(TCTG) - Ngày 11/11/2011, Nhà hát Lớn Hà Nội tròn 100 tuổi. Trải qua những thăng trầm lịch sử, công trình Nhà hát Lớn Hà Nội tồn tại giữa lòng Hà Nội như một biểu tượng về không gian kiến trúc, lịch sử, văn hoá. Điều quan trọng là chúng ta cùng chung tay phát huy hiệu quả của di sản lịch sử- văn hóa quí báu này.
Nhà hát Lớn Hà Nội- công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tiêu biểu
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình lớn mà chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Nhà hát được hoàn thành sau hơn 10 năm xây dựng công phu và tốn kém. Với kiến trúc kiểu Pháp, Nhà hát Lớn Hà Nội được ví như Nhà hát Opera de Paris (Pháp).
Tồn tại đến nay đã tròn một thế kỷ, Nhà hát Lớn Hà Nội hiển hiện như một trong những vẻ đẹp kiến trúc tiêu biểu nhất của một thời. Phân tích những giá trị bền vững của Nhà hát Lớn Hà Nội, GS-KTS Hoàng Đạo Kính, người đã từng đảm nhận nhiệm vụ do Chính phủ giao tham gia chỉ huy công việc tu bổ công trình Nhà hát Lớn trong các năm từ 1995 đến 1997 khẳng định: Nhà hát Lớn Hà Nội tuy có qui mô nhỏ, thiếu sự bề thế và sang trọng so với các nhà hát cùng dòng ở Châu Âu, song rõ ràng là có chất lượng và giá trị cao về sự tổ chức không gian sử dụng, mạch lạc và hợp lý, có kiến trúc tổng thể và chi tiết cùng trang trí tuy khiêm ngường song hoàn hảo, sang trong sự giản dị và thanh tao, một diện mạo kiến trúc kế thừa những phẩm chất gạn lọc của nền kiến trúc Pháp già dặn với những biểu hiện riêng biệt tạo nên vẻ mặt duy nhất, không thể lẫn lộn. Kiến trúc Nhà hát Lớn vừa tạo nên trọng lượng và đẳng cấp cho toàn bộ khu kiến trúc trung tâm của Thủ đô, lại bộc lộ rõ tính chất văn hóa của công trình làm cho Hà Nội tiếp cận gần hơn với diện mạo một chốn đô thành của thời kỳ hội nhập quốc tế.
Cũng theo KTS Hoàng Đạo Kính, mặc dầu khánh thành sau Nhà hát Lớn ở Sài Gòn và Nhà hát Lớn ở Hải Phòng, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất. Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một trong những hình ảnh quen thuộc nhất, đặc trưng nhất, "Hà Nội" nhất. Nhà hát Lớn Hà Nội đã được đứng trong danh sách 20 nhà hát đẹp nhất thế giới.
Nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN đặc biệt nhấn mạnh "không gian lịch sử đậm đặc" của Nhà hát Lớn Hà Nội. Thời điểm tháng 8/1945, Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Nhà hát Lớn là trung tâm sôi động nhất của không khí chính trị ngày đó như: mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh, mít tinh biểu dương lực lượng của hàng chục vạn quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội; Tuần lễ vàng; tổ chức ngày Nam Bộ kháng chiến.v.v... Trước khi có Hội trường Ba Đình, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến hành các kỳ họp quan trọng và là trụ sở của Quốc hội cho đến những năm 60 của thế kỷ trước. Ngày 5/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp khoá đầu tiên ở Nhà hát Lớn. Cũng trong năm 1946, ngày 28/10, Quốc hội khoá 2 họp thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại đây…
Nhà hát Lớn là nơi đã chứng kiến những giây phút hoà bình đầu tiên trên đất nước, là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi ghi dấu hoạt động của nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, là trung tâm của các cuộc hội nghị, mít tinh quan trọng. Cho nên Nhà hát Lớn xứng đáng là một di tích lịch sử bên cạnh giá trị là một công trình kiến trúc độc đáo.
Nhà thơ- Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, chủ biên cuốn sách "Nhà hát Lớn Hà Nội- vẻ đẹp tròn thế kỷ" (1911-2011) vừa ra mắt độc giả cuối tháng 10 vừa qua nhấn mạnh: Nhà hát Lớn Hà Nội là cái nôi cho sự phát triển văn hóa của Việt Nam. Đầu tiên, nơi đây phục vụ cộng đồng người Châu Âu, sau đó nó là nơi xuất hiện nhiều bộ môn nghệ thuật mới mà người VN tiếp nhận. Nhà hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu VN; khai sinh và tôn vinh Giao hưởng- Hợp xướng- Nhạc kịch- Vũ kịch VN; tôn vinh các ca khúc và ca sĩ Việt Nam và là một địa chỉ không thể thiếu trong giao lưu văn hóa của Việt Nam và thế giới.
Giữ vẻ đẹp sang trọng của "Ngôi đền nghệ thuật"
Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của Thủ đô, chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 1998, từ giữa năm 1955 đến năm 1997, Nhà hát Lớn Hà Nội bước vào đợt trùng tu lớn nhất với ngân sách cho phép là 156 tỷ đồng. Kể từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.
Ông Hoàng Xuân Nam - Giám đốc Nhà hát Lớn cho biết, kể từ khi được Bộ Văn hoá- Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) giao trách nhiệm tổ chức các đoàn nghệ thuật chất lượng cao, từ việc tổ chức chỉ 17 buổi vào năm 2000, đến nay Nhà hát thực hiện trung bình 400 buổi/năm, đón trên 140 đoàn nghệ thuật quốc tế.
Theo nhận định của Nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhà hát Lớn Hà Nội sáng đèn thường xuyên điều này thể hiện nó đã phát huy tốt công năng của mình. Điều đáng mừng là rất nhiều đoàn, hoặc các nghệ sĩ đã nhận thức được rằng việc biểu diễn ở Nhà hát Lớn là sang trọng, đẳng cấp cao. Không ít nhà đầu tư vào các sự kiện sẵn sàng chấp nhận giá trị phi vật thể của Nhà hát Lớn. Nhiều đơn vị chọn Nhà hát Lớn làm nơi tôn vinh những sự kiện lớn, những nhân tài. Nhưng theo ông Dương Trung Quốc, cần có những phương thức để tạo nhiều hơn về giá trị lịch sử của công trình này, như cần có một phòng lưu niệm nhỏ để công chúng, nhất là công chúng trẻ hiểu về những sự kiện đã từng diễn ra ở đây. Nhà hát Lớn Hà Nội phải được quản lý tốt để thực sự là ngôi đền của nghệ thuật với không gian nghiêm túc và sang trọng, ghi nhận những sự kiện quan trọng như nó đã từng có. Hình ảnh những cô dâu chú rể đến chụp ảnh là rất đáng quí, nhưng nếu ở đây lại phải tổ chức các dịch vụ tổ chức đám cưới thì là điều đáng buồn- Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, họa sĩ Thành Chương cho rằng: trong tâm tư suy nghĩ của mọi người, Nhà hát Lớn Hà Nội là biểu tượng của sự sang trọng, lịch lãm, văn hóa, văn minh của người Hà Nội. Chúng ta phải chăm chút, giữ gìn hình ảnh tuyệt đẹp của Nhà hát Lớn và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám- Di sản kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.
Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: Nhà hát Lớn Hà Nội là một điểm không thể thiếu trong các tour tham quan, du lịch Hà Nội. Nhưng dường như cách làm của các công ty du lịch vẫn ít nhiều có yếu tố "chụp giựt". Cần tạo ra một tour du lịch đặc biệt, với những hình thức độc đáo dành cho một số công trình tiêu biểu của Thủ đô như: Cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội, gắn kết với khu phố cổ.
Theo ông Chu Chí Thành- nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN, giá trị của công trình Nhà hát Lớn nhắc nhở những người hôm nay nỗ lực sáng tạo nhiều công trình nhà hát có giá trị tiêu biểu, làm đẹp cho Thủ đô và trở thành di sản quí giá cho con cháu mai sau: Từ công trình này thì chúng ta mới thấy rằng là cần phải có những công trình nhà hát, cơ sở văn hóa do chúng ta xây dựng tốt hơn và đẹp hơn, để 100 năm sau hoặc vài trăm năm sau con cháu vẫn quí nể, vẫn có tác dụng trong đời sống văn học- nghệ thuật của Thủ đô và toàn quốc.
Trước thềm lễ kỷ niệm Nhà hát Lớn Hà Nội tròn 100 tuổi, các cơ quan có trách nhiệm đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ để Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám được công nhận là Di sản kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp quốc gia./.
Vị trí của Nhà hát Lớn Hà Nội xưa kia là một vùng đầm lầy thuộc đất của 2 làng Thạch Tần và Tây Luông thuộc Tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương. Năm 1899, Hội đồng thành phố nhóm họp dưới quyền chủ tọa của Richard – là Công sứ Hà Nội đề nghị lên toàn quyền Fourer cho xây Nhà hát tại Hà Nội.
Tác giả đồ án thiết kế là hai kiến trúc sư Harlay và Broyer. Bản thiết kế này phải sửa đổi nhiều bởi sự góp ý của nhiều kiến trúc sư. Công trình được khởi công vào ngày 7 tháng 6 năm 1901, dưới sự giám sát kỹ thuật của thanh tra đô thị - kiến trúc sư Harlay – một trong hai tác giả thiết kế. Người phụ trách thi công là hai ông Travary và Savelon. Kinh phí xây dựng Nhà hát được duyệt vào lúc đó là 2 triệu Franc Pháp.
Theo thiết kế, công trình có diện tích 2.600m2, chiều dài công trình là 87m, chiều rộng là 30m, điểm cao nhất của công trình so với mặt đường là 34m. Mặt trước của công trình rất bề thế, có nhiều bậc trông ra quảng trường rộng (nay gọi là quảng trường Cách mạng tháng 8).
Kiến trúc Nhà hát lớn Hà Nội được những người thiết kế tìm tòi tham khảo kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhtơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuylory và nhà hát Opera Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt./. |
- Thành Nam-