Thứ Ba, 15/10/2024
Môi trường
Thứ Hai, 16/9/2024 9:50'(GMT+7)

Sạt lở đất - Nâng cấp cảnh báo sớm không bao giờ là muộn

Nhà dân tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) bị lũ ống, lũ quét tràn qua gây đổ sập. (Ảnh: TTXVN)

Nhà dân tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) bị lũ ống, lũ quét tràn qua gây đổ sập. (Ảnh: TTXVN)

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lại vừa phát tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy tại khu vực miền núi Bắc trong những ngày tới. Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề phải nhanh chóng nâng cấp cảnh báo sớm sạt lở đất ở các vùng nguy cơ cao.

VÙNG NGUY HIỂM RỘNG

 Nhiều khu vực trên cả nước có nguy cơ cao về sạt lở đất, đặc biệt là vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, bao gồm 15 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh. Tại 15 tỉnh kể trên có 116 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao về sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ suối. Các vị trí này thường nằm ở sườn dốc núi tạo hướng chắn gió, dễ tạo ra mưa lớn; sườn dốc lớn có nguy cơ sạt lở đất, đá; các nhà ở, công trình do đào chân núi dọc theo đường giao thông.

Theo PGS. TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa chất, trong mùa mưa năm nay các vụ sạt lở đất ảnh hưởng mạnh tới khu vực miền núi Tây Bắc, nhất là Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và hai tỉnh lân cận là Bắc Kạn và Hà Giang.

Về mặt địa chất, phần lớn đất ở khu vực miền núi phía Bắc được cấu tạo bởi các loại đá cổ bị phong hóa mạnh. Lớp vỏ phong hóa đạt độ sâu từ 15 - 30m. Trong lớp vỏ đó thường chứa các khoáng vật sét (nhất là monmorilonit) vốn thay đổi đặc tính rất mạnh, đặc biệt là trương nở rất lớn, khi có nước. Các khoáng vật nói trên quyết định đặc tính dễ biến dạng và tan rã của loại đất này.

Đặc biệt, khi chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 7), cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Tiếp theo là các đợt mưa dài ngày liên tiếp vào tháng 8, rồi đầu tháng 9 do ảnh hưởng bão số 3, cấu trúc của đất vốn đã bị suy yếu nay gặp nước thì dễ dàng bão hòa và chảy nhão.

Các mái dốc ở miền núi trong điều kiện tự nhiên vốn ổn định, song khi gặp các điều kiện bất lợi kể trên thì độ bền của đất suy giảm và sẽ sụp đổ bất ngờ.

GIẢI PHÁP NHIỀU, HIỆU QUẢ CHƯA CAO

Để có thể cảnh báo sớm về sạt lở đất, nhiều chương trình khoa học cấp nhà nước đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai qua nhiều giai đoạn, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học.

Một trong những giải pháp căn cơ, có tác động lâu dài, phục vụ cho việc quy hoạch lãnh thổ bền vững, xây dựng các chiến lược phòng chống thiên tai, các kịch bản ứng phó là xây dựng các bản đồ cảnh báo thiên tai.

Hiện nay Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai ở tỉ lệ nhỏ (quy mô cả nước) và tỉ lệ trung bình (quy mô cấp tỉnh). Các bản đồ này chỉ ra những khu vực có khả năng xảy ra thiên tai ở các cấp độ khác nhau.

Nhiều công nghệ hiện đại của thế giới về quan trắc trượt lở đất đá đã và đang được đưa vào áp dụng tại nước ta như trạm đo mưa, camera quan sát, cảm biến rung động, cảm biến căng kế, thiết bị đo độ cao mực nước bằng sóng radar, cảm biến áp lực nước lỗ rỗng, giãn kế, cảm biến dịch chuyển trong hố khoan, thiết bị quét radar bề mặt, thiết bị đo dịch chuyển bằng định vị GPS.

Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm cảnh báo sớm hiện tượng trượt lở đất đá cũng được triển khai ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam và một vài tỉnh ở Tây Nguyên.

Mới đây, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ứng dụng thành công việc phân tích ảnh viễn thám trong đánh giá hiện trạng sạt lở đất đá ở vùng miền núi.

Tuy nhiên, như thừa nhận của các nhà khoa học, Việt Nam hiện tại chưa có khả năng dự báo được sạt lở đất. Ngay cả việc cảnh báo sớm cũng chưa đạt hiệu quả cao.

Theo PGS. TS. Trần Tuấn Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, các bản đồ đánh giá nguy cơ thiên tai mà chúng ta đã xây dựng mới ở tỷ lệ 1:1.000.000, hoặc 1:500.000, hoặc 1:250.000, có nghĩa là 1cm trên bản đồ tương đương 10km, hoặc 5km, hoặc 2,5km ở hiện trường. Do vậy, các tấm bản đồ này không thể hiện được những mái dốc, những con suối có nguy cơ sạt lở khi mưa xuống để cảnh báo tới từng địa phương. Chúng ta chưa có thống kê và đánh giá chi tiết về các địa điểm cụ thể có nguy cơ xảy ra sạt lở.

TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 của 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam vẫn chưa đầy đủ. Đặc biệt, Bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm còn thiếu, trong đó có số liệu địa hình ở tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000). Điều này dẫn đến kết quả xử lý bị sai và thiếu. Bộ cơ sở dữ liệu về địa chất ở tỷ lệ trung bình (1:50.000) cũng vẫn còn thiếu rất nhiều và chưa được tiến hành điều tra chi tiết bổ sung; các tỷ lệ 1:10.000, 1:5.000 rất ít.

Chú thích ảnh
Vụ sạt lở tại thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái - nơi cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình vào ngày 10/9 vừa qua. (Ảnh: TTXVN)

CẦN KÍP BẢN ĐỒ NGUY CƠ SẠT LỞ 1:10.000

Để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở tại khu vực miền núi, theo PGS. TS. Trần Tuấn Anh, các địa phương cần có được bản thống kê tới cấp thôn bản ở miền núi số lượng các mái dốc, các con suối có nguy cơ gây ra sạt lở. Có thể làm được điều này nhờ việc xây dựng các bản đồ đánh giá nguy cơ sạt lở ở địa phương với tỷ lệ 1:5.000 hoặc 1:10.000. Các tấm bản đồ này sẽ chỉ ra được từng mái dốc, từng con suối có nguy cơ xảy ra thiên tai, rủi ro của từng ngôi nhà khi thiên tai ập đến.

TS. Trịnh Hải Sơn đề xuất: Để phân vùng những nơi có nguy cơ trượt lở đất đá cao tại Việt Nam, trước hết, cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá và xác định các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá.

Bộ tiêu chí này sẽ được áp dụng cho 15 tỉnh miền Bắc đã có đủ cơ sở dữ liệu phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá theo tỷ lệ 1:50.000 giúp khoanh định các “khu vực nhạy cảm” về trượt lở đất đá; áp dụng thêm tổ hợp 4 tiêu chí gồm: dân cư, giao thông, công trình trọng điểm và lưu vực sông suối.

Việc áp dụng các tiêu chí nêu trên giúp phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá đã lập được danh sách với tỷ lệ 1:10.000; đồng thời, lập được danh sách các khu vực có khả năng ảnh hưởng các công trình trọng điểm ở tỷ lệ 1:5.000. Các khu vực nhạy cảm được thể hiện ở 3 mức độ khác nhau từ cao, trung bình, thấp và là cơ sở khoa học cụ thể để cảnh báo sớm trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam.

Điều này là tối cần thiết và không bao giờ được coi là muộn để tiến hành./.

TRẦN QUANG VINH (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất