Năm 1998 trên sân Cột Cờ, trung vệ đội trưởng Đỗ Mạnh Dũng đại diện cho đội bóng áo lính nâng cao chiếc cúp Vô địch giải Các đội mạnh toàn quốc (V.League bây giờ). Hôm đó, trên dưới chục ngàn CĐV Thể Công ngồi tràn cả đường pitch vui hơn Tết.
Họ biến SVĐ nhỏ bé này thành trung tâm lễ hội của cả Hà thành. Thể Công (khi đó mang tên CLB Quân đội) bước lên đỉnh vinh quang sau rất nhiều năm chờ đợi, ghi thêm một mốc son đẹp đẽ trong lịch sử 44 năm tồn tại.
Sân Cột Cờ xưa và nay
Những ai yêu mến Thể Công không thể quên trận Thể Công hòa 2-2 với Hải Quan ngày 14/6/1998 trên sân Cột Cờ. Vì đó chính là ngày cuối cùng họ được tận hưởng niềm vui tột đỉnh của đội “nhà” trên sân “nhà”.
Ngày đó chưa quá xa đến nỗi bị tất cả lãng quên bởi dòng chảy của thời gian. Thế nhưng, giờ thì cảnh ăn mừng của Thể Công trên sân Cột Cờ chỉ còn là hoài niệm.
Sân Cột Cờ bây giờ nổi bật với hai quán bia hơi tấp nập, náo nhiệt cả ngày. Người ra kẻ vào đủ loại thành phần, nhưng đa số là fan ruột của Thể Công. Họ đến đây vừa để thưởng thức bia hơi Hà Nội “nguyên chất”, vừa để tiếc nuối một thời đã xa. Trong tất cả các câu chuyện của họ, Thể Công và sân Cột Cờ được nhắc đến như một thứ không thể thiếu trong bữa nhậu. Cũng có một số CĐV thuộc loại “cực đoan”, trước là fan “ruột” của đội bóng, giờ là khách “có thẻ hội viên“ của quán bia. Họ đến để vui hoặc giải sầu sau mỗi trận thắng-thua của Thể Công. Kết quả nào cũng là cái cớ để uống và cái lý để say. Nhưng có một điều rất lạ, đã là fan Thể Công đích thực, thì hiếm khi có ai than vãn hay trách cứ các cầu thủ. Họ chỉ mong một điều, những người có trách nhiệm hãy yêu Thể Công như chính họ đã yêu đội bóng!
Chiều qua, khi lễ kỷ niệm 55 ngày thành lập Đoàn Thể Công chỉ còn cách 2 ngày, tôi lại đến sân Cột Cờ như một cách để hoài niệm quá khứ. Nhưng tiếc rằng, càng nhìn thì nỗi đau càng xé lòng.
Sân Cột Cờ ngày nào giờ là bãi đất, cỏ mọc um tùm...
Mặt sân từng là thảm cỏ điển hình của quốc gia, giờ chỉ còn khoảng giữa dành cho đám thanh niên chiều chiều quần thảo với trái bóng với tiêu chí “chơi cho khỏe”. Khán đài A, bên trục đường đôi Hoàng Diệu thì tàn tạ, rêu phong phủ kín. Cũng chẳng ai biết nó sẽ tồn tại được đến bao giờ?
Còn cổng mới mở phía khán đài B, đường Nguyễn Tri Phương, khu nhà từng nuôi dưỡng biết bao thế hệ VĐV bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, bắn súng, vật… đã trở thành nơi trưng bày xe tăng, máy bay, ô tô và các sản phẩm đậm chất… bảo tàng.
... và quán bia hơi
Ở khu vực cuối sân- nơi mỗi khi Thể Công thi đấu, các cầu thủ thường cùng nhau hướng về lầu Công Chúa để cầu nguyện lấy may, giờ là nơi để ô tô cho các thực khách của hai quán bia. Điểm son duy nhất còn sót lại là phía đối diện, Cột Cờ Hà Nội - biểu tượng của Thủ đô và của SVĐ vẫn còn đó. Nhưng có lẽ, khi sân bóng không còn hoạt động, khu đất được coi là “Vàng” giữa lòng Thủ đô (đang rất được “nhòm ngó” với mục đích khác), thì Cột Cờ Hà Nội chỉ tồn tại như một địa danh lịch sử mà thôi. Phần “hồn” là bóng đá, là thể thao đã thuộc về quá khứ.
Nhìn sân Cột Cờ hôm nay, không ai có thể hình dung nổi cái thảm cỏ từng là “điểm tựa” để các thế hệ bóng đá như Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa, Nguyễn Văn Tiền, Ngô Xuân Quýnh, Văn Sỹ Chi, Nguyễn Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Quản Trọng Hùng, Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng… dựng lên tượng đài trên sân cỏ Việt Nam với tên gọi Thể Công!
Xót xa ngày kỷ niệm
Năm 2004, đúng thời điểm 50 năm kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thể Công, đội bóng đá xuống hạng. Sân Cột Cờ cũng bị “đóng cửa”, chuyển mục đích sử dụng và được giao lại cho hai đơn vị: Ban quản lý dự án 678 và Công ty Trường An.
... bãi gửi xe
Các năm tiếp theo, Thể Công lấy sân Hàng Đẫy hoặc Mỹ Đình làm sân nhà và chuyển đại bản doanh về Bạch Mai. Cũng từ đó, cái cụm từ “đội Thể Công - sân Cột Cờ” dần bị mai một và gần như không ai nhắc đến chuyện tái hợp giữa hai cái tên đã thuộc về một phần lịch sử của thể thao quân đội nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung nữa.
Ngày mai, Thể Công tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm của mình với thêm một “vết cắt”. Sự rệu rã của đội bóng áo lính trên sân chơi V.League 2009 đã khiến không chỉ nhà tài trợ Viettel nản lòng. Họ gần như mất niềm tin vào Thể Công khi số tiền tài trợ và các chế độ đảm bảo gia tăng theo thời gian, nhưng đổi lại, thành tích cũng như cái “chất Thể Công” không được đáp trả một cách tương xứng. Tệ hơn, tấm vé trụ hạng nhọc nhằn chỉ được Thể Công “ký nhận” đúng vòng đấu cuối V.League 2009. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến số phận của đội U19 (vừa lập chiến công lên hạng Nhất) trở nên mong manh. Cho đến giờ, những người trong cuộc vẫn đang thấp thỏm lo âu vì hàng loạt câu hỏi chưa có lời đáp.
Kết
Từ 1998 đến 2009, quãng đường 11 năm chưa phải là dài, nhưng lịch sử của Thể Công đã có quá nhiều thay đổi. Sân Cột Cờ bị lãng quên bởi thời gian và trở thành phế tích. Hai đội Thể Công (1 ở hạng Nhất, 1 ở V.League) đến giờ cũng vẫn chưa biết sẽ có tiếp tục tồn tại hay không./.
Theo Báo Bóng Đá