Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 1/9/2012 17:16'(GMT+7)

Sẵn sàng vào năm học 2012-2013: Điển hình trong vận động học sinh bản vùng cao trở lại trường

Cán bộ, giáo viên phòng GD - ĐT huyện Anh Sơn giúp lớp mầm non chuyển đồ đến nơi học mới

Cán bộ, giáo viên phòng GD - ĐT huyện Anh Sơn giúp lớp mầm non chuyển đồ đến nơi học mới

 
Trước đây, hai bản Ồ Ồ và Già Hóp không có điểm trường mầm non, các em phải học nhờ trong nhà văn hóa bản chật chội, ẩm thấp, khi bản tổ chức sinh hoạt, hội họp cũng đồng nghĩa với việc các em phải nghỉ học. Còn với bậc trung học cơ sở (THCS), vì ở đây chưa có phân hiệu, con em hai bản Ồ Ồ và Già Hóp muốn học tiếp lên THCS phải ra trung tâm xã, cách bản 14 km, trong khi đó trường THCS xã lại chưa có khu nội trú nên việc đến trường của các em gặp nhiều khó khăn. Nhiều con em đồng bào nơi đây sau một thời gian theo học phải bỏ học giữa chừng.

Trước thực tế đó, cuối năm học vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn đã phối hợp với Trường Mầm non xã Tường Sơn, UBND xã Tường Sơn chuyển lớp mẫu giáo gồm 30 cháu từ 3 đến 5 tuổi từ nơi học cũ ở bản Ồ Ồ về học tại nhà công vụ Trường Tiểu học Tường Sơn. Đồng thời, cũng trong năm học mới này ngành Giáo dục huyện Anh Sơn cũng mở 2 lớp bán trú tại điểm Trường Tiểu học Tường Sơn với tổng số 20 em bậc THCS và tại Trường THCS Hội Sơn xã Hội Sơn với 16 em học sinh lớp 6.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn cho biết: “Với quyết tâm không để học sinh bỏ học do khó khăn, bước vào năm học mới 2012 -2013 này, ngành Giáo dục Anh Sơn tiếp tục phát động phong trào “Ngày hành động vì xã hội hóa giáo dục” (trung bình mỗi năm huy động được trên 4 tỷ đồng) để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học. Các trường ở địa bàn vùng khó như Thọ Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn (nơi các em thường bỏ học) đã thiết lập không gian cho học sinh ăn trưa ngay tại trường. Học trò có thể đưa cơm tới trường để ăn hoặc số khác thì phụ huynh gửi gạo, thực phẩm nhờ nhà trường nấu ăn trưa cho các cháu. Với cách này nhà trường đã thu hút được học sinh ở lại trường, chuyên tâm cho việc học tập. Hội cựu giáo chức huyện vận động những học sinh thành đạt ủng hộ, giúp đỡ học sinh nghèo; bản thân các thầy cô giáo ở trường cũng quyên góp tiền để mua sách, vở, bút hỗ trợ, động viên, khuyến khích các em đến trường học tập”.

Cách làm trên của huyện Anh Sơn là điển hình trong việc vận động học sinh bỏ học trở lại trường ở Nghệ An. Để khắc phục tình trạng học sinh không đến lớp, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp như phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, hội cha mẹ học sinh vận động học sinh trở lại trường. Các trường tập trung rà soát các đối tượng bỏ học, phân tích nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ; phân công cán bộ quản lý, giáo viên để vận động, kèm cặp học sinh trở lại trường, lớp. Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục của nhà trường nhằm động viên, thu hút học sinh trong giờ học, gắn bó với trường, lớp. Phối hợp với các đoàn thể, hội Khuyến học, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan thông tấn báo chí động viên nguồn quỹ học bổng, tổ chức vận động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cấp học bổng hỗ trợ học sinh nghèo, thực hiện yêu cầu “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở tới trường) đối với học sinh. Vào đầu năm học mới, nơi có học sinh bỏ học sẽ mở các lớp bổ túc văn hoá cho học sinh không đủ điều kiện theo học chương trình phổ thông.

Về lâu dài, giải pháp để khắc phục căn bản tình trạng khó khăn của giáo dục vùng cao là triển khai kế hoạch xây dựng nhà ở, bếp ăn cho học sinh bán trú, nội trú cần được Chính phủ, UBND tỉnh và ngành, các huyện tập trung giải quyết.

Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, sau kỳ nghỉ hè đã có 742/520.944 học sinh không trở lại lớp, chiếm tỷ lệ 0,14%. Trong đó, tiểu học có 6 em, trung học cơ sở có 450 em, trung học phổ thông 286 em. Nguyên nhân bỏ học do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ thiếu quan tâm nên các em phải nghỉ học làm việc nhà hoặc đi tìm việc ở trong Nam , ngoài Bắc để phụ giúp cha mẹ. Cũng không ít em có học lực yếu, không tiếp thu được bài, dẫn đến chán nản và bỏ học. Ở các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông… nhiều em ham học và học hiểu bài song đường sá xa xôi, trường lại không có nhà nội trú nên đi lại rất vất vả, nhiều hôm trời mưa rét hoặc nắng nóng là các em bỏ học./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất