Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Năm, 31/5/2018 7:30'(GMT+7)

Sẵn sàng các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Từ ngày 3-5/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”. Đây là hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Tại Lễ phát động tối 4/6, Bộ TN&MT sẽ kết hợp trao “Giải thưởng Báo chí tài nguyên và Môi trường lần thứ IV” để công bố và tôn vinh các nhà báo, phóng viên có những đóng góp tích cực cho ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2018.
 

 

Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon là thách thức của nhiều quốc gia. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Hội nghị triển khai Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Hội thảo khoa học về “Cơ chế chính sách nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy”; Tổ chức lớp học môi trường cho học sinh Trung học cơ sở và hoạt động đổi pin sinh thái; Tuyên truyền vận động người dân và các hộ kinh doanh xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon là một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Vì vậy, Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 phải tập trung vào tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Thứ trưởng đề nghị các cơ quan quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ tổ chức Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức. Các hoạt động phải thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng để tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Theo đó, các địa phương cần tự kiểm tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường: việc lập và thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường; lắp đặt, vận hành trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động…

Bố trí cán bộ phụ trách về môi trường; rà soát, đánh giá các rủi ro, sự cố về môi trường, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt việc phân loại chất thải, lưu giữ chất thải theo quy định; thường xuyên kiểm tra hiệu quả hoạt động của hệ thống xử lý nước thải, khí thải và bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị xử lý môi trường…

Đối với các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải: tăng tần suất vận chuyển, xử lý chất thải; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới thân thiện với môi trường trong thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, thu năng lượng, đảm bảo xử lý chất thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Ngày 5/6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2018 là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất