Ngày 2/11, tại cuộc họp báo giới thiệu Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của
Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Bộ sẽ khẩn trương xây dựng
các Thông tư, văn bản hướng dẫn để Nghị định sớm đi vào cuộc sống.
Đồng thời, ông cũng cho biết có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan
chủ động nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn theo quy định trong
Nghị định.
Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, sau 5 năm triển khai thực hiện Quy chế
quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại
đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Bộ máy thông tin đối ngoại từ Trung ương đến địa phương dần được củng
cố. Đến nay 100% các tỉnh, thành phố có cán bộ thông tin đối ngoại, ban
hành kế hoạch thực hiện, bố trí kinh phí hoạt động; có 52 cơ quan thường
trú ở nước ngoài của 4 cơ quan báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam,
Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân.
Hoạt động thông tin đối ngoại đã giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng về
Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam, thúc đẩy
tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, công tác thông tin đối ngoại vẫn còn một số hạn chế như hiệu
lực quản lý Nhà nước chưa cao; sự phối hợp, kết hợp giữa các Bộ, ngành
còn hạn chế; kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại còn phân tán;
lực lượng thông tin đối ngoại còn mỏng; chất lượng hiệu quả hoạt động
thông tin đối ngoại chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; các phương
tiện thông tin đại chúng chưa phát huy hết vai trò trong hoạt động
thông tin đối ngoại.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý Nhà nước về
thông tin đối ngoại theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010.
Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/9/2015 về quản lý hoạt
động thông tin đối ngoại là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao
nhất trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.
Nghị định gồm 4 Chương, 26 Điều, quy định chi tiết về phạm vi điều
chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc hoạt động thông tin đối ngoại,
quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại, nội dung thông tin đối ngoại,
cung cấp thông tin đối ngoại, một số kênh cung cấp thông tin đối ngoại
trọng tâm, cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại, hoạt động hỗ trợ, hợp
tác với các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông, phóng viên
nước ngoài để quảng bá Việt Nam tại nước ngoài; một số thiết chế thực
hiện công tác thông tin đối ngoại ở địa bàn ngoài nước, kinh phí cho
hoạt động thông tin đối ngoại và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà
nước về thông tin đối ngoại.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/10 vừa qua.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ
đi vào hoạt động sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và nâng
cao hiệu quả quản lý đối với các hoạt động thông tin đối ngoại, đảm bảo
sự quản lý thống nhất trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.
Nghị định phân công trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và báo chí trong hoạt động thông tin đối ngoại./.
(TTXVN)