Thứ Ba, 24/12/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 23/4/2015 16:48'(GMT+7)

Sẽ có tiêu chí lựa chọn hội đồng thẩm định, người tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới

Theo đó, giai đoạn thứ nhất (từ tháng 4/2015 – 6/2016) sẽ ban hành chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học. Giai đoạn thứ 2 (từ 7/2016 - 6/2018) phấn đấu ít nhất ban hành bộ sách giáo khoa lớp 1, 6, 10 nhằm đảm bảo năm học 2018-2019 có ít nhất một bộ sách giáo khoa để thực hiện cuốn chiếu theo từng cấp học. Giai đoạn thứ 3 (7/2018 cho đến năm 2023) thực hiện lộ trình cuốn chiếu, bắt đầu năm học 2018-2019 thực hiện lộ trình cuốn chiếu theo từng cấp học, từ lớp 1, 6, 10. Trong lộ trình cũng chỉ rõ hoạt động của từng năm để đảm bảo đến năm 2022-2023, tất cả chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng triển khai đại trà trên toàn quốc.

Người xây dựng chương trình mới, sách giáo khoa mới phải đạt tiêu chí nhất định

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa phải đáp ứng được tiêu chí của Bộ. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được công văn của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký viết sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phát hiện, bổ sung thêm lực lượng tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa; hoàn thiện và công bố công khai, minh bạch tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn người tham gia ban biên soạn chương trình, sách giáo khoa và hội đồng thẩm định chương trình, sách giáo khoa. Người xây dựng chương trình sách giáo khoa phải đạt được các tiêu chí cơ bản là: có phẩm chất tốt, có năng lực về khoa học và có năng lực về sư phạm. Người viết chương trình, viết sách giáo khoa phải vừa phải giỏi về năng lực khoa học lẫn năng lực sư phạm. Ngoài ra còn một số tiêu chí khác nữa như có khả năng làm việc tập thể, có năng lực thực tiễn, am hiểu về giáo dục phổ thông...

Cho đến nay, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện, để đưa ra thảo luận, xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội

Nhiều điểm mới trong quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Đoàn Văn Ninh, Trưởng ban thường trực Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Q uy trình xây dựng chương trình và sách giáo khoa lần này đã tách bạch rất rõ giữa làm chương trình và biên soạn sách giáo khoa. Việc làm chương trình phải được tiến hành trước, sau đó căn cứ vào chương trình thì mới biên soạn sách giáo khoa. Đây cũng là điểm mới căn bản so với những làm chương trình sách giáo khoa trước đây. Việc ban hành chương trình trước giúp việc biên soạn sách giáo khoa đảm bảo được sự thống nhất, khoa học và có tính sư phạm, khả thi và độ tin cậy cao. Việc biên soạn lần này cũng thay đổi so với trước, đó là sẽ làm chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trước. Sau đó, dựa vào đó mới ban hành chương trình giáo dục các môn học, đảm bảo tính thống nhất giữa các môn học, lớp học, cấp học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết: Chương trình mới, sách giáo khoa mới theo định hướng chung là phát triển phẩm chất năng lực học sinh chứ không dừng ở kiểm tra kiến thức. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải tác động tới ý thức tự học, tự tìm tòi và sáng tạo của học sinh để khi học hết cấp trung học cơ sở các em có thể ra ngoài thực tế, hiểu rõ nhân cách, trách nhiệm của một công dân. Việc giảng dạy trong nhà trường phải giúp các em biết cách tự học, tự phát triển vì để phát triển nghề nghiệp trong tương lai thì học sinh đó phải không ngừng tự học, học thường xuyên.

Điểm mới rõ nét của chương trình mới, sách giáo khoa mới là chương trình sẽ phân ra 2 giai đoạn tương ứng của giáo dục phổ thông: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, cấp t iểu học và trung học cơ sở sẽ là cấp học sẽ trang bị kiến thức nền tảng cần thiết, giúp hình thành năng lực tự học để sau khi hoàn thành lớp 9, người học đủ khả năng học nghề hay làm việc kiếm sống. Các môn sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp và bậc tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày. Việc thiết kế chương trình theo hướng tích hợp, không dạy lặp đi lặp lại sẽ giúp học sinh tiết kiệm thời gian hơn, việc dạy và học cũng sẽ hiệu quả hơn. Giai đoạn hai là giáo dục định hướng nghề nghiệp gồm 3 năm học trung học phổ thông. Học sinh sẽ học một số môn bắt buộc, còn lại là môn tự chọn, để chuẩn bị cho việc thi vào đại học, cao đẳng. Học sinh sẽ có các buổi học chuyên đề để cung cấp kiến thức nâng cao, hiểu thêm nhóm ngành nghề ngoài xã hội. Lớp 10 phân hóa ít, lớp 11, 12 sẽ nhiều hơn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, giáo dục toàn diện không có nghĩa là tất cả bằng nhau mà phải phát huy khả năng tốt nhất của mỗi người trên nền tảng chung. Hiện nay, năng lực chung của học sinh còn thiếu như kỹ năng sống, giáo dục đạo đức còn chưa thực sự thành công do chưa thiết kế chương trình phù hợp. Những môn học như giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật… không phải mục tiêu đào tạo ra nhạc sỹ, ca sỹ hay họa sỹ hay thi đua để có thành tích nhảy xa bao nhiêu, nhảy cao bao nhiêu … mà phải giúp học sinh có định hướng thẩm mỹ hoặc thích rèn luyện thân thể một cách tự nhiên, tự nguyện. C hương trình học đổi mới theo hướng coi trọng hơn các hoạt động trải nghiệm của học sinh như giáo dục trong lớp. Học sinh phải được trải nghiệm cuộc sống xã hội, rèn lyện kỹ năng sống, niềm tin, đạo đức, năng lực giao tiếp, khả năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn bạn bè, mâu thuẫn cuộc sống ./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất