Giải thưởng toàn quốc về TTĐN lần thứ IX (Giải thưởng) do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN, trong đó Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thường trực Giải thưởng phối hợp tổ chức. Sau hơn 4 tháng phát động (từ 29/3/2023 đến 31/7/2023), Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được 1.456 tác phẩm/sản phẩm gửi tham gia, tăng 30% so với kỳ giải thưởng trước. Số lượng các tác phẩm tăng thêm tập trung chủ yếu tại các hạng mục sáng kiến, sản phẩm có giá trị TTĐN (tăng 500%); báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài (tăng 28%); truyền hình (tăng 46%); ảnh (tăng 96%); video clip (tăng 46%). Hạng mục báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt và tiếng nước ngoài vẫn dẫn đầu về số lượng các tác phẩm/ sản phẩm tham gia Giải thưởng năm nay.
Chủ đề của các tác phẩm/sản phẩm năm nay tập trung phản ánh các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa… quan trọng của đất nước, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế; thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, quyền con người; vẻ đẹp đất nước, con người, giá trị văn hóa Việt Nam… Hình thức thể hiện đa dạng, độc đáo, hiện đại, đáp ứng nhu cầu, thói quen tiếp cận thông tin của các đối tượng khác nhau, nhất là giới trẻ. Nhiều tác phẩm/sản phẩm thể hiện được tư duy đổi mới, sáng tạo về phương thức; ứng dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông mới. Các tác phẩm/sản phẩm của người nước ngoài chủ yếu tập trung phân tích về chính sách ngoại giao của Việt Nam; vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động giao lưu nhân dân…, thể hiện được sự hiểu biết, tình cảm sâu sắc dành cho đất nước, con người Việt Nam, góp phần tạo luồng thông tin tích cực của dư luận quốc tế về Việt Nam.
Về đối tượng tham gia, lực lượng báo chí truyền thông vẫn chiếm đa số, phản ánh qua số lượng các tác phẩm/sản phẩm thuộc thể loại báo chí, truyền hình, phát thanh, ảnh. Có 48 tác giả/nhóm tác giả người nước ngoài với 78 tác phẩm/ sản phẩm, tập trung phần lớn tại hạng mục báo in, báo điện tử tiếng nước ngoài. Giải thưởng ghi nhận sự tham gia rất tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan báo chí địa phương, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, cá nhân, giới nghệ sĩ, chuyên gia học giả… Nhiều tác phẩm/sản phẩm được đầu tư công phu, có chất lượng; hồ sơ tham gia nghiêm túc, chỉn chu.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng Sơ khảo đã xét chọn 1.423 tác phẩm đề nghị chấm vòng Chung khảo. Trong đó, Hạng mục báo in và báo điện tử tiếng Việtcó số lượng lớn tác phẩm dự thi (báo in: 186 tác phẩm; báo điện tử: 255 tác phẩm). Các tác phẩm bám sát các sự kiện trọng đại, hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước; phản ánh phong phú, bao trùm các chủ đề TTĐN: Từ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm nhân quyền, tự do tôn giáo..., đến thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát triển văn hóa, ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, công tác kiều bào, giữ gìn và tôn vinh ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hình ảnh Việt Nam trong mắt người nước ngoài... Bên cạnh đó, là những bài nghiên cứu, tổng hợp, phân tích chuyên sâu, có tính lý luận cao về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Có nhiều tác phẩm cùng phản ánh chung một chủ đề, song được khai thác dưới các khía cạnh khác nhau, khẳng định được bản sắc riêng. Một số chủ đề truyền thống được đặt dưới góc nhìn mới, chắt lọc được các chi tiết mang tính phát hiện.
Các tác phẩm báo in thể hiện tính đa dạng, phong phú, nhiều nhất là thể loại phản ánh, phỏng vấn, phóng sự, ghi chép. Báo điện tử có nhiều tác phẩm cho thấy sự đổi mới về hình thức trình bày, hiện đại, đa phương tiện, hấp dẫn bạn đọc.
Hạng mục Báo in, báo điện tử tiếng nước ngoài với 213 tác phẩm được thể hiện bằng 9 ngôn ngữ như: tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Lào và Khmer. Chủ đề của các tác phẩm ở hạng mục này tập trung vào phản ánh đường lối đối ngoại của Việt Nam; các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội; giới thiệu đất nước, con người, những vấn đề cuộc sống được bạn bè quốc tế quan tâm; phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19; dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; cuộc chiến chống tham nhũng; chính sách đại đoàn kết dân tộc… Đáng chú ý có một số bài viết nghiên cứu học thuật, đăng trên tạp chí khoa học trong nước của các tác giả là chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín như GS. TS. Đặng Nguyên Anh; PGS. TS. Trịnh Tiến Việt… Cùng với hình thức trình bày đẹp, nội dung phong phú, đa dạng, ứng dụng kỹ thuật đồ họa, trình bày đa phương tiện, megastory; tác giả và đơn vị dự thi cũng đa dạng đối tượng, trong đó số tác giả người nước ngoài là 30 người. Các học giả quen thuộc như SD. Pradhan và Rudroneel Ghosh tiếp tục gửi nhiều bài dự thi. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất, tiếp theo là Báo Nhân dân. Hai cơ quan chiếm 44% tổng số các tác phẩm dự thi.
Có 67 tác phẩm dự thi ở hạng mục Phát thanh, thể hiện bằng 4 ngôn ngữ Việt, Anh, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Đài Tiếng nói Việt Namlà đơn vị gửi nhiều tác phẩm dự thi nhất (24/67 tác phẩm); tiếp theo là khối các đài địa phương với 27 tác phẩm, trong đó ĐàiTiếng nói Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) là đài địa phương có nhiều tác phẩm tham dự nhất (6 tác phẩm tham gia). Đáng chú ý năm nay có sự tham gia của Đài Phát thanh Trường Đại học Chile với chuỗi bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung sâu sắc và sức lan tỏa rộng rãi.
Hạng mục truyền hình có nhiều tác phẩm chuyên môn cao, phong cách hiện đại, được đầu tư công phu, sử dụng lời bình, âm thanh, hình ảnh tốt, ý tưởng kịch bản đặc sắc, phương pháp thể hiện sáng tạo, với chất lượng xuất sắc. Nhiều tác phẩm có tính lan tỏa cao, nhận được nhiều chia sẻ và bình luận tốt, truyền tải thông điệp tích cực, phong cách kể chuyện bằng hình ảnh và âm thanh nhiều cảm xúc và chân thực. Các hạng mục khác như ảnh, sách, video clip, sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại đều cho thấy những nét tươi mới, phản ánh tinh thần sáng tạo, đổi mới, đề cao tính lan tỏa, tạo ảnh hưởng trong triển khai công tác thông tin đối ngoại.
Hội đồng Chung khảo Giải thưởng đã chọn ra 110 tác phẩm/ sản phẩm xuất sắc nhất trong số 131 tác phẩm/sản phẩm được đề cử. Trong đó, có 8 giải Nhất, 22 giải Nhì, 30 giải Ba, 50 giải Khuyến khích.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao Giải (tổ chức vào 20h, thứ năm 12/10/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kể từ khi ra đời đến nay, Giải thưởng toàn quốc về TTĐN đã thực sự khẳng định được “thương hiệu” của mình, không chỉ là ngày hội của những người làm công tác TTĐN mà còn là sự kiện hấp dẫn, tạo được tiếng vang lớn trong dư luận xã hội, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo khán giả trong và ngoài nước.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn và tin tưởng, trước yêu cầu và nhiệm vụ của giai đoạn phát triển mới, công tác TTĐN sẽ phát huy những thành tựu đã đạt được; tiếp tục có những bước phát triển mới để góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 15/6/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Theo đó,phương châm triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới được xác định là “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”. Đồng thời, cần không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức thông tin đối ngoại theo hướng phù hợp với nhu cầu các đối tượng, khu vực, địa bàn trong và ngoài nước, trọng tâm là các quốc gia, vùng lãnh thổ có ảnh hưởng đến phát triển đất nước. Kết luận số 57-KL/TW sẽ là kim chỉ nam cho việc triển khai công tác thông tin đối ngoại giai đoạn mới trên cả hệ thống chính trị, trong nước và ngoài nước. Với tinh thần đó, trong những năm tới, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, đặc biệt là các cơ quan báo chí chủ lực cần không ngừng nghiên cứu tìm tòi, đổi mới sáng tạo về quy chế, cơ cấu giải, công tác tổ chức, để Giải thưởng sẽ hấp dẫn hơn nữa, thu hút được nhiều sự tham gia của người nước ngoài, bà con kiều bào, các bạn trẻ, giới nghệ sỹ, người có ảnh hưởng trong xã hội… Từ đó, đưa tầm ảnh hưởng của Giải thưởng toàn quốc về TTĐN không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà còn lan tỏa ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại do Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan chủ trì, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014. Giải thưởng nói chung và Lễ trao giải nói riêng không chỉ nhằm ghi nhận và tôn vinh những tác phẩm/sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, mà còn trở thành diễn đàn giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của những người làm thông tin đối ngoại.
Tám mùa giải qua, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 7.700 tác phẩm. Từ 5 hạng mục ban đầu, tới nay, Giải thưởng đã được mở rộng thành 10 hạng mục với các tác giả và loại hình tác phẩm/ sản phẩm tham gia dự thi ngày càng đa dạng.
|
Nguyễn Quế Lâm
Ban Tuyên giáo Trung ương