(TG)- Cuốn sách "Tổng kết thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay" là kết quả của Hội thảo khoa học: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị (khóa VII) về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay và định hướng đến năm 2020.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật vừa xuất bản cuốn sách "Tổng kết thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay" do Trung tâm lý luận chính trị - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ biên.
Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 28-3-1992 về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 01) của Bộ Chính trị, đất nước đã tạo được những bước chuyển quan trọng trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong lĩnh vực tư duy lý luận, thành quả đáng kể nhất là những đột phá trong tư duy kinh tế, hình thành bước đầu mô hình về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên cơ sở nhận thức đúng đắn biện chứng cái phổ biến - cái đặc thù, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới và củng cố hệ thống chính trị, lý luận về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, sự ổn định, sự đồng thuận toàn xã hội về tư tưởng, mở rộng đối thoại, trao đổi quốc tế về lý luận, chống lại các quan điểm sai trái, kiên định con đường phát triển phù hợp với xu thế chung của nhân loại tiến bộ. Chính điều này góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước, ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, kịp thời uốn nắn những lệch lạc và ngộ nhận về mặt lý luận trước những biến đổi mang tính toàn cầu trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa.
Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị (khóa VII) về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay là sự tiếp nối sự nghiệp đổi mới tư duy do Đảng ta khởi xướng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI; là văn bản có tính chất định hướng về lý luận trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Sau khi phân tích những thành quả và những mặt yếu kém trong công tác lý luận, Nghị quyết 01 đã xây dựng quan điểm phát triển của Đảng ta bằng bốn phương châm lớn, chín hướng nghiên cứu và sáu biện pháp, với mục tiêu làm rõ mô hình phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, hướng đến năm 2020 trên cơ sở kế thừa và làm rõ nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ VII và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cho đến nay, Nghị quyết vẫn tiếp tục gợi mở cho các nhà lý luận trong việc tổng kết thực tiễn, xác lập những luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định chiến lược, đường lối phát triển đất nước trong thế giới mở, nhưng hết sức phức tạp hiện nay.
Nhìn lại những vấn đề được nêu ra trong Nghị quyết 01, có thể nhận thấy tư tưởng xuyên suốt trong công tác lý luận hiện nay chính là vận dụng sáng tạo và phát triển những luận điểm, nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện Việt Nam, hình thành “bản sắc” Việt Nam về tư duy lý luận thông qua kế thừa có chọn lọc tinh hoa trí tuệ của dân tộc và sức mạnh của thời đại. Tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam hình thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, từ những kinh nghiệm và bài học của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, từ những trải nghiệm bi hùng của lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta, từ chiều sâu của bản sắc văn hóa dân tộc, được cô đọng, kết tinh trong đường lối cách mạng của Đảng suốt hơn 80 năm qua, trở thành kim chỉ nam, thành định hướng phát triển của dân tộc trong thời đại mới.
Như Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị đã nêu, phát triển tư duy lý luận không chỉ là công việc của những người trực tiếp làm công tác lý luận, mà là công việc của Đảng, của tất cả những ai tha thiết với sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh và phồn vinh. Để phát triển tư duy lý luận, cần xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận có năng lực chuyên môn cao và tâm huyết, đồng thời tạo nên sự liên kết giữa công tác lý luận và hoạt động thực tiễn, giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật. Là một trong hai đơn vị thuộc hệ thống các trường đại học phía Nam được giao nhiệm vụ tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiêm túc triển khai công việc này thông qua các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát và chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương và trường đại học trong và ngoài Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Các đoàn công tác đã tiến hành khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm với Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng và Đại học Đà Lạt, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Cần Thơ và Đại học Cần Thơ, trao đổi công việc với các ban tuyên giáo tỉnh ủy và trường đại học các khu vực khác từ Tây Nguyên đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm chung thu được trong quá trình khảo sát và chia sẻ kinh nghiệm là: sự nỗ lực cao và những kết quả đáng trân trọng của đội ngũ những người làm công tác lý luận trong việc giảng dạy, nghiên cứu, góp phần ổn định chính trị, tư tưởng, xử lý và đề xuất xử lý các điểm nóng về tư tưởng, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền trong các quyết sách liên quan đến tư tưởng, lý luận, đề xuất tăng cường không khí dân chủ, cởi mở và có nguyên tắc trong thảo luận, tranh luận khoa học, đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa cơ hội và những biểu hiện sai trái trong tư tưởng, chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, xây dựng chính sách khuyến khích, đãi ngộ thích đáng đối với những người làm công tác lý luận, mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác lý luận. Tất cả các kiến nghị của đội ngũ làm công tác lý luận tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đều hướng đến cải tiến hơn nữa việc quản lý công tác lý luận, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ, hướng những vấn đề lý luận bám sát nhu cầu thực tiễn xã hội.
Cuốn sách Tổng kết thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay ra mắt bạn đọc là kết quả của Hội thảo khoa học “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị (khóa VII) về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay và định hướng đến năm 2020”. Các bài viết trong cuốn sách là những dòng tâm huyết và trách nhiệm của những người làm công tác lý luận, tha thiết với sự nghiệp đổi mới đất nước, hiến kế cho Đảng trong việc hình thành một chủ thuyết phát triển đặc trưng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Không ít bài viết bày tỏ sự day dứt, băn khoăn của nhà khoa học trước những bất cập, mâu thuẫn trong công tác lý luận, đào tạo lý luận chính trị, đồng thời gợi mở những ý tưởng quý báu cho việc phát triển tư duy lý luận nước nhà trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…
Hà Trang