Sáng 17/8 cùng với Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 6/8/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XIV về công tác Lịch sử Đảng, Thành ủy thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt cuốn “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội tập I (1926-1945) do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp xuất bản.
Cuốn sách là tập đầu tiên trong bộ sách Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội được khởi thảo, biên soạn từ tháng 10/2010 do yêu cầu cấp thiết cần phải có một bộ sách chung về Lịch sử Đảng bộ Thủ đô theo địa giới hành chính mới.
Sau hơn hai năm tích cực thực hiện quyết định của Thường vụ Thành ủy, với sự quan tâm sát sao của Hội đồng Chỉ đạo biên soạn sách, cùng với tinh thần lao động khoa học công phu, nghiêm túc, trách nhiệm cao của tập thể các tác giả, sự đóng góp nhiệt tình của nhiều lớp cán bộ các thời ký, các đồng chí lão thành cách mạng, các chuyên gia, các tổ chức cá nhân chuyên ngành khoa học lịch sử, bản thảo “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội tập I (1926-1945), sau nhiều lần chỉnh lý , sửa chữa đã được Hội đồng Chỉ đạo Biên soạn và Thành ủy thông qua.
Cuốn sách gồm sáu chương, lấy mốc từ 1926, bắt đầu từ sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên; tiếp đến là Đại hội kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ và sự ra đời của Đảng bộ Hà Nội (1928-1930); quá trình xây dựng tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng cho đến năm 1945 - Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi và Hà Nội trở thành Thủ đô của cả nước. Tuy nhiên, cuốn sách cũng dành hai chương đầu giới thiệu về thành phố Hà Nội – Địa giới hành chính, dân cư và truyền thống; phác họa bức tranh Hà Nội - Hà Đông – Sơn Tây dưới chế độ thực dân phong kiến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XX.
Cuốn sách là một công trình khoa học về lịch sử hiện đại, vừa kế thừa thành quả lao động từ những công trình nghiên cứu lịch sử Đảng bộ trước đó, vừa là kết quả của sự cố gắng khắc phục những trở ngại do thiếu tư liệu, nhân chứng khi phải mô tả lại từng sự kiện, từng nhân vật lịch sử của một giai đoạn đầy khó khăn, khắc nghiệt trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây và Mê Linh (cũ).
Giới thiệu cuốn sách, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chinh trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội nêu rõ: cuốn sách được biên soạn bổ sung và chỉnh lý, nâng cao trên cơ sở kế thừa nguồn tư liệu và sự kiện trong các công trình lịch sử Đảng đã được xuất bản trước đây, như Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930-2000), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tây (1925-1945), Lịch sử Đảng bộ huyện Mê Linh (1935-1946)…
Cuốn sách đã dựng lại những trang sử hào hùng trong quá trình các đảng bộ ra đời và lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc; làm rõ mối quan hệ và tác động qua lại giữa phong trào cách mạng ba tỉnh, thành phố, song vẫn bảo đảm tính đặc thù và sắc thái riêng của phong trào cách mạng từng địa phương.
Ra mắt Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tiến tới kỷ niệm 58 năm ngày giải phóng Thủ đô, cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội tập I (1926-1945)” có ý nghĩa quan trọng và càng có ý nghĩa hơn khi Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang thi đua lao động, sáng tạo, phát huy những thành quả cách mạng, soi mình trong những tấm gương sáng của lịch sử và những bài học quý giá trong phong trào đấu tranh cách mạng để xây dựng Đảng bộ Thủ đô thật sự trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”; cùng nhau siết chặt đội ngũ xây dựng Thủ đô trở thành thành phố kiểu mẫu của cả nước như điều Bác Hồ đã từng mong muốn.
Phương Vinh