Thứ Năm, 28/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 28/9/2008 21:26'(GMT+7)

Ra mắt Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sĩ Việt Nam

Ngày 27/9, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sĩ Việt Nam đã làm lễ ra mắt Trung tâm và khởi động dự án Công viên Văn Miếu đương đại. Gần 150 nhà khoa học, đại diện UBND tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội, đại diện nhiều cơ quan quản lý và đào tạo sau đại học tham dự sự kiện.

Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sỹ Việt Nam và Công viên Văn Miếu đương đại có diện tích gần 25ha tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, nơi có nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng và là cái nôi của người Việt - Mường Cổ. Trung tâm sẽ là nơi giới thiệu, trưng bày về cuộc sống, những đóng góp và sự lao động khoa học của các nhà khoa học, tôn vinh các nhà khoa học, các tiến sỹ đã cống hiến vì sự nghiệp khoa học Việt Nam, thông qua đó giúp tìm hiểu thêm về lịch sử phát triển của các ngành khoa học nước nhà. Xây dựng cơ sở dữ liệu, ngân hàng dữ liệu tiểu sử, ký ức, tư liệu và hiện vật của các tiến sĩ và các nhà khoa học Việt Nam. Trung tâm hoạt động đa chức năng như một bảo tàng, một thư viện kết hợp với các dịch vụ khoa học, văn hóa và du lịch.

Quy hoạch Công viên Văn Miếu đương đại sẽ gồm các khu tưởng niệm mô phỏng Văn Miếu cũ và hệ thống văn bia mới dành cho các nhà khoa học, các tiến sỹ thời cận hiện đại. Quy hoạch và kiến trúc của các công trình xây dựng trong Công viên được dựa trên ý tưởng biểu trưng linh vật là Kim Quy. Tại đây sẽ cho phép ghi tên các nhà khoa học, các tiến sỹ Việt Nam đã được công nhận tại Việt Nam và trên thế giới trên nền đá Hoa Cương.

Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội đồng Cố Vấn Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sỹ Việt Nam khẳng định ý tưởng nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ và qua đó phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các tiến sỹ, các nhà khoa học đương đại Việt Nam là cần thiết và rất đáng trân trọng. Ý tưởng này nhằm nuôi dưỡng một truyền thống lâu đời quý báu của dân tộc – truyền thống hiếu học – giá đỡ của nền giáo dục nước nhà. Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sỹ Việt Nam sẽ là một tổ chức đắc lực góp phần vun đắp, phát huy truyền thống đó, nhất là trong lĩnh vực khoa học. Lễ khởi động Dự án Công viên Văn Miếu đương đại được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội – biểu trưng nổi bật của Văn hóa Thăng Long, góp phần làm sống động truyền thống ngàn năm văn hiến, ngày càng thấm sâu trong mọi tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhân dịp này, Ban giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sỹ Việt Nam cũng kêu gọi các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu, các thư viện trong cả nước hợp tác với Trung tâm, biếu, tặng hoặc cho phép cán bộ làm công tác sưu tầm của Trung tâm được sao chụp các loại tư liệu khác nhau, liên quan đến các công trình nghiên cứu, cuộc đời của các nhà khoa học cận hiện đại. Trung tâm cam kết các tài liệu này chỉ sử dụng cho mục đích khoa học và bảo tồn di sản văn hóa, lưu trữ, trưng bày tại Trung tâm và Công viên Văn Miếu Việt Nam đương đại. Mọi thông tin chuyển gia, tiếp nhận tài liệu, hiện vật liên hệ: PGS.TS Nguyễn Văn Huy, email: huyvme@yahoo.com./.

(VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất