Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 2/11/2008 17:4'(GMT+7)

Sắp có chương trình tiểu học riêng cho học sinh khiếm thính

  Để trẻ khiếm thính có thể hòa nhập cộng đồng

Giáo dục hoà nhập được xác định là chiến lược chủ đạo nhằm đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh khiếm thính bình đẳng với mọi trẻ em. Chương trình giáo dục chuyên biệt xây dựng hướng tới tạo cơ hội để học sinh khiếm thính được hoà nhập đời sống cộng đồng nói chung, đặc biệt là được tiếp cận giáo dục phổ thông một cách bình đẳng. Chương trình giáo dục phổ thông là cơ sở quan trọng để vận dụng xây dựng chương trình chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thính. Mục tiêu, nội dung các môn học, các mặt giáo dục và loại hình hoạt động cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông được vận dụng và thể hiện có chọn lọc trong chương trình giáo dục chuyên biệt. Sự vận dụng này hoà hợp với các mục tiêu, nội dung và các lĩnh vực, các loại hình hoạt động đặc thù của đối tượng học sinh khiếm thính.

Chương trình được xây dựng cho đối tượng học sinh ở 3 mức độ khiếm thính khác nhau là sâu, nặng và vừa. Chương trình giáo dục chuyên biệt phải đảm bảo nguyên tắc hướng tới giáo dục hoà nhập, được thể hiện rõ nét ở tính chuyển đổi và liên thông, đảm bảo học sinh khiếm thính có thể chuyển sang học hoà nhập ở trường phổ thông tại bất cứ thời điểm, lớp học nào. Đồng thời học sinh có thể học tập lên bậc học cao hơn, học nghề, hoà nhập đời sống xã hội ở cộng đồng. Chương trình giáo dục chuyên biệt được xây dựng thống nhất chung trong cả n­ước, nhưng cũng phải tính đến những điều kiện thực tiễn về nguồn lực đảm bảo cho việc thực hiện tại các địa phư­ơng và vùng miền khác nhau.

Một chương trình tiểu học riêng

Đây là một chương trình học có nhiều nét đặc thù nên nội dung các môn học được điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh khiếm thính và được dạy trong 6 năm (từ lớp 1A đến lớp 5). Những nội dung được điều chỉnh theo nguyên tắc chọn những nội dung cơ bản nhất, thiết thực nhất với mức độ yêu cầu cần phù hợp với khả năng và đặc điểm của học sinh khiếm thính. Chương trình bao gồm 12 môn học, trong đó có một số môn học đặc biệt phù hợp với những kỹ năng đặc thù của học sinh khiếm thính như Phát âm tiếng Việt, Kí hiệu ngôn ngữ, Phát triển giao tiếp, Luyện nghe..

Các môn học đặc thù được thiết kế theo quan điểm đồng tâm phát triển và có liên kết chặt chẽ với nhau nhằm hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, lĩnh hội và sử dụng tiếng Việt một cách vững chắc. Trong giai đọan 2 năm đầu, các môn học đặc thù nhằm tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, trang bị vốn từ ngữ, làm rõ nghĩa các từ ngữ, hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Để tạo điều kiện cho học sinh khiếm thính phát triển các năng lực cần thiết trên cơ sở khả năng sẵn có của mình, những nội dung đặc thù được thiết kế theo các mức độ khác nhau.

Riêng môn Tiếng Việt, do đặc điểm của học sinh khiếm thính, trước khi đến trường hầu như trẻ chưa biết nói hoặc ngôn ngữ chậm phát triển, vốn từ ngữ nghèo nàn, cần có giai đọan chuẩn bị trước khi tiếp cận chương trình Tiếng Việt phổ thông. Môn Tiếng Việt trong giai đọan này gọi là Phát âm tiếng Việt và chiếm thời lượng 4 học kỳ, từ lớp 1A đến hết lớp 1B. Từ học kỳ 2 lớp 1B, học sinh học chương trình Tiếng Việt phổ thông điều chỉnh. Đối với người khiếm thính, ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ “mẹ đẻ” của họ. Thống kê cho thấy, trong số những trẻ bị khiếm thính nặng, có khoảng 10% không còn khả năng hình thành và phát triển tiếng nói. Những trẻ này cần được dạy một phương tiện giao tiếp bằng ký hiệu ngôn ngữ. Đáp ứng nhu cầu giao tiếp của trẻ, môn Ký hiệu ngôn ngữ được học ngay từ khi học sinh tới trường. Môn học này nhằm cung cấp và làm rõ nghĩa các từ ngữ của trẻ. Trên cơ sở này các em sẽ học Tiếng Việt thuận lợi hơn. Đặc biệt ngoài những tiết được qui định, căn cứ vào nhu cầu của từng cá nhân học sinh khiếm thính, giáo viên còn tổ chức những giờ học cá nhân nhằm hình thành và rèn luyện những kỹ năng đặc thù như nghe, nói, giao tiếp và bổ sung, củng cố những kiến thức và kỹ năng các môn học. Mỗi giờ cá nhân trung bình từ 15-20 phút...

TS. Lê Văn Tạc cho biết chương trình khung GD tiểu học dành cho trẻ em khiếm thính đã được thẩm định, sẽ được ban hành thử nghiệm cuối năm nay và được áp dụng thí điểm ngay năm học 2009 tại 20 cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên địa bàn cả nước. Công việc thử nghiệm sẽ kết thúc sau 6 năm. Hiện nay Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đang xây dựng chương trình giáo dục tiểu học dành riêng cho trẻ em khiếm thị, trẻ em khuyết tật trí tuệ, dự kiến 2 chương trình này sẽ được thử nghiệm vào năm 2010.

(Báo Văn hóa điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất