Nhằm siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, độ an toàn của đồ chơi trẻ em vốn được bày bán tràn lan trên thị trường bắt đầu từ ngày 15/9, tất cả đồ chơi trẻ em được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải được gắn dấu hợp quy (CR). Những sản phẩm thiếu dấu CR sẽ bị coi là vi phạm quy định và bị tịch thu, xử lý.
Việc ban hành quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em được xem như một “barie” để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng này thực hiện những quy định bắt buộc trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, để người tiêu dùng có cơ hội sử dụng những sản phẩm đạt chất lượng và an toàn.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3:2009/BKHCN) có hiệu lực từ ngày 15/4/2010, các loại đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước hay nhập khẩu phải qua kiểm định của cơ quan chức năng về độ pH, dung dịch, formaldehyde... để đánh giá chất lượng trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. |
8h30 tối, trên “phố đồ chơi” Lương Văn Can (Hà Nội) hoạt động mua bán diễn ra tấp nập. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều loại đồ chơi trẻ em như robot, búp bê, máy bay, ô tô, tàu lượn, xe đạp… không gắn dấu hợp quy CR, không có nhãn mác ghi các thông số của sản phẩm hoặc có chăng cũng là những ghi chú bằng… tiếng nước ngoài vẫn được bày bán công khai.
Những hộ kinh doanh ở đây cho biết, hiện trên 80% đồ chơi trẻ em được bày bán tại khu vực này đều xuất xứ từ Trung Quốc. Do giá rẻ, cộng thêm nhiều mẫu mã hấp dẫn nên trẻ con rất thích, vì thế những mặt hàng này bán rất chạy.
Khi chúng tôi đề cập tới việc các loại đồ chơi đang bày bán mà chưa qua kiểm tra chất lượng để gắn tem CR thì từ ngày 15/9 các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, tịch thu xử lý, nhiều chủ cửa hàng cho biết là đã biết quy định đó, nhưng vì những loại đồ chơi chưa gắn tem CR thường là có xuất xứ từ Trung Quốc và bán rất chạy. Bên cạnh đó, cũng chẳng có khách hàng nào thắc mắc về vấn đề dấu CR trên đồ chơi. Họ thấy đẹp, trẻ con thích là mua.
Cũng có nhiều chủ cửa hàng cho biết, vì họ là những tiểu thương nhỏ lẻ nên chưa rõ có thông tin về việc gắn dấu hợp quy. Anh Lê Trường Sơn chủ cửa hàng Lê Hiệp, 27 Lương Văn Can cho biết: “Chúng tôi có biết đến thông tin gắn CR nhưng vì là hộ kinh doanh nhỏ, chúng tôi cũng không biết là tìm đến cơ quan nào để được hướng dẫn gắn dấu… Mà hầu hết khách hàng ở đây họ cũng không yêu cầu gì về dấu CR”.
Theo nhận định của các chuyên gia, những loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm tra của cơ quan chức năng, màu sắc sặc sỡ tiềm ẩn nhiều độc tố gây hại ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ em. Điều này không phải những bậc phụ huynh không biết. Nhưng nhiều người vẫn không quan tâm đến những mối nguy hại đó vì chiều trẻ con.
Anh Trần Văn Phú, ở Trần Duy Hưng – Hà Nội chia sẻ: “Bọn trẻ nhà tôi rất thích những loại đồ chơi này, chúng ngộ nghĩnh, màu sắc lại sặc sỡ rất hấp dẫn. Lâu nay thì chúng tôi cũng không quan tâm tới việc sản phẩm có hợp quy hay không, chỉ thấy nó đẹp, giá cả lại phải chăng nên mua thôi”.
Theo số liệu tổng hợp của Cục quản lý Chất lượng Sản phẩm, hàng hoá (Bộ KH&CN), năm 2009, đơn vị đã phối hợp với các chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành kiểm tra gần 500 lô hàng nhập khẩu, phát hiện 16 lô không đạt yêu cầu và gần 70 lô hàng trốn tránh không qua kiểm tra chất lượng.
Để siết chặt hơn thị trường đồ chơi trẻ em, từ ngày 15/9, các chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em không dán tem CR.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em trong nước vẫn tìm nhiều cách để “lách” sự kiểm tra của cơ quan chức năng và đưa những sản phẩm đó ra thị trường. Bên cạnh đó, nhiều loại đồ chơi trẻ em không đảm bảo chất lượng được đưa vào Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch, nhập lậu.
Do các đối tượng buôn lậu hoạt động rất tinh vi nên cơ quan chức năng khó kiểm soát số lượng đồ chơi trẻ em cũng như những mặt hàng khác được chúng đưa vào Việt Nam. Vì thế, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân biết.
Ông Nguyễn Xuân Hùng- Phó cục trưởng Cục quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho biết, từ tháng 4 Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh về quy chuẩn đối với đồ chơi trẻ em, cũng như tuyên truyền phổ biến các văn bản hướng dẫn việc gắn dấu CR tới các tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, một vấn đề khác được nhiều người quan tâm đó là “Liệu dấu hợp quy có thể bị làm giả hay không?”. Trước lo ngại này, ông Trần Văn Vinh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, dấu CR nói lên trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Vì thế, khi chứng nhận và gắn dấu hợp quy cũng đồng thời gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu về độ an toàn lên sản phẩm đó. “Điều đó cũng có nghĩa là không tồn tại khái niệm dấu CR giả, mà chỉ có dấu thật gắn trên sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, đánh giá và như vậy khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, đơn vị sử dụng dấu CR sẽ bị xử lý”, ông Trần Văn Vinh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói.
Theo số liệu của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, đến ngày 27/8 cả nước có 119 đơn vị nhập khẩu đồ chơi trẻ em, 17 đơn vị sản xuất trong nước và 311 đơn vị kinh doanh được chứng nhận hợp quy. Nếu chỉ nhìn những con số này thôi thì sẽ không khó để nhận thấy đó là lượng rất nhỏ so với thực tế. Bởi chỉ tính riêng thị trường Hà Nội thì con số 311 đơn vị kinh doanh đồ chơi trẻ em được chứng nhận hợp quy xem ra vẫn là quá ít. Tết Trung thu đã cận kề, việc thực hiện an toàn đồ chơi trẻ em sẽ cần phải được các cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 quy định hình thức, nội dung phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa với nhau. Với quyết định này, các cơ quan thanh tra chuyên ngành như công an, hải quan, quản lý thị trường sẽ không còn vướng bởi sự chồng chéo trong công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nói chung và thị trường đồ chơi trẻ em nói riêng./.