(TG) - "Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" là chủ đề hội thảo diễn ra sáng nay (15/8) tại thành phố Vũng Tàu do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các đại biểu Trung ương, địa phương và hơn 300 nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) nêu rõ: Hội thảo nhằm mục đích đánh giá kết quả của công tác tổ chức Giải thưởng sáng tạo Khoa học - công nghệ (Giải thưởng) và Hội thi sáng tạo kỹ thuật (Hội thi), trao đổi kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng các công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các biện pháp công tác tổ chức Giải thưởng và Hội thi có hiệu quả cao hơn.
Hội thảo được nghe bài phát biểu quan trọng của đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đánh giá cao Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong sản xuất, sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên và thể chế hỗ trợ đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, trước sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tiếp tục phát triển các ngành khoa học cơ bản, khoa học nền tảng, khoa học mang tính sáng tạo cao. Tiếp tục đẩy mạnh các ngành khoa học ứng dụng, tận dụng những ưu thế của KHCN thế giới để có những bước đi hợp lý.
|
Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. |
Đồng chí cũng chỉ ra môt số hạn chế hiện nay, nhất là trong khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, chưa thực sự khuyến khích tổ chức và cá nhân sáng tạo khởi nghiệp, khó tiếp cận vốn; hệ thống giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực; năng lực nghiên cứu và hạ tầng KHCN cũng như quản lý nhà nước, thực hiện chính sách KHCN và đổi mới sáng tạo có mặt còn yếu kém, tạo nên thách thức lớn, làm hạn chế quá trình vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tạo sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Muốn vượt qua khó khăn đó, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phải tiên phong trong KHCN.
Bên cạnh việc mong muốn phải sớm có một hệ thống pháp luật về nghiên cứu, sáng tạo, phát triển, ứng dụng KHCN, tạo điểm tì pháp lý quan trong cho hoạt động KHCN trên mọi lĩnh vực, đồng chí Phùng Quốc Hiển mong muốn các hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tăng cường các loại hình hoạt động và đổi mới phương thức họat động, để các tổ chức hội thật sự là ngôi nhà chung cho các nhà khoa học, là diễn đàn chung để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, tham vấn, thực hiện phản biện xã hội, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Qua đó, huy động mọi cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động KHCN, coi đó là nguồn lực, nguồn tài nguyên vô giá không bao giờ cạn cần được khai thác, phát huy.
Đồng chí cho rằng, với lợi thế của "người đi sau", chúng ta phải biết "đứng trên vai" những người khổng lồ để rút ngắn thời gian quãng đường, để có thể "đi tắt, đón đầu" về KHCN. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược dài hạn, sách lược trong ngắn hạn, kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, có hoài bão, có ước mơ để không ngừng tăng cường năng lực KHCN quốc gia và để không lãng phí thời gian, trí tuệ, của cải vật chất của cá nhân, xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tóm tắt tổng kết Giải thưởng và Hội thi của Thường trực Liên hiệp hội Việt Nam; nghe tham luận của các tác giả đoạt giải và các đại biểu tham dự. Báo cáo tổng kết cho biết: Giải thưởng sáng tạo KH-CN Việt Nam tổ chức hàng năm, trong 24 năm qua, cả nước có 2.460 công trình tham gia và có 812 công trình đoạt giải. Các công trình đoạt giải đã và đang ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Hội thi STKT tổ chức hai năm một lần. Qua 14 lần tổ chức(1989-2017) đã có 5.705 giải pháp dự thi và 814 giải pháp đoạt giải. Hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn. Các giải pháp sau khi đoạt giải tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết những yêu cầu thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Giải thưởng và Hội thi thật sự là "sân chơi" bổ ích của các nhà khoa học. Qua đó, động viên, khuyến khích và tôn vinh các tập thể và cá nhân luôn cố gắng trong nghiên cứu, sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển của KHCN nước nhà. Hàng nghìn nhà khoa học, được tôn vinh, nhiều công trình xuất sắc được tham dự triển lãm sáng tạo KHCN ở nước ngoài đoạt huy chương vàng, bạc, đồng. Có 25 công trình được tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới cấp giấy chứng nhận và huy hiệu WIPO.
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân là Chủ nhiệm, đồng Chủ nhiệm công trình khoa học đoạt giải Nhất - Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam; các đơn vị ứng dụng thành công công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; trao Cờ thi đua của Ban Tổ chức Giải thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức Giải thưởng và Hội thi; trao cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng công trình đoạt Giải thưởng và Hội thi vào sản xuất và đời sống.
Cũng nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tuyên giáo" cho 4 đồng chí có thành tích trong các hoạt động Tuyên giáo của Đảng; Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam” cho 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ các tài năng sáng tạo KHCN Việt Nam giai đoạn 2018-2019.
PV