Thứ Tư, 30/10/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 19/10/2021 9:31'(GMT+7)

Sao cho trong ấm thì ngoài sẽ êm

Trên internet xuất hiện những đợt tấn công dồn dập của các thế lực thù địch.

Trên internet xuất hiện những đợt tấn công dồn dập của các thế lực thù địch.

Ăn cơm ai, mặc áo ai. Báo chí là một mặt trận. Người làm báo là chiến sỹ trên mặt trận ấy.

Về nguyên tắc, phải tuân thủ, chấp hành.

Nhưng thực tiễn cuộc sống, chủ trương, đường lối của Đảng, lợi ích của đất nước, ý nguyện của nhân dân và bạn đọc, đặt lên vai những người làm báo trọng trách dấn thân phục sự.

CÓ NHIỀU GÓC NHÌN ĐỂ PHÂN TÍCH, MỔ XẺ SỰ KIỆN

Mỗi sự vật, hiện tượng, ở góc nhìn khác nhau sẽ cho hình ảnh, ấn tượng khác nhau. Chọn góc nhìn sáng sẽ cho hình ảnh tích cực; ngược lại, góc nhìn tối, sẽ cho hình ảnh mờ nhạt, thậm chí u ám, méo mó.

Sự kiện cũng thế. Nếu chọn góc tiếp cận tốt, sự kiện ban đầu có thể e ngại là nhạy cảm, phức tạp, sẽ trở về là sự kiện như bao sự kiện báo chí khác, với nhiều giá trị thông tin. 

Xin nêu ví dụ.

Vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, xảy ra tháng 1 năm 2012, gây xôn xao dư luận. Đây là vụ chính quyền cưỡng chế đất của người dân, liên quan đến vấn đề đất đai, quan hệ giữa người dân và chính quyền. Các cơ quan báo chí được lưu ý không khai thác sâu, không mở rộng thông tin liên quan đến sự kiện này.

Tôi nhìn nhận khác.

Nếu mình không đưa hoặc đưa cái tin chung chung thì cũng như xáp trận, bắn phát vu vơ rồi bấm chốt hãm cò súng, rời trận địa. Ai sẽ chiếm lĩnh trận địa bỏ trống? Đương nhiên là báo chí nước ngoài, mạng xã hội, vốn “đông như quân Nguyên”. Làm sao cấm được họ xào xáo thông tin, đúng sai, thật giả, thêm thắt, suy diễn, châm chọc, bới móc. Và như thế, đó là cái cớ để thế lực thù địch, kẻ xấu, bọn phản động, nếu có, mặc sức bôi xấu, kích động, chĩa mũi dùi vào chính quyền, vào đảng, chế độ. Một khi báo chí chính thống bỏ trống trận địa, thì công chúng lấy đâu nguồn tin tin cậy để tiếp nhận, để kiểm chứng, để tin theo?

Thực tế khi ấy, dù nhiều cơ quan báo chí còn tỏ ra thận trọng, im ắng, thì cái tên Đoàn Văn Vươn và địa danh Cống Rộc, Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng đã lan truyền, thành sự kiện nóng, rất nóng, không chỉ trong nước. Đa phần có cái nhìn thiếu toàn diện, tích cực.

Suy nghĩ thế nên ngay những ngày đầu sau tết nguyên đán năm ấy, nhóm phóng viên VOV1, Vov.vn về Cống Rộc. Gặp nhân chứng, người trong cuộc, chính quyền, cơ quan chức năng. Quan sát, hỏi han, phỏng vấn… Khi có thông tin từ nhiều phía, nắm bản chất vụ việc, chúng tôi chọn góc tiếp cận: Đó là vấn đề luật đất đai và thực tiễn đời sống sản xuất; câu chuyện pháp lý trong việc cưỡng chế thu hồi đất; biện pháp hóa giải mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền khi có xung đột, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ… Ngay đó, một loạt chương trình phát thanh trực tiếp, mở, trong khung giờ vàng được thực hiện, có sự tham gia của các chuyên gia về chính sách, pháp luật, có đại diện chính quyền, có phóng viên đang có mặt tại địa phương xảy ra sự kiện. Đặc biệt, bạn nghe đài đang theo dõi chương trình trực tiếp tham gia, cung cấp thông tin, đặt câu hỏi, bày tỏ thái độ…

Một sự kiện được cho là nhạy cảm, phức tạp đã được đưa lên sóng Đài phát thanh quốc gia và tờ báo điện tử Vov.vn, trung thực, khách quan, mở rộng theo từng cấp độ, góc tiếp cận khác nhau. Thông tin, phân tích sâu, bình luận đa chiều. Điều e ngại đã được hóa giải. Dư luận phản hồi tích cực. Không thấy có sự lợi dụng thông tin để nói xấu chế độ, công kích chính quyền. Có chăng là những ý kiến phản biện, băn khoăn, thắc mắc, nhưng hoàn toàn không phải là phản động, thù địch. Rõ ràng sự thật đem lại sự tự tin, là thứ lý lẽ sắc bén, có sức thuyết phục, góp phần thổi bạt thứ thông tin “đen”, những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc. Một khi lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân được đặt lên trên hết, thì những lo ngại chệch hướng hay những suy diễn, quy chụp từ phía “quân ta”, kiểu như “lửa cháy đổ thêm dầu”, “nối giáo cho giặc”, sẽ không còn.

Một ví dụ khác.

Vụ biểu tình, bạo loạn lần thứ 2 ở các tỉnh Tây Nguyên xảy ra vào giữa tháng 4 năm 2004. Trước đó, cũng đã xảy ra một vụ, vào đầu tháng 2 năm 2001. Lần bạo loạn đầu tiên, do nhận thức đây là vụ bạo loạn chính trị, có yếu tố nước ngoài, có đông đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, nhạy cảm và phức tạp nên phía chính quyền chủ trương “đóng kín”, hạn chế báo chí đưa tin, không tiếp nhà báo quốc tế và tổ chức nước ngoài. Cách làm này khiến những ai vốn định kiến thêm nghi ngờ, từ đó công kích, lên án, gây bất lợi cho Việt Nam. Rút kinh nghiệm, lần này, ngay sau khi vụ việc vừa xảy ra, lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên chủ động mời phóng viên báo chí trong nước, nước ngoài, lãnh sự quán một số quốc gia, cung cấp thông tin, bằng chứng; tạo điều kiện để họ đến các buôn làng, tiếp xúc, phỏng vấn đồng bào, các đối tượng cầm đầu vụ bạo loạn, những người vượt biên trái phép. Kết quả là, mọi vấn đề hầu như được công khai, minh bạch; báo chí trong nước và ngoài nước cùng đưa tin; nguyên nhân, bản chất vụ bạo loạn được sáng rõ; tính chất phản động của tổ chức chính trị Đề-ga do K’sor Kơk chủ mưu cầm đầu được chỉ ra… Ngay cả những ai còn định kiến, thiếu thiện chí cũng không còn cớ để phê phán Việt Nam là bưng bít, che dấu thông tin, ngăn cản tự do báo chí. Những luận điệu cho rằng chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, đàn áp người dân tộc thiểu số dần trở nên lạc lõng. Cũng từ đây, Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương có cơ hội nhìn nhận sai sót, khuyết điểm và cả những sai lầm; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực Tây Nguyên.

Trở lại vấn đề của các thế lực phản động, thù địch.

Chắc hẳn không có nhà nước nào trên thế giới tuyệt đối triệt tiêu hay vô hiệu hóa lực lượng chống đối. Nhà nước nào cũng vậy, luôn luôn gặp phải sự bất đồng, phá quấy từ bên trong, sự kích động, đối nghịch từ bên ngoài. Trong, ngoài thường có sự câu kết, nội công, ngoại kích, nó làm phân tâm, ngăn cản sự phát triển, tạo nguy cơ chia rẽ, xung đột. Vì thế, đấu tranh chống lại các thế lực thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt.

Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh này cũng có một số việc đáng suy ngẫm.

Một là, một số nơi chưa chủ động gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với những người có ý kiến góp ý, đề xuất thẳng thắn, công khai, có thể ít nhiều gay gắt nên đã vô tình đẩy họ thành người mang tâm trạng mặc cảm, bất đắc chí. Tác hại là nội bộ phân tâm, chia rẽ, mà “lực lượng thù địch chế độ” lại thêm đông.

Hai là, có hiện tượng suy diễn, quy kết, nâng quan điểm, biến việc đơn giản thành phức tạp, biến việc bình thường thành nghiêm trọng, nhạy cảm, rồi từ đó quy về “có bàn tay lợi dụng, lôi kéo của thế lực thù địch”, “có yếu tố từ bên ngoài”. Có hành vi, vụ việc tiêu cực, phản cảm do cá nhân, tổ chức  gây nên, khi bị phát giác, truyền thông đưa tin, liền trốn tránh, che dấu bằng việc cho là “kẻ xấu tung tin, bịa đặt, xuyên tạc”, là “động cơ không trong sáng”; nghiêm trọng hơn, là “ý đồ xấu xa”, “chia rẽ đoàn kết nội bộ”. Từ nóng vội, thiếu bình tĩnh, vô tình làm cho tình hình thành căng thẳng, phức tạp.                                     

Ba là, một số người nhìn nhận, đánh giá truyền thông xã hội tiêu cực nhiều hơn tích cực. Đến thời điểm này vẫn còn không ít người có cái nhìn định kiến về truyền thông xã hội, xem đây chủ yếu như là công cụ, phương tiện của kẻ xấu, thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cách thức quản lý truyền thông có nơi, có lúc còn máy móc. Những biểu hiện này đều không có lợi cho việc tập hợp, đoàn kết, thêm bạn, bớt thù. Nó cũng làm hạn chế tính chủ động, sáng tạo trong tuyên truyền phản bác thông tin xấu độc; đấu tranh dư luận, đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ, bao gồm chống biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tham ô, tham nhũng, lãng phí.

TRÊN LĨNH VỰC TRUYỀN THÔNG CẦN LÀM GÌ ĐỂ THÊM BẠN BỚT THÙ?

Về nhận thức, đã qua rồi giai đoạn đất nước khói lửa chiến tranh, xã hội vận hành chủ yếu bằng mệnh lệnh, chỉ thị. Giờ là rộng mở thời kỳ đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, hội nhập, phát triển. Thế giới đổi thay từng ngày. Trên nền tảng internet, công nghệ thông tin phát triển, tác động, thay đổi mọi lĩnh vực. Những khái niệm thế giới phẳng, công dân toàn cầu…trở nên quen thuộc. Truyền thông xã hội nở rộ. Mỗi cá nhân, với chiếc điện thoại thông minh, có thể thành người đưa tin, người dẫn chương trình, nhà bình luận…

Bối cảnh này, thật khó để ai đó, dù muốn, quay trở về cái thời súng đạn.

Thực tế thời cuộc dạy chúng ta biết tự tin và khôn ngoan.

Chủ động thông tin và cung cấp thông tin, kể cả những sự kiện phức tạp, nhạy cảm, là một cách như thế. Khi đó, thế lực thù địch, phản động hay những ai còn định kiến, mặc cảm, dù muốn, cũng không còn cớ để cố cùng, ăn thua.

Nhưng cách khôn ngoan nhất, là chủ động xử lý vấn đề nội bộ. Ông bà ta đã dạy: “Bên trong có ấm thì ngoài mới êm”, “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”, “Giặc từ ta, loạn từ ta”. Hầu hết những vụ việc bên ngoài nhòm ngó, bới móc, vạch lá tìm sâu đều từ bên trong, phía ta mà ra. Một phát ngôn hớ hênh. Một bài báo, một dòng tin không kín kẽ. Một hành vi phản cảm. Một vụ việc xử lý nửa vời. Thói quen nói không đi đôi với làm. Lối hành xử tiền hậu bất nhất. Đội ngũ công bộc, rường cột nước nhà còn “một bộ phận không nhỏ” chưa thực sự vừa hồng vừa chuyên, tha hóa, biến chất. Những vụ việc tiêu cực âm ỉ, kéo dài. Những tiếng kêu oan của người dân chưa được giải quyết rốt ráo… Đấy, là mầm họa gây bất ổn, cũng là mồi ngon để thế lực bên ngoài khai thác, đơm đặt, từ đó công kích, chia rẽ.

ỨNG XỬ VỚI KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG

Ngày trước, đất nước chiến tranh, bị bao vây, cấm vận, thế giới chìm trong chiến tranh lạnh, thế mà ta vẫn tự tin: “Mở đài địch như mở toang cánh cửa/Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai”(Cửa mở - thơ Việt Phương).

Ngày nay, “thế ta đã mạnh, người ta đã đông”, vị thế nước nhà hơn bao giờ hết, thì ngại gì ba thứ thông tin đơm đặt, móc máy. Người yếu thường sợ gió, bất kể gió lành hay độc. Người khỏe, ngại gì. Đảng trí tuệ, trong sáng; nước độc lập, hùng cường; dân tự do, ấm no, hạnh phúc; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh… Như thế, mặc ai nói ngả nói nghiêng!

Có câu chuyện về đứa cháu, thuở nhỏ, làm tôi nhớ mãi.

Lúc lên ba tuổi tự nhiên có cái thói hay khóc hay dỗi. Cứ có gì không ưng ý là ngã lăn ra đất, giãy đành đạch, khóc ré lên như bị ai đánh đòn. Dỗ, càng khóc. Dùng roi dọa, khóc ghê hơn. Thấy người lớn đứng quanh, tỏ ra quan tâm, cu cậu càng khóc tợn. Rồi một lần, mọi người ra hiệu cho nhau, ai việc nấy, giả vờ quên, như không có chuyện gì xảy ra. Quả nhiên, khóc một hồi, bèn mở mắt ra, không thấy ai, cu cậu lồm cồm ngồi dậy, rồi hét lên: “Mẹ ác vậyyyyyyy…”. Xong, len lén vào nhà.

Xử lý khủng hoảng truyền thông, trong nhiều trường hợp, cũng nên “như không có chuyện gì xảy ra”.

UÔNG NGỌC DẬU

Nguyên Giám đốc Hệ Thời sự chính trị tổng hợp, Đài Tiếng nói Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất