Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 4/9/2013 11:17'(GMT+7)

Sao không lật ngược cách nhìn…đào tạo?

Từ cái gọi là cần và đủ cho bậc học… lớp Một!

Sự bâng khuâng đến nao lòng của nhiều người làm cha mẹ, khi con em mình chưa được vào lớp Một bậc tiểu học, đang rộn lên như gió thổi khắp phường!

Sự thất thần đến tội nghiệp của không ít bậc phụ huynh, thậm chí đâm ra hoang mang, chẳng biết xoay xở ra sao, lúc làm thủ tục để dắt trẻ lần đầu tiên tới trường, đang lan rộng như dầu loang mặt bể cuối xã đầu thôn!

Trong khi đó, năm học mới đang từng ngày tiến vào cửa trường lớp, cứ hiển hiện trước mắt các mẹ, các chị, các em…

Thì ra, vì những yêu cầu quá sức, ngoài sự cố gắng, thậm chí có việc bất khả kháng đối với các gia đình. Nên, bởi thế, không ít em vẫn chập chờn, thậm chí bấp bênh đứng trước thềm lớp Một. Nhiều bậc cha mẹ phải dẫn con về vì thiếu “Giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp mẫu giáo”. Không ít địa bàn, cơ sở chật hẹp, điều kiện mở lớp rất khó khăn, nhiều cháu không được tới lớp, dù các cháu học mẫu giáo đúng tuyến. Trong khi, không ít cháu lại được học dù trái tuyến, với điều kiện chấp nhận phải đóng góp về vật chất rất cao, vì thuộc diện “ngoài luồng”. Thế là những sự “cập kênh” nảy nở, càng làm cho không ít các cháu, dù đúng tuyến, lại càng khó khăn được tới lớp. Con trẻ có quyền được học hành, dù đúng hay trái tuyến đều có quyền như nhau, ai mà dám cả gan ngăn cấm?! Theo đó, số cháu, không có “Giấy chứng nhận tốt nghiệp mẫu giáo” tăng lên. Muốn vào học lớp Một, nhất nhất phải đòi cho kỳ được có giấy này. Nhiều em thật càng lại khó có cơ hội vào… lớp.

Lại không ít bậc phụ huynh bâng khuâng, mất ăn mất ngủ vì con, cháu mình không được nhận vào lớp Một, khi không có giấy sở hữu nhà ở có tên cháu trong đó. Lại không ít cháu theo cha, mẹ tới nơi công tác, cư trú chưa đủ thời gian, không có hộ khẩu thường trú thì càng làm gì có đầy đủ điều kiện theo yêu cầu, đành phải đứng ngóng lớp thôi!

Ngày khai giảng đang tới trước mắt, số các em nôn nao trông ngóng, nhiều em ngậm ngùi đứng nhìn bạn bè chuẩn bị đến lớp ngày càng đông hơn.

Bao bậc cha mẹ ngược xuôi chạy vạy, nhưng chỉ biết ngửa cổ mà than: Đường vào lớp Một sao mà gập ghềnh hơn cả lối vượt qua… sông Cái, suối Giàng thế.

… Tới những sự thênh thang… của cuộc thi nâng bậc chuyên viên cao cấp (!)

Trong khi đó, có những cuộc thi nâng bậc chuyên viên cao cấp hẳn hoi, tự nhiên lại thênh thang đến thế!

Bởi bao nhiêu điều kiện về bậc lương, về thời gian giữ bậc, về bằng cấp, … tưởng điệp trùng khó gỡ, nhưng bỗng hóa sự giản đơn, tới mức cứ nhắm mắt cũng cứ băng băng bước… vào cuộc thi.

Người thiếu bằng chính trị - hành chính cao cấp…, cho nợ.

Người thiếu Chứng chỉ C ngoại ngữ, cũng… cho nợ

V.v…

Tất cả cứ nợ và …vào thi! Nếu đỗ, bao giờ trả đủ nợ, người ứng thi sẽ được công nhận, sẽ thành chuyên viên cao cấp. Nợ mãi, mãi, chưa chắc gì các chuyên viên cao cấp “dự bị” ai cũng trả đủ! Thế, một số người thảng thốt lo, vì tới lúc về hưu, món nợ kia, hồ dễ đã trả xong; và khéo mà đành ngậm ngùi suốt đời chỉ làm “cao cấp dự phòng”, “cao cấp… nợ nần trọn kiếp”!

Xin được lạm bình

Chuyện trẻ vào lớp Một, nói như các bậc phụ huynh chẳng ngoa, thủ tục ấy là những dòng “thác”, con “sông”, ngọn “suối”,… mà quyết đòi cho kỳ đủ, giăng ra trước mặt con trẻ trên đường đi vào… lớp Một, mà chuyến ngược nước lại chỉ bằng… thuyền đủ loại… giấy! Nên các cháu ngậm ngùi sao chẳng bình đẳng như nhau nhỉ!

Qua kỳ thi, bao nhiêu bậc trở thành chuyên viên cao cấp, lại trông sang, những người thiếu điều kiện cũng có quyền bình đẳng như ai, cũng thi, được quyền trả nợ, nên thấy tiếc rằng, mình chăm chỉ quá, sao chả chịu lười, mà lại vật lộn học hành đủ thứ trường lớp, đạt hết mọi thứ bằng bổi theo yêu cầu! Vì, tất cả lại đều… bình đẳng như nhau, tới mức bằng chằn chặn!

Tôi thì tôi nghĩ, thế nào cũng có người bào chữa cho những phận sự của mình phải làm một cách “thấu lý đạt tình”, theo lối “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”! Chắc chắn là như thế! Nên chỉ mơ ước một điều nhỏ nhoi, giản dị: Rất nên và phải đổi chỗ về cái gọi là nhóm điều kiện của hai bậc sơ khởi và cao tót vời ấy cho nhau! Thế, mới rất hợp với lẽ phải, thuận với ý đời! Vì, nói như các cụ nhà ta, rằng, thế “nhung y mới xứng kỳ đức”! Chứ không thể lấy “giỗ làm chạp”, “đánh bùn sang ao”, càng không thể “cao thì… nhẹ bẫng như bấc, thấp lại… nặng chịch hơn chì”!./.

Nhị Lê
(Nguồn: TCCS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất