "nhúng chàm" cũng không được

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận xét, bản án dành cho ông Đinh La Thăng là bản án rất nghiêm khắc, đúng pháp luật, bên cạnh đó cũng đã xem xét đến những đóng góp của ông Đinh La Thăng trong một thời gian dài để giảm nhẹ.

"Qua bản án dành cho ông Đinh La Thăng, những ai còn hồ nghi với tuyên bố của Đảng, Nhà nước rằng khi đã phạm tội, pháp luật sẽ không trừ một ai, không ai có thể đứng ngoài vòng pháp luật dù là cán bộ ở cấp nào, sẽ phải nghĩ lại", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Vị đại biểu Quốc hội từng nổi tiếng với nhiều phát ngôn làm "nóng" nghị trường cũng cho rằng, sau vụ việc của ông Đinh La Thăng và nhiều vụ việc khác, có thể thấy rõ một điều nếu chúng ta kiểm soát quyền lực tốt hơn thì đã không để đến mức một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị trở thành bị can, bị cáo. Nếu quyền lực được kiểm soát tốt ngay từ đầu, khi những dấu hiệu sai phạm mới manh nha được phát hiện kịp thời thì đã không có chuyện chúng ta phải đau xót khi bị mất cán bộ và thiệt hại kinh tế rất lớn.

"Đây là bài học về kiểm soát quyền lực, khi chúng ta đã có rất nhiều cơ quan làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, để kiểm soát quyền lực lẫn nhau, nhưng chưa phát huy được hiệu quả, chưa phối hợp được đồng bộ, chưa phát huy được vai trò của các cơ quan này ngay từ đầu", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Cán bộ nào khi mới được bổ nhiệm biểu hiện cho thấy đều là những người tốt, nhưng sau một thời gian, không ít người bắt đầu suy thoái, quyền lực bị lạm dụng, lộng quyền, chuyên quyền dẫn tới vi phạm những nguyên tắc nhất định, quá lên là vi phạm pháp luật.

Vì vậy, theo ông Lê Như Tiến, việc giám sát quyền lực phải là công việc thường xuyên, chứ không phải “có bệnh rồi mới chữa”, để người ta có muốn "nhúng chàm" cũng không thể được./.

(Nguồn:vov.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất