Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 21/11/2011 14:20'(GMT+7)

Ý kiến nhỏ về cuốn sách to

Bìa cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại" xuất bản năm 2010.

Bìa cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại" xuất bản năm 2010.

Sáng kiến này là của Hội Nhà văn Việt Nam nhằm giới thiệu hội viên của mình. Sách được bắt đầu từ năm 1992. Được bổ sung danh sách hội viên mới qua các nhiệm kỳ và tái bản vào các năm 1997, 2007 và gần đây nhất là năm 2010. Theo ý định ban đầu và nội dung hiện có thì tên sách phải gọi là "Kỷ yếu Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam" hay "Hội Nhà văn Việt Nam tự giới thiệu". Không hiểu sao lại đặt tên là "Nhà văn Việt Nam hiện đại", cái tên có nội hàm rộng hơn nhiều so với sức chứa của quyển sách là giới thiệu hội viên của Hội mình.

- Hội Nhà văn Việt Nam thành lập từ năm 1957. Văn chương hiện đại Việt Nam thì lại có thể kể từ khi các nhà văn dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Nôm, chữ Hán để sáng tác. Cuốn "Nhà văn hiện đại" của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan soạn trong các năm 1941, 1942 thì coi nhà văn hiện đại là "những người có sách xuất bản bằng quốc văn có giá trị". Khi viết vào từng tác giả cụ thể, Vũ Ngọc Phan bắt đầu bằng Trương Vĩnh Ký (1863-1898). Có người cho văn chương hiện đại bắt đầu khi bỏ thi cử theo lối cũ (sau 1919). Cũng có học giả coi năm 1930, năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam là mốc của văn chương hiện đại. Mốc này cũng gần trùng với giai đoạn nảy sinh tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn và Thơ mới. Như vậy có tới ba mốc cho văn chương hiện đại: Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và 1930. Cả ba mốc đều sớm hơn ngày có Hội Nhà văn Việt Nam nhiều năm.

- Có lẽ thấy không thể thiếu những tên tuổi như Ngô Tất Tố (1894-1954), Hải Triều (1908-1954), Nguyễn Đình Lạp (1913-1952), Thôi Hữu (1914-1950), Trần Mai Ninh (1917-1947), Nam Cao (1917-1951), Thâm Tâm (1917-1950), Dương Tử Giang (1918-1956), Hoàng Lộc (1920-1949), Trần Đăng (1921-1949), Hồng Nguyên (1924-1951) (họ thật sự là những nhà văn hiện đại, lại là chiến sĩ chiến đấu dười cờ Mặt trận Việt Minh, nhiều người là đảng viên Cộng sản, đặt nền móng cho nền văn chương cách mạng mà Hội Nhà văn đang kế thừa) nên ở đầu sách mới có mục "Các nhà văn mất trước khi thành lập Hội". Và sau đó, ở chặng kháng chiến chống Mỹ, cũng có một bổ sung "Các nhà văn chưa hội viên hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước", tập hợp các tên tuổi của Nguyễn Trọng Định, Lê Vĩnh Hòa, Trần Quang Long, Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong, Trần Hữu Trang, Lê Anh Xuân, Nguyễn Vũ (Nguyễn Vũ mất năm 1978, do trọng bệnh). Đến phần thứ ba mới là phần "Các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam". Bổ sung như thế là thỏa đáng và bố cục rành mạch, hợp lý.

Tuy nhiên, gộp cả ba phần lại mới chỉ là những nhà văn Việt Nam hiện đại sống và viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng... và nhiều người khác đã là những nhà văn hiện đại có nhiều độc giả, có ảnh hưởng xã hội rộng lớn, nhiều người có văn phẩm đang được giảng dạy trong trường trung học, đại học... lại không có mặt trong cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại" này. Tên sách rõ ràng không tương ứng với nội dung mà nó chứa đựng, có thể dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc thiếu căn cứ khoa học, phủ nhận công lao nhiều tác giả, nhiều tài năng đáng kính của văn chương hiện đại Việt Nam.

Tiếc rằng lần xuất bản gần đây nhất, 2010, sự không tương ứng ấy vẫn nguyên vẹn. Đáng trách hơn nữa, những phần bổ sung rành mạch đã có từ lần xuất bản trước 1997, 2007 lại bị xóa bỏ. Các nhà văn mất trước khi lập hội và các nhà văn khi hy sinh chưa kịp vào Hội giờ đây đều được tập hợp chung, sắp xếp đồng nhất với các nhà văn hội viên hiện nay. Như vậy cuốn sách không còn mang dáng dấp kỷ yếu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nữa mà là cuốn kỷ yếu về các Nhà văn Việt Nam hiện đại. Và trong "Lời nói đầu", Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh đã bộc lộ mong muốn cuốn sách "trở thành một tài liệu tham khảo cho tất cả những ai quan tâm tìm hiểu nền văn học Việt Nam hiện đại, qua các gương mặt tác giả của nó". Một mong muốn đáng trân trọng. Nhưng mong muốn thế mà tập hợp các gương mặt chỉ có thế e làm gầy guộc cả nền văn học hiện đại Việt Nam biết bao.

Cứ lấy mốc từ 1930 đi, thì sao lại không có Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam...; không Vi Huyền Đắc, Vũ Đình Long... Đã đến lúc cần có cái nhìn biện chứng, khoa học về những tài năng văn chương có quan điểm xã hội chính trị không đồng nhất nhưng có nhiều đóng góp giá trị và làm phong phú cho gia tài văn chương Việt Nam. Không bao che những lỗi lầm chính trị, nếu họ có. Và phải ghi nhận, tri ân phần đóng góp cho văn mạch dân tộc của tài năng họ. Ngay hiện nay, với nhiều nhà văn đang viết, có ảnh hưởng trong bạn đọc, có đóng góp giá trị văn chương, nhưng do nhiều lý do họ chưa vào Hội mà coi họ không phải là nhà văn hiện đại, tôi e không khoa học, không công tâm và có phần trịch thượng.

Cuốn kỷ yếu này chỉ nên gọi là "Kỷ yếu Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam".

Cuối cùng, việc lãnh đạo đương nhiệm Hội Nhà văn ra quyết định công nhận là Hội viên Hội Nhà văn cho các nhà văn đã tạ thế như Lan Khai, Vũ Bằng, Trương Tửu... có cần thiết không? Có hợp lý không, khi Lan Khai tạ thế từ 1945, trước khi lập Hội 17 năm. Còn Vũ Bằng, Trương Tửu lúc sinh thời, nghe đâu không có ý định vào Hội.

Với sáng kiến tư duy truy tặng danh hiệu Hội viên thế này thì Hội ta có thể mở rộng đến các thiền sư đời Lý vừa huy hoàng vừa "đậm đà bản sắc dân tộc"./.

Vũ Quần Phương

(Nguồn: CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất