PV: Sau khi Luật Đất đai
năm 2024 có hiệu lực thi hành, một số địa phương còn gặp một số vướng
mắc trong việc áp dụng bảng giá đất, ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi
trường về vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Với quyết tâm sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống từ ngày
1/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt và kịp thời chỉ đạo Bộ Tài
nguyên và Môi trường, các bộ ngành liên quan và địa phương kịp thời ban
hành các văn bản hướng dẫn thi hành và chuẩn bị các điều kiện cần thiết
để thi hành Luật Đất đai 2024.
Qua hơn 1 tháng tổ chức thực hiện, bước
đầu cho thấy Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ
bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng
cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta
trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo tinh thần của Nghị quyết
số 18-NQ/TW.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, một số địa phương
còn chậm trong xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền và chuẩn
bị các điều kiện để tổ chức thực hiện, trong đó có vướng mắc liên quan
đến việc điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật
Đất đai 2024...
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 về việc chuyển tiếp sử
dụng Bảng giá đất quy định: “Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo
quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết
ngày 31/12/2025; trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều
chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình
thực tế về giá đất tại địa phương”.
Quy định này nhằm đảm bảo sự kế thừa các quy định của Luật Đất đai
năm 2013, phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh thất thu ngân sách,
đảm bảo công bằng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng
đất; đồng thời có thời gian chuyển tiếp để các địa phương có lộ trình
chuẩn bị ban hành Bảng giá đất theo quy định tại Điều 159 Luật Đất
đai 2024.
Do đó, việc rà soát, điều chỉnh Bảng giá đất là cần thiết,
là cơ hội và là điều kiện để các địa phương thu hẹp khoảng cách chênh
lệch giữa giá đất trong Bảng giá đất hiện tại với mặt bằng giá đất trên
thực tế tại địa phương. Cùng với đó, từng bước xây dựng Bảng giá đất
theo Luật Đất đai 2024 để áp dụng từ 1/1/2026, từ đó tránh "cú sốc" tăng
giá đột biến trong Bảng giá đất ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của
người sử dụng đất, dẫn đến phản ứng từ phía người dân, doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh Bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên của UBND cấp tỉnh
đã được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay và có nhiều
địa phương đã thực hiện rất tốt quy định này. Do đó, đối với các địa
phương có sự điều chỉnh Bảng giá đất đúng theo quy định của Luật Đất đai
năm 2013 đã đảm bảo giá đất trong Bảng giá đất tiệm cận với mặt bằng
thực tế tại địa phương thì việc áp dụng khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai
năm 2024 không có vướng mắc, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ
tài chính của người sử dụng đất.
Tuy nhiên, một số địa phương không có sự điều chỉnh kịp thời, giá đất
trong Bảng giá đất có sự chênh lệch lớn so với mặt bằng thực tế tại địa
phương, dẫn đến khi triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 xuất hiện
một số vướng mắc.
Điển hình như trường hợp khi Bảng giá đất điều chỉnh có sự thay đổi lớn,
tăng cao đột biến, chênh lệch rất lớn so với giá đất Bảng giá đất hiện
hành sẽ dẫn đến sự phản ứng của các đối tượng chịu tác động như người
dân, doanh nghiệp sử dụng đất, nhất là khi thực hiện nghĩa vụ tài chính
đối với các trường hợp áp dụng Bảng giá đất quy định tại khoản 1 Điều
159 Luật Đất đai 2024 như khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, tính
thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tính tiền thuê đất hằng năm… do số
tiền mà người dân, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ
tăng cao đột biến so với khi áp dụng bảng giá đất hiện hành của địa
phương đó.
Trường hợp địa phương không điều chỉnh Bảng giá đất mà sử dụng giá
đất trong Bảng giá đất hiện hành (đã xây dựng, ban hành theo quy định
của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành) làm giá
khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê
đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật
theo quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều
159 Luật Đất đai năm 2024 có sự chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và
giá đất thực tế tại địa phương thì rất dễ dẫn đến giá đất trong kết
quả đấu giá chênh lệnh rất lớn so với giá khởi điểm tạo nên sự đột biến,
bất thường. Mặt khác, do bảng giá đất không được điều chỉnh quá thấp so
với giá đất thực tế ở địa phương dẫn đến việc có thể gây thất thu cho
ngân sách nhà nước.
Như vậy, đối với cả trường hợp không kịp thời điều chỉnh Bảng giá đất
hay điều chỉnh Bảng giá đất tăng ở mức cao đột biến đều dẫn đến các
phản ứng trái chiều, thiếu đồng thuận trong dư luận xã hội, tiềm ẩn nguy
cơ lợi dụng để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát
triển kinh tế, an sinh xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư,
kinh doanh...
PV: Vậy, thưa Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có
địa phương không điều chỉnh hoặc không kịp thời điều chỉnh Bảng giá đất?
Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Chúng tôi cho rằng, tình trạng nêu trên xảy ra xuất phát từ một số
nguyên nhân chủ yếu như: Bảng giá đất hiện hành được xây dựng, ban hành
theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi
hành bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ (đã được bỏ tại Luật
Đất đai năm 2024), đặc biệt trong thời gian thực hiện bảng giá đất, một
số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên
thị trường để điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực
tế tại địa phương, do đó giá đất trong bảng giá đất tại một số địa
phương còn thấp hơn nhiều so với giá đất thực tế ở địa phương.
Nguyên nhân thứ hai, việc điều chỉnh Bảng giá đất theo khoản 1 Điều
257 Luật Đất đai 2024 là cần thiết, đảm bảo có lộ trình chuyển tiếp
trong việc áp dụng giá đất tại địa phương. Tuy nhiên, khi xây dựng Bảng
giá đất, nếu cơ quan tham mưu chưa có khảo sát toàn diện, đầy đủ và đánh
giá các tác động, chưa có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa
phương khi đưa ra dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh, có sự chênh lệch rất
lớn so với Bảng giá đất hiện hành.
Trước tình hình thực tế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện
số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/2024 về việc tổ chức triển khai có hiệu quả việc
thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Công
điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 về việc kịp thời chấn chỉnh công tác
đấu giá quyền sử dụng đất để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kịp thời
tổ chức thực hiện Luật Đất đai 2024 và xử lý các tồn tại, vướng mắc phát
sinh trong quá trình tổ chức thi hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5317/BTNMT-QHPTTNĐ ngày
8/8/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị
khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành quy định về giá đất thuộc
thẩm quyền theo quy định và Công văn số 5774/BTNMT-QHPTTNĐ ngày
23/8/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó
hướng dẫn các địa phương khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất phục vụ
cho công tác quản lý đất đai rà soát, đánh giá để quyết định điều chỉnh
bảng giá đất áp dụng đến hết ngày 31/12/2025 cho phù hợp với tình hình
thực tế giá đất tại địa phương.
Để hướng dẫn các địa phương, trong hai ngày 5-6/9, Bộ Tài nguyên và
Môi trường đã tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến quy định của các Nghị
định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 và tiếp tục phối hợp
với các địa phương để tập huấn chuyên sâu, nắm bắt tình hình triển khai
thi hành nhằm kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát
sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập tổ công tác để
tiếp nhận các ý kiến phản ánh, các kiến nghị đề xuất của địa phương để
kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn vướng mắc ngay từ đầu.
PV: Giải pháp nào để giải quyết triệt để tình trạng này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Các địa phương cần tập trung chỉ đạo hoàn thiện các văn bản thuộc
thẩm quyền, đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến
rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các cấp, các ngành, người
dân, doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và
tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc điều chỉnh bảng giá đất để phù hợp với tình hình thực tế giá đất
tại địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 là
cần thiết. Trong quá trình thực hiện cần phân tích, đánh giá kết quả
thực hiện bảng giá đất hiện hành, xem xét giá đất trong bảng giá đất so
với mặt bằng giá đất tại địa phương; đánh giá tác động của dự thảo bảng
giá đất đối với đối tượng áp dụng, có lộ trình phù hợp, mức tăng phù hợp
với từng khu vực, vị trí, loại đất, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ
chức cá nhân có liên quan để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, hạn
chế việc chênh lệch quá lớn về nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất
phải thực hiện, đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối
tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình, thiếu đồng thuận trong
xã hội.
Về cơ chế, chính sách, chúng tôi cho rằng, cần tiếp tục rà soát, xem
xét về mức thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng
đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đơn giá thuê đất trong trường
hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm; các đối tượng
được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; đối tượng và thuế suất
trong trường hợp áp dụng Bảng giá đất để tính thuế thu nhập từ chuyển
quyền sử dụng đất, thuế sử dụng đất…
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh, bổ sung ngay sau khi chính sách vừa
được ban hành cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng tính ổn định của hệ
thống pháp luật, tránh tác động không mong muốn ảnh hưởng đến phát triển
kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và dư luận trong, ngoài nước,
môi trường đầu tư kinh doanh...
Trong trường hợp thực sự cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ
tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tham mưu cho
cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa hợp lý để đáp ứng
yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.
PV: Trân trọng cám ơn Thứ trưởng./.
TTXVN