Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 18/2/2011 21:30'(GMT+7)

Rất cần "Cơm lành canh ngọt"

 “… Cha tôi đã dắt trâu vào
Nghỉ ngơi hút điếu thuốc lào say sưa
Mẹ tôi đi cất cái bừa
Dỡ neo cơm nắm còn thừa sáng nay
Cha tôi đi rửa chân tay
Một ngày mới có lúc này nghỉ chân
Mâm cơm đã đặt ngoài sân
Cả nhà sum họp ngồi ăn vui vầy”.

Bữa cơm gia đình của chúng ta bắt đầu như thế và chừng nào còn những bữa cơm Việt Nam như thế, vẫn còn gia đình made in VN, vẫn còn dân tộc Việt, tổ quốc Việt Nam trường tồn. Khi tôi viết bài này cho số xuân Lao Động, có một người Mỹ thắng sau 33 lần trả giá trên mạng eBay để được ăn “bữa cơm chiều” với Bill Clinton giá 102.450USD, nhằm gây dựng “Quỹ Clinton” xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao sức khoẻ con người…

Một kiểu chơi đẹp của chính khách và đại gia. Tôi luôn tôn trọng “cái đẹp”, có cảm tình với ông Bill, nhưng không xếp hạng bữa ăn này, cũng như các bữa tiệc của Hoàng đế La Mã Néron, tiệc bàn đào của Ngọc hoàng, tiệc rượu ta vẫn có giấy mời hiện nay vào “bảng phong thần” các bữa cơm nhân loại. “Ăn để sống”, cũng có nhiều người “sống để ăn”, người Việt có câu “không ăn thì mẻ cũng chết”. Con người lo ăn trước, mặc và ở sau, rồi đến đi lại và… tivi 3D.

Nhưng bữa cơm gia đình bao giờ cũng có tiêu chí rất đơn giản và không dễ thực hiện. Bữa cơm gia đình cần no, cần ngon, thậm chí cần cả sang trọng. Nhưng trước hết cần phải có một gia đình. Mỗi năm một lần, những người Việt ly nông “tha phương cầu thực” (kiếm ăn quê người) lại lên mạng mua vé tàu, chầu chực bến xe, bị xếp lèn như cá hộp trên những chiếc xe đò xuyên Việt, từ Nam Bộ, về miền Trung, ra Bắc để được sum họp với gia đình. Bữa cơm chiều 30 tết có lẽ là bữa cơm đặc biệt nhất trong năm.

Các thành viên gia đình cùng nhau quây quần, trên ban thờ các cụ dường như cũng “gần bay la, xa bay bổng” về chứng giám lòng thành con cháu. Nhà cửa gọn gàng, được trang trí đẹp, khói hương trầm ngan ngát. Nếu là ngày xưa cùng với hoa đào, chậu quất, nhà nào sang có chậu lan, ngoài ngõ trẻ con đì đẹt pháo tép, pháo chuột chạy phun khói như ôtô bị cháy động cơ húc vào tường… Bọn trẻ vốn háu ăn, chiều nay cũng cố nuốt nước dãi nhìn mâm cỗ chờ ông bà ra lệnh mới… “khai đao”. Khỏi nói giò, nem, ninh, mọc, ngon nhất có lẽ là miếng bánh chưng mới luộc.

Một năm mới có một lần, ăn đi, mồng một, mồng hai, “no xôi chán chè” không ai đụng đến bánh nữa. Bữa cơm 30 mọi người vừa ăn vừa nói “ngày xưa, thời cụ còn sống thể nào cũng có nồi cá chép kho riềng vùi trấu dừ tướp, để nguội ăn với cùi bánh chưng, không gì bằng”. “Năm nay chú hai không về được, chắc ngoài mỏ khó làm ăn…”. Những lúc quây quần bên mâm cơm Tết, người Việt không mừng vì được ăn ngon, mở sâmbanh, hò reo chúc tụng. Chúng ta thường nhớ về nhau. Miếng ăn ngon bao giờ cũng nghèn nghẹn, cuộc sống chưa bao giờ thuận buồm xuôi gió hoàn toàn. “Và đời người thì ngắn, mà khổ đau lại dài”…

Làng tôi ở trong đê sông Hồng. Khi các bác nông phu từ bãi về làng phải trèo lên đê. Trong hoàng hôn mênh mang, đứng trên đê nhìn rõ cả làng, khói cơm chiều từ các bếp mỗi nhà bò lan mái rạ, lững lờ toả vào không trung màn khói bình yên. Chỉ nhìn thấy khói bếp thôi, người lao động đã thấy mệt mỏi tan biến một nửa. Một nửa sẽ tan sau bữa cơm cả nhà, thường kết thúc bằng cú súc miệng húp ngụm nước rau muống luộc đánh giấm sấu. Ngon! Sau đó ra bàn xỉa răng, bắn điếu thuốc lào, phun làn khói chưa ai nghĩ là độc hại…

Nhà tôi ở chung cư đầu hồi, tầng hai. Nhiều hôm đi làm về nhìn thấy bà xã đang đứng trong căn bếp vẩy ra ban công xào nấu gì đó. Gần thế mà không về được ngay vì tắc đường, kẹt xe. Ai một lần kẹt xe ngay trước ngõ nhà mình, ngửi thấy món ăn bữa chiều lẫn trong khói xăng, chắc chắn sẽ nhớ đến “những ngày xưa thân ái”, cuộc sống dễ dãi với con người biết bao. Chúng ta đang rơi vào “bi kịch của sự phát triển” từ lúc nào và chưa biết bao giờ mới thoát ra được.

“Bữa cơm công nghiệp” của người thợ, “cơm văn phòng” của nhân viên, “cơm nhà hàng” của công chức, viên chức, kể cả “cơm toà soạn” của các nhà báo làm trang, bữa cơm khô (bánh mì, mì tôm úp) của người bán rong, làm thuê… đang thay thế dần bữa cơm gia đình truyền thống. Sự phát triển của kinh tế - xã hội đã kéo chúng ta xa gia đình. Mâm cơm hiện đại không còn úp lồng bàn mà nằm trong nồi cơm điện chế độ ủ nóng, nằm trong tủ lạnh, lúc ăn qua lò vi sóng. Các bà nội trợ lúc đầu còn ngồi dậy ra phòng ăn hâm nóng thức ăn cho chồng con, dần dần cũng mệt, ai về tự chuẩn bị cho mình. Bữa cơm không còn là sự liên kết các thành viên nữa.

Áp lực công việc với nhiều người đến mức cả tuần gia đình chỉ còn cách kéo nhau ra nhà hàng. Ăn hiệu thay thế cho ăn nhà. Ở các địa phương, tỉnh lẻ, công chức, viên chức chiều chiều không về nhà, vác vợt cầu lông “hầu” sếp vài hiệp. Sau đó phải giải khát và nhiều khi công việc được giải quyết nhanh sau tiếng “cạch” cụng ly…

Không nói chuyện xã hội, chỉ nói tới sức khoẻ, những bữa nhậu nhà hàng, thường nhiều món hơn cơm nhà, đang là nguyên nhân của các bệnh nhà giàu như mỡ máu, huyết áp, gút, suy tim, ung thư dạ dày… và tạo ra cơ hội vàng cho các hãng dược phẩm và các cơ sở “y cao”. Tuổi thọ người Việt đang được công bố là ngày càng cao, nhưng nếu phân tích ra sẽ thấy ta có khả năng sống cao hơn vì có điều kiện kéo dài tuổi già bệnh tật lâu hơn mà thôi.

Gần đây lưu truyền “bài thơ”: “Ăn cơm vẫn phải ăn quà/ Ăn quà vẫn phải về nhà ăn cơm/ Ăn cơm như thể nhai rơm/ Cho nên vẫn phải cả cơm lẫn quà”. Loại “thơ gây cười” thịnh hành song song với tấu hài, hài tivi, tuy là chuyện tầm phào, có khi nhảm nhí, song lại có phần phản ánh thực trạng bữa cơm gia đình Việt Nam và những biến tấu thê thảm của lối sống xa rời truyền thống văn hoá dân tộc, chạy theo kinh tế thị trường, một kiểu giá trị “chơi vơi” của đạo đức và nhân bản.

Trong những hồi ức về Bác Hồ, không hiểu sao tôi hay chú ý đến những mẩu chuyện Bác cho mời người này người kia đến ăn cơm với mình (không phải dự tiệc chiêu đãi của vị Chủ tịch Nước được nhà thơ Cuba Nicolai Ghiden tả “Hồ Chí Minh, người nông dân Việt Nam hiền lành”). Bác sống một mình, vẫn muốn có người cùng ăn cơm, bữa cơm gia đình cuối cùng Bác ăn từ ngày chưa có chúng ta, chưa có cả nước ta như bây giờ. “Cả một đời vì nước vì non”.

Dẫu biết rằng cuộc sống đổi thay, nhân loại bước sang nền văn minh kỹ thuật số (vi tính), là người Việt Nam ai cũng mong, dù chỉ một lần quên đi cơm hộp, quên đi cơm hàng, quên đi những cuộc tụ tập kiểu một, hai, ba, dzô! Để có bữa cơm gia đình bắt đầu bằng cơm, mùi cơm nóng, thơm lành mạnh nhất là mùi đầu tiên ta cảm nhận. Không sơn hào hải vị, bia rượu nào tạo ra nhân cách Việt Nam. Bữa cơm “bốn cờ” (cơm, canh, cà, cá) mà nhà báo quá cố Nguyễn An Định ngày xưa vẫn ăn với chúng tôi sao đến giờ vẫn ngon.

Người ta xếp bữa cơm vào văn hoá. Hãy sống văn hoá bằng cách không hề khó: Ăn cơm lành mạnh, dù thỉnh thoảng…

Theo Trần Chinh Đức /Báo Lao động số Xuân 2011

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất