Trước sự phát triển nhanh như vũ bão của e-book (sách điện tử), điện thoại di
động và máy tính bảng, văn hóa đọc truyền thống đang phải đương đầu với nhiều
thử thách lớn.
Kết quả khảo sát do Viện Truyền thông và Xuất bản Trung Quốc thực hiện gần
đây cho thấy tính trung bình, một người Trung Quốc đọc 4,39 quyển sách in, 77,2
tờ báo, 6,56 tạp chí và 2,35 e-book. Lượng e-book đã tăng 65,5% so với cùng kỳ
năm trước.
Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc trong độ tuổi từ 18 đến 70 trung bình
mỗi ngày bỏ ra 98,85 phút xem tivi và 46,77 phút lướt mạng Internet trong khi
thời gian để đọc sách chỉ là 15,38 phút.
Đáng chú ý 31,2% dành ít nhất 40 phút
mỗi ngày để đọc thông tin trên điện thoại mà nội dung chủ yếu là các tin tức
liên quan đến giải trí. Tỷ lệ này cao hơn 13% so với khảo sát năm 2011.
Theo nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Hàn Thiếu Công, các hình thức điện tử
khiến cho việc đọc trở nên rời rạc, giảm lượng kiến thức mà người đọc thu nhận,
và nhìn chung chất lượng đọc trực tuyến vẫn cần phải cải thiện.
Trong cuộc xâm lấn của sách điện tử, các cửa hàng sách tư nhân trên toàn
thế giới đều chịu cảnh giảm sút người đọc, thậm chí dẫn đến phá sản.
Tuy nhiên,
vẫn có những hiệu sách tìm ra phương án đối phó với tình trạng trên như mời các
nhà văn nổi tiếng trong và ngoài nước đến nói chuyện hàng tuần nhằm thu hút
người đọc, hoặc tổ chức các cuộc hội thảo, khóa học, các buổi chiếu phim.
Xu
hướng biến đổi thành một "kênh" giao lưu thông tin hơn là chỉ đơn thuần bán sách
đang được nhiều hệ thống cửa hàng sách hướng tới.
Cuộc khảo sát trên cũng cho biết một lượng lớn người Trung Quốc vẫn thích
đọc sách in, và thực tế lượng sách đọc đã tăng trong 7 năm liên tiếp, song con
số này vẫn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia khác trên thế giới như Hàn
Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản./.
(TTXVN)