Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 18/2/2011 21:28'(GMT+7)

Trách nhiệm người đứng đầu

Cảnh chen lấn, xô đẩy tại lễ khai ấn đền Trần xuân Tân Mão 2011.

Cảnh chen lấn, xô đẩy tại lễ khai ấn đền Trần xuân Tân Mão 2011.

Tham gia lễ hội, thăm thú đền chùa là nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân. Thế nhưng, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước và những nỗ lực của ngành văn hóa khôi phục các lễ hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thì những biến tướng mê tín dị đoan cũng diễn biến phức tạp. Người dân đua nhau đến những nơi được coi là linh thiêng để cầu an, cầu tài, cầu lộc… gây nên sự quá tải và khó khăn cho công tác tổ chức, giữ gìn an ninh trật tự. Thậm chí nhiều trường hợp đã hao tổn sức khỏe, mất mát tài sản sau những lần dự lễ hội đầu xuân và điều đó rõ ràng làm giảm đi giá trị và bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận.

Đáng chú ý là cán bộ, công chức nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà máy cũng tranh thủ "tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà sa đà lễ bái. Nhẹ thì bí mật buổi trưa các bà, các cô rồng rắn đi chùa gần cơ quan. “Quy mô” hơn, có những công chức hẹn hò bố trí thuê xe vi hành chùa xa. Một số cơ quan có hẳn những “lệ” bất thành văn cho phép nhân viên xâm phạm cả “8 giờ vàng ngọc” vào việc cầu tài cầu lộc… Đã nhiều năm nay, phương tiện thông tin đại chúng đã công khai nhiều xe công đi lễ chùa và đến giờ, hiện tượng này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thực trạng trên, một mặt ảnh hưởng trực tiếp đến guồng máy làm việc tại các công sở, nêu gương xấu trong xã hội và mặt khác góp phần tạo thêm áp lực cho công tác tổ chức, bảo đảm trật tự, an ninh tại những nơi vốn đã quá tải về số lượng người tham gia.

Để quán triệt nghiêm Công điện của Thủ tướng, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lộn xộn tại nhiều lễ hội, ngoài việc nâng cao chất lượng công tác quản lý và tổ chức lễ hội chặt chẽ, hiệu quả, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc làm gương và quản lý nội bộ mình. Những trường hợp dùng xe công đi lễ chùa cần điều tra xem xét kỹ và xử lý nghiêm túc, không thể để người có trách nhiệm, có cương vị xã hội lại cố tình làm trái những quy định của Chính phủ và UBND các cấp. Bên cạnh đó là việc làm chuyển biến nhận thức về tín ngưỡng và định hướng cho người dân về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, đến với lễ hội trước hết phải có một tâm thức văn hóa, có tâm thế của người đi hội khoan hòa, thanh lịch.

Rất nhiều việc phải làm để lễ hội ngày càng thêm hay, đẹp, an toàn. Trong đó, trước hết cần sự gương mẫu của đảng viên, cán bộ và thái độ tôn trọng kỷ cương phép nước của người đứng đầu thông qua việc chấp hành các chỉ đạo, quy định của chính quyền các cấp về tổ chức, quản lý lễ hội.

(Đức Nghĩa/QĐND) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất