Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 20/11/2011 9:41'(GMT+7)

Không chỉ có cổng làng

 

“Văn hóa giống như lời cụ Hữu Ngọc nói rất rộng lớn nhưng cũng rất mong manh. Cấu trúc một ngôi làng Bắc bộ trước đây bao giờ cũng có cổng chính ra đường lớn và một cổng đi ra đồng, vào từng làng thì lại có cổng ngõ, xóm, cổng các ngôi nhà riêng biệt... nhưng bây giờ thì rất nhiều cổng không còn nữa” - họa sĩ ngậm ngùi.

* Khi anh chụp 700 cái cổng làng, cái văn hóa mong manh ấy tồn tại như thế nào nơi mỗi chiếc cổng vật chất cụ thể?

- Làng nào cũng có cổng và nhà nào cũng phải có cổng. Nhưng mỗi làng có cổng khác nhau, làng đi buôn thì cổng khác với làng khoa bảng. Ví như làng buôn bán ở Cự Đà chẳng hạn, khi xưa mỗi gia đình đi buôn bán về thường cung tiến cho làng để xây cổng và làm các công trình công cộng, thế nên cổng làng Cự Đà cao to và bề thế. Còn như cổng làng Chèm, Vẽ thì đó là đất học nên cổng làng có cây bút lông và các chữ viết trên cổng khác nhau.

Về kiến trúc mà nói, tôi thấy tổ tiên làm đều có mẫu số chung, không quá lớn, không bị kệch cỡm và rất hài hòa với cảnh quan xung quanh. Ví như khi vào những ngôi làng lớn như làng Cự Đà, hay những làng ven đô những nhà giàu có thì người ta chỉ xây nhà đến hai tầng là cùng, nhưng bây giờ thì vô lối kiến trúc, thậm chí có nhà bên này mái ngói, cạnh đó là biệt thự kiểu Tây, cạnh nữa lại có nhà hình củ hành củ tỏi theo lối kiến trúc Ấn Độ...

* Một cấu trúc làng ổn định xưa cũ như anh từng chứng kiến thì bao gồm những gì?

- Khi trước đi chụp ảnh tôi ít đi bằng đường cái quan, mà thường đi theo lối cánh đồng. Mỗi khi đứng giữa đồng nhìn vào một ngôi làng nào đó thì thường nhận ra một mái đình thật lớn hoặc chùa thì tôi vào. Ở những nơi ấy thường có cổng làng, giếng làng... Cấu trúc như thế, trong làng có ngõ, từng nhà có cổng nhà... đấy là những ngôi làng cổ có tuổi thọ hàng trăm năm và vòng ngoài cùng của làng thường là các lũy tre làm thành bức tường rào vững chắc.

Nhiều làng có những chiếc cổng rất lớn ví như cổng làng Ước Lễ hay Dương Xá (Hà Nội). Các cụ kể lại ở mỗi cổng làng ấy đều có một cái cửa lim rất to, nếu vào làng mà khuya chưa kịp ra thì người ta đóng cổng làng lại.

Thời chống Pháp, người lạ vào làng đêm hôm có thể quây lại bắt. Các cụ bên làng Dương Xá (Gia Lâm) kể là có năm vỡ đê bên Gia Lâm, dân đóng cổng làng lại và lấy bao cát chèn vào thì cả làng không bị ngập dù nước ở ngoài thì mênh mông vì quanh làng được bao bởi bờ đất và rặng tre để ngăn chia ranh giới giữa làng và đồng.

* Ngoài cổng làng, anh còn chụp những gì liên quan đến quá khứ nữa?

- Trong hơn 20 năm chụp ảnh, qua những chuyến đi tôi nhận thấy trang phục của người dân tộc cũng đã khác đi nhiều. Tôi đặc biệt thích người Mông, kiến trúc, trang phục, văn hóa... Sau Cổng xưa, tôi sẽ làm triển lãm 1.000 gương mặt của người Mông mà ở nơi họ ở, các nhà trình tường mái rạ đang được thay thế bằng mái tôn...

* Anh nói vậy có nghĩa là yếu tố văn minh đã làm hỏng đi những nét văn hóa và bản sắc dân tộc?

- Tôi ví dụ thế này, ở Đồng Văn chính quyền mới cho xây dựng một cái chợ mới, bắt tất cả mọi người phải xuống chợ mới để họp. Họp ở chợ mới thì phải mua vé chợ, mà người Mông quen họp chợ ở nơi cũ rồi, bắt họ về chỗ mới lại thu vé nữa thì họ bảo không đi chợ nữa. Người Mông đi chợ như một nhu cầu để gặp gỡ mọi người chứ không chỉ đơn giản là mua bán. Chợ là một nét văn hóa rất đặc biệt của người Mông.

* Có vẻ như câu chuyện về những gì anh đã chụp thì điều lắng lại không phải là câu chuyện vui?

- Có chứ, có nhiều người ở các địa phương biết tôi từng chụp những cái cổng làng (đã bị họ tự phá bỏ) đã tìm tôi xin ảnh về để xây lại. Với tôi đó là niềm vui. Có thể sau này tôi sẽ in những chiếc cổng này thành một bộ sách như một nguồn tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu về kiến trúc làng Việt cổ. Theo tôi, đó cũng là một cách giữ gìn di sản của cha ông trong giai đoạn kinh tế, xã hội và cả văn hóa đang chuyển mình.

Cùng với triển lãm Cổng xưa, tại nhiều địa điểm ở Hà Nội đều có những hoạt động chào mừng ngày di sản: đình Đồng Lạc triển lãm trang phục xưa, nhà 87 Mã Mây trình diễn phục chế đồ đồng Đông Sơn và đền Quan Đế (28 Hàng Buồm) giới thiệu văn hóa trà Việt.

Nguồn: Tuổi trẻ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất