Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 10/7/2009 21:44'(GMT+7)

Sẽ có thuốc thay thế nếu cúm A kháng thuốc tamiflu

Đại dịch cúm A (H1N1) mới lan nhanh hơn các đại dịch cũ

Đại dịch cúm A (H1N1) mới lan nhanh hơn các đại dịch cũ

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) thông báo tại Hội thảo xây dựng kế hoạch truyền thông ưu tiên ứng phó với đại dịch cúm A (H1N1) diễn ra ngày 10/7, rằng đại dịch cúm A (H1N1) mới lan nhanh hơn đại dịch cũ. Các đại dịch xảy ra trước đây thường mất khoảng 6 tháng để lan tràn toàn cầu, nhưng đại dịch cúm A (H1N1) lần này chỉ mới xảy ra trong vòng 2 tháng đã kịp lây lan ra 135 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục trên thế giới khiến 94.512 người mắc bệnh, 429 người tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế thế giới cũng thừa nhận, trên thực tế, số người mắc còn có thể cao gấp 20 lần con số đã được ghi nhận ở các phòng xét nghiệm. Hiện có khoảng 14 quốc gia trên thế giới dịch đã lan truyền trong cộng đồng, bao gồm cả một số nước trong khu vực Đông Nam Á có số mắc cao và đã ghi nhận trường hợp tử vong như Singapore. Thái Lan, và Philippines. Tình hình dịch đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ngành y tế các nước này .

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người chiều ngày 8/7, TS. Nga cũng cho biết, qua 40 ngày kể từ bệnh nhân cúm A (H1N1) đầu tiên, VN vẫn chưa có dịch lây lan ra cộng đồng. Mặc dù nhiều quốc gia đã bỏ quy trình giám sát và cách ly các ca cúm do có quá nhiều bệnh nhân, nhưng VN vẫn duy trì được việc này, đồng thời xử lý triệt để ổ dịch, nhờ có hệ thống dự phòng bao phủ khắp các tỉnh/TP. Tuy nhiên, tiên lượng là dịch có thể lan ra cộng đồng bất cứ lúc nào, do đó vấn đề truyền thông phòng chống dịch là một vấn đề hết sức quan trọng, làm sao để mọi người dân đều hiểu được mức độ quan trọng của đại dịch, khi xuất hiện bất cứ chùm ca bệnh hoặc vụ dịch cúm nào ở cộng đồng, trường học, công sở kể cả không có nguồn lây từ người nhập cư, người dân sẽ lập tức báo ngay với cơ quan y tế. Có như thế, mạng lưới giám sát cúm mới có thể phát hiện kịp thời ca bệnh trước khi bùng phát ào ạt thành dịch lớn trong cộng đồng.

Liên quan đến hiện tượng có dấu hiệu kháng thuốc ở một số ca bệnh đang điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, TS. Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục quản lý KCB cho biết, kể từ khi Việt Nam có ca nhiễm cúm A (H1N1) đầu tiên đến nay, phần lớn bệnh nhân sau 2 - 3 ngày điều trị đều hết sốt, các triệu chứng cúm giảm rõ rệt và xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với cúm A (H1N1). Điều này cho thấy, phác đồ điều trị của Bộ Y tế là hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã dự trữ thêm một loại thuốc cũng có tác dụng điều trị cúm A (H1N1), đó là thuốc relenza (một loại thuốc kháng virut xuất hiện sau tamiflu) để thay thế cho tamiflu nếu xảy ra tình trạng kháng thuốc. Dù vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên lạm dụng các loại thuốc kháng virut, phòng nguy cơ thuốc kháng trên diện rộng bệnh nhân thì việc điều trị khó khăn hơn vì tamiflu hiện vẫn là loại thuốc điều trị cúm A (H1N1) hiệu quả và phổ biến trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. 

(Theo SK&ĐS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất