Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 13/1/2010 17:19'(GMT+7)

Sở thích cá nhân và lợi ích dân tộc

Thơ Hồ Xuân Hương dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Rumani...

Thơ Hồ Xuân Hương dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Rumani...

Tính tới năm 2007, đã có khoảng 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được xuất bản tại Việt Nam. Như vậy, trên thị trường hiện nay, trung bình cứ 100 cuốn sách được bày bán thì có khoảng 25 cuốn sách dịch của thế giới.

Thế nhưng, cũng theo thống kê đó, tính tới nay, mới chỉ có khoảng 570 tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và xuất bản ở các nước trên thế giới. Chỉ qua những con số biết nói đó, ai cũng thấy rõ sự thiếu cân bằng trong công tác dịch thuật, giới thiệu mà hệ quả là những thiệt thòi khó tính hết với các nhà văn nói riêng và với vị thế văn hoá của một dân tộc nói chung.

Bởi nói đến cùng, dịch thuật đôi khi có thể là một sở thích cá nhân nhưng lợi ích của nó lại thuộc về một quốc gia, dân tộc.

Trong những năm qua, không thể phủ nhận nỗ lực rất đáng trân trọng của một số tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đã âm thầm dịch, giới thiệu, tổ chức xuất bản những tác phẩm dịch văn học Việt Nam ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Hàng loạt những bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Chí Minh, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết của Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, truyện ngắn của Lê Minh Khuê, thơ Hữu Thỉnh, thơ Nguyễn Trọng Tạo… là minh chứng rõ ràng cho những cống hiến lặng lẽ và đầy nhiệt tâm đó.

Công việc chuyển ngữ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài là việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức cũng như tình yêu với văn học, con người Việt Nam.

Nhưng cũng dễ thấy một điều là, hầu hết các công trình dịch thuật, giới thiệu văn học Việt Nam cho tới nay vẫn còn thiên nhiều về khía cạnh giao lưu, trao đổi văn hoá giữa các nước hoặc chỉ dừng ở những quan hệ cá nhân với quy mô hết sức nhỏ lẻ.

Tình trạng này đã là đáng quý trong bối cảnh hiện nay. Nhưng rõ ràng, về lâu về dài lại là vấn đề rất cần phải suy nghĩ. Đây có lẽ cũng là một phần câu trả lời cho việc sau gần 40 năm đất nước thống nhất, Việt Nam đã trở thành bạn, thành đối tác của nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng so với sự hợp tác thành công trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị của đất nước, những giao lưu về văn học của chúng ta với thế giới vẫn còn quá khiêm tốn.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đây đã là thời điểm chín muồi để hình thành một trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn, một đơn vị sẽ đảm nhiệm chuyên trách các khâu trọng yếu như lựa chọn, biên dịch, hợp tác xuất bản và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Đó là mong mỏi không chỉ của riêng các nhà văn, các dịch giả mà còn là của cả dân tộc nhằm khẳng định vị trí của một quốc gia trên bản đồ văn hoá thế giới không thể không có những bằng chứng thuyết phục về văn học./.

Thoa Trà - Báo TNVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất