Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự điều chỉnh 62 điều, bao gồm sửa đổi 42 điều, bãi bỏ 10 điều và bổ sung 10 điều.
Ngày 7/9, tại TP HCM, phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, Quốc hội khóa XII tiếp tục ngày làm việc thứ hai với việc thẩm tra, xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tham dự phiên họp có các thành viên của Ủy ban Tư pháp và lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Tư pháp.
Bộ luật Tố tụng dân sự được kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI thông qua vào ngày 15/6/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2005. Đến nay, sau hơn 5 năm thi hành, Bộ luật Tố tụng dân sự đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan. Bộ luật này cũng đã bảo đảm cho Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết hơn 649.400 vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi Bộ luật Tố tụng dân sự trong những năm qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, có những quy định chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp, chưa đầy đủ, rõ ràng, cũng có những quy định chưa đảm bảo được quyền và lợi ích của đương sự, chưa đáp ứng được các yêu cầu cam kết quốc tế song phương, đa phương. Do đó, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự là cần thiết, nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách Tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự điều chỉnh 62 điều, bao gồm sửa đổi 42 điều, bãi bỏ 10 điều và bổ sung 10 điều. Các điều này tác động vào những quy định rất cụ thể về thẩm quyền của Tòa án, Viện Kiểm sát, trách nhiệm cung cấp chứng cứ của các tổ chức và cá nhân, những việc dân sự liên quan đến hoạt động của trọng tài thương mại Việt Nam…
Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị rà soát kỹ hơn nữa những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi luật để dự án Luật sửa đổi, bổ sung này nếu được thông qua sẽ có sức sống lâu dài. Nhiều đại biểu góp ý nên xem xét kỹ từng điều khoản của Luật sửa đổi, bổ sung, nhất là những điều khoản quy định quyền của Viện kiểm sát, để tránh việc chồng chéo, lặp lại…/.
PV