Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 24/11/2011 21:42'(GMT+7)

Sân khấu không chuyên - cái nôi văn hóa cần được bảo tồn

Nhiều Câu lạc bộ Ca trù không chuyên đang hoạt động trong cả nước.

Nhiều Câu lạc bộ Ca trù không chuyên đang hoạt động trong cả nước.

Từ xưa đến nay, tùy thuộc vào bối cảnh đất nước mà các loại hình sân khấu truyền thống có lúc thịnh, lúc suy nhưng lúc nào cũng tồn tại song song cả hai dòng sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên.

Tính đến nay, chúng ta có một số lượng đông đảo các Câu lạc bộ, đoàn, đội nghệ thuật truyền thống không chuyên đang hoạt động “cần mẫn” ở các vùng quê, đóng góp đáng kể vào việc cải thiện đời sống văn hóa của nhân dân lao động.

Ca trù được nhiều nhà nghiên cứu coi là ca nhạc “thính phòng” mặc dù không có nhân vật diễn xuất như tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước, dân ca nhưng có lẽ từ thủa khai sinh, Ca trù vốn đươc coi là tiền thân của nghệ thuật sân khấu truyền thống gắn liền với các nghi lễ tế thần, thánh ở các đình, đền.

Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011 được tổ chức tháng 10 vừa qua có sự tham gia của 23 đơn vị tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó chủ yếu là các đơn vị không chuyên. Câu lạc bộ Ca trù Quảng Bình là một trong những đơn vị tham gia Liên hoan lần này.

Xưa kia, Quảng Bình có truyền thống hát nhà trò (hay còn gọi là hát Ca trù ngày nay). Khi đất nước còn chiến tranh, phong trào hát nhà trò bị mai một và lắng đọng một thời gian. Nhận thấy cần phải giữ gìn tiếng hát truyền thống của quê hương, các cụ đã vận động con cháu và truyền lại các điệu hát ca trù.

Cô Phạm Thị Sửu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Quảng Bình kể lại: “Người cao tuổi ở địa phương luôn có nguyện vọng đào tạo thế hệ sau để truyền lại tiếng hát kẻo sau này các cụ mất đi, tiếng hát của quê hương sẽ thất truyền. Ở trong thôn, các cụ cao tuổi tự nguyện thành lập ra một đội, những người trong các ban ngành như hội phụ nữ, các đảng viên xung phong vào để vận động phong trào”.

Câu lạc bộ ca trù Quảng Bình là một trong rất nhiều câu lạc bộ hát ca trù hoạt động độc lập và tự nguyện ở rất nhiều nơi trên đất nước ta. Chúng ta đều biết nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam vốn sinh ra từ dân gian, gắn liền với đời sống nhân dân lao động. Từ môi trường dân gian, nghệ thuật sân khấu truyền thống mới đi vào cung đình, phục vụ vua chúa, quan lại.

Trong bối cảnh đang rất khó khăn của sân khấu Việt Nam hiện nay, sân khấu Tuồng ở Bắc Ninh vẫn hoạt động khá thường xuyên và có chỗ đứng không nhỏ trong đời sống thường nhật của người dân. Không có những sân khấu hoành tráng với  phương tiện âm thanh loa đài hiện đại (mà nếu đem so sánh với sân khấu chuyên nghiệp thì có thể sẽ thiếu rất nhiều), nhưng với nhu cầu tâm linh, nhu cầu giải trí thì những hoạt động nghệ thuật ấy vẫn được duy trì trong đời sống.

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Phương- Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam là người chủ nhiệm Dự án “Kiểm kê hoạt động sân khấu truyền thống Tuồng, Chèo không chuyên ở tỉnh Bắc Ninh” cho biết: “Có một thực tế là đời cha trong đội tuồng có thể là diễn viên tuồng, ến đời con có thể người con không hát được tuồng, không diễn được tuồng nhưng bố nghỉ rồi, con vẫn tham gia. Nhiều khi họ chỉ làm công việc tổ chức nhưng họ vẫn xem như đó là việc cha truyền con nối”.

Nói đến nghệ thuật sân khấu truyền thống không chuyên là nói đến sự bền bỉ, âm thầm. Họ không sống vì Tuồng, vì Chèo... mà họ chơi những môn nghệ thuật ấy. Đây cũng là một lợi thế khác biệt và hơn hẳn các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Không bị sức ép bởi “cơm áo gạo tiền”, họ diễn Tuồng, diễn Chèo... là để gìn giữ một loại hình sân khấu đặc biệt của cha ông, để thỏa mãn thú chơi văn nghệ của bản thân và để phục vụ cộng đồng- những người rất gần gũi họ trong đời thường.

Không những thế, nghệ thuật sân khấu không chuyên sẽ có nhiều tác động đến nghệ thuật chuyên nghiệp, như ý kiến của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương- Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Đời sống văn nghệ không chuyên do Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH,TT&DL quản lý, theo dõi qua các hệ thống Trung tâm Văn hóa các tỉnh. Chính bản thân nghệ thuật không chuyên đã tạo ra cho nghệ thuật chuyên nghiệp một đội ngũ khán giả rất lớn. Bản thân những cuộc giao lưu, hội diễn do chính những người nông dân diễn cho chính những người nông dân xem thì tạo cho những người xem, và đặc biệt là các bạn thanh niên một tình cảm đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống”.

Những nghệ sĩ không chuyên đã giúp gìn giữ tinh hoa văn hóa cha ông một cách tự nhiên nhất. Điều những nghệ sĩ này cần chính là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương. Không thể tồn tại tình trạng cán bộ có trình độ yếu kém, làm văn hóa cơ sở nhưng không hiểu biết gì mấy về nghệ thuật truyền thống của quê hương mình. Nâng cao chất lượng và trình độ của cán bộ văn hóa xã, phường là điều cần thiết để hoạt động quản lý tại địa phương có hiệu quả hơn./.

(Theo: Phương Thúy/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất