Câu chuyện nóng hổi, cũng là thực trạng nhức nhối trong những ngày gần đây khiến dư luận dậy sóng, đó là hàng loạt cán bộ “đầu tàu” các cấp bị kỷ luật vì lơ là, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định trong phòng, chống dịch COVID-19.
Không còn nghi hoặc về niềm tin, sự đồng tình của người dân vào việc
xử lý vi phạm một cách quyết liệt, công khai và nghiêm minh đó. Thế
nhưng, bài học rút ra sẽ được các cấp, các ngành, địa phương, nhất là
những người đứng đầu vận dụng ra sao trong cuộc chiến chống đại dịch còn
nhiều cam go phía trước; cũng là vấn đề mà đông đảo người dân chờ đợi
sự chuyển dịch từ thực tiễn.
Chắc hẳn, những thiếu sót trong công tác phòng chống dịch của lãnh đạo phường
Thanh Xuân Trung, lãnh đạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) được Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong chuyến kiểm tra
đột xuất mới đây, vẫn là lời cảnh tỉnh nóng hổi với người đứng đầu các
địa phương. Thế nhưng, chỉ ít ngày sau, dư luận lại xôn xao về những câu
trả lời như thể của người “ngoài cuộc” của một số cán bộ lãnh đạo từ
cấp tỉnh đến cơ sở, tại buổi làm việc trực tuyến giữa Thủ tướng Chính
phủ với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang - nơi tình hình dịch bệnh diễn
biến đáng lo ngại. Sau những câu “chất vấn”, Thủ tướng bày tỏ chưa hài
lòng vì trong quá trình thực hiện, một số lãnh đạo địa phương, nhất là ở
cơ sở vẫn chưa nắm chắc tình hình dịch bệnh, không đưa ra được các giải
pháp cụ thể... khiến giãn cách kéo dài mà không đạt được mục tiêu kiểm
soát dịch.
Không ít người dân ở nơi có cán bộ tắc trách, hoang mang đặt câu hỏi: Người đứng đầu đang ở đâu trong công tác phòng chống dịch?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của người đứng
đầu, bởi họ là những "đầu tàu" của chuỗi hành động, từ chủ trương đến
thực tế. “Đầu xuôi đuôi lọt”, nếu ở đâu, lúc nào xuất hiện một "đầu tàu"
tắc trách thì ở đó, lúc ấy, cả đoàn tàu sẽ tắc nghẽn. Do vậy, Người
luôn nêu gương về phong cách lãnh đạo sâu sát. Chỉ tính trong 10 năm xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), mặc dù tuổi cao, công
việc bộn bề, nhưng Bác đã tới hơn 700 địa điểm ở các địa phương, nông
trường, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp... từ miền núi
đến hải đảo để thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra
công việc. Bài học mà Người trao truyền về trách nhiệm người đứng đầu,
không chỉ có giá trị trong công tác phòng chống dịch, mà còn có ý nghĩa trong suốt
quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức trách, nhiệm vụ của những cán
bộ “đầu tàu”.
Thực tiễn không thể phủ nhận, đa phần người đứng đầu các cấp thực
hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, đóng góp vào kết quả tích cực trong công
tác phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh việc động viên, khen thưởng
những “đầu tàu” gương mẫu, việc xử lý nghiêm khắc những sai phạm cho
thấy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm rất lớn của Trung ương và các cấp
trong khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế và thực hiện chủ trương
đề cao vai trò người đứng đầu trong phòng chống dịch. Cán bộ, đảng viên, nhân dân tin
tưởng và kỳ vọng, tinh thần, cách làm ấy sẽ tiếp tục được vận hành hiệu
quả trong suốt cuộc chiến chống đại dịch, để những sai phạm, bản án kỷ
luật người đứng đầu như thời gian vừa qua, chỉ còn là bài học của quá
khứ.
Lẽ đương nhiên, người đứng đầu thì phải gương mẫu đi đầu trong thực
thi nhiệm vụ. Đây không chỉ là nguyên tắc “cứng” cần thấu triệt, mà còn
phải trở thành triết lý thẩm thấu vào trái tim, khối óc để mỗi cán bộ
đứng đầu lấy trách nhiệm làm đầu, lấy nêu gương làm trọng, lấy cống hiến
làm phương châm hành động, lấy nhân dân làm mục tiêu phụng sự!./.
Đào Hồng (qdnd.vn)