(TG)-Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc
hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì việc sửa
đổi Luật tổ chức Quốc hội là rất cần thiết.
Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Theo tờ trình dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày tại buổi làm việc, sau hơn 12 năm
thi hành, Luật tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở
pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội
và đại biểu Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực
chất và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội là rất cần thiết.
Dự thảo Luật trình lần này có sự điều chỉnh lớn về bố cục so với luật hiện hành, gồm 6 chương với 112 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội và điều khoản thi hành.
Đáng chú ý, điểm mới của dự thảo lần này là quy định về Tổng Thư ký Quốc hội. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hoạt động của Đoàn thư ký kỳ họp và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức công tác phục vụ hoạt động của Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định về chức danh Tổng Thư ký Quốc hội nhằm tổ chức lại các hoạt động hỗ trợ, phục vụ hoạt động Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp.
Tổng Thư ký Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội (thay thế cho chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp hiện nay). Tổng Thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do Luật này quy định.
Trong báo cáo thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành việc quy định trong dự thảo Luật về Tổng Thư ký Quốc hội; cho rằng việc quy định chức danh Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đối ngoại và cũng phù hợp với cách thức tổ chức công tác phục vụ các hoạt động chung của nghị viện nhiều nước.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Đây là dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Theo chương trình, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật này trong Kỳ họp thứ 7.
Thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi), các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan; tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hải quan, tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; quy định địa bàn hải quan trên các vùng biển Việt Nam và một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm cán bộ công chức hải quan nhằm đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân.
Một số ý kiến cũng tán thành việc quy định địa bàn hoạt động của hải quan được quyền kiểm soát cả vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam để phối hợp với các lực lượng liên quan trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động xuất nhập khẩu; phòng chống tội phạm ma túy.
Các ý kiến cũng đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể thời hạn làm thủ tục hải quan theo hướng phải có bộ phận hải quan trực 24/24 cả ngày nghỉ, ngày lễ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong xuất nhập khẩu./.
TĐ