Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 7/1/2010 10:41'(GMT+7)

Văn hoá Việt Nam đã quyến rũ chúng tôi

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Trong những năm qua, không thể phủ nhận nỗ lực rất đáng trân trọng của một số tổ chức và các dịch giả nước ngoài đã dịch, giới thiệu, xuất bản những tác phẩm dịch văn học Việt Nam ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Hàng loạt những bản dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Chí Minh, thơ Hữu Thỉnh, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết của Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, truyện ngắn của Lê Minh Khuê… là minh chứng rõ ràng cho những cống hiến đầy nhiệt tâm đó.

Anh Peter, dịch giả người CH Czech đến với văn học Việt Nam từ những ngày là sinh viên ngành Việt Nam học ở Czech. Nếu chỉ có tình yêu văn chương thôi chắc người phiên dịch trẻ này không dám “liều” chọn thơ Hồ Xuân Hương và Nguyễn Bính làm thách thức dịch thuật đầu tiên của mình. Anh cho biết, thơ của Nguyễn Bính được rất nhiều người Việt Nam yêu thích nhưng ở nước ngoài tác giả này ít biết đến. Vì vậy, tôi nghĩ nếu dịch và giới thiệu tác giả này với bạn bè châu Âu thì có lẽ sẽ rất thú vị.

Với dịch giả Hilary Wash người Mỹ, chị có nhiều hơn một lý do để đến với công việc dịch tập thơ “Ký ức mắt đen” của Nguyễn Trọng Tạo, thơ Việt Nam đem lại cho chị thật nhiều trải nghiệm thú vị: “Văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt Nam nói riêng rất đặc biệt, cởi mở, tôi học được rất nhiều điều về Việt Nam và văn hoá Việt Nam. Trước khi đến đây, tôi chưa biết nhiều về văn chương Việt Nam cũng như thơ Việt nhưng sau khi tiếp xúc, tôi thấy rất đặc biệt. Tôi mong muốn sẽ chuyển tải được nhiều hơn nữa văn học Việt Nam tới công chúng Mỹ”. 

Còn với Giáo sư Joseph Duma, Khoa Xã hội & Nhân văn, Đại học Clarkson (Mỹ), người đã hợp tác cùng dịch giả Đào Kim Hoa dịch thơ của Hữu Thỉnh, Lò Ngân Sủn, đã thôi thúc ông đến với việc tìm hiểu văn thơ của đất nước Việt Nam để có một cảm nhận sâu sắc hơn về Việt Nam: Với nhiều người Mỹ, chúng tôi có một ký ức đau thương về cuộc chiến giữa hai dân tộc mà rất nhiều người trong chúng ta đã trải qua, và tôi muốn trở lại Việt Nam để cảm nhận được về cả những dấu ấn chiến tranh lẫn cuộc sống hoà bình và thơ ca chính là phương tiện giúp tôi làm điều đó.

Mỗi dịch giả nước ngoài đều có lý do riêng khi gắn bó và tâm huyết với văn thơ Việt Nam. Có người vì yêu mến đất nước, con người và lịch sử hào hùng của các thế hệ Việt Nam như anh Joseph Duma, có người vì ấn tượng với vẻ đẹp ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam như anh Peter hay chị Hilary wash.

Dù vì lý do gì thì họ thật đáng trân trọng bởi chính họ là những chiếc cầu nối đưa văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế./.

Kim Thoa - Mỹ Trà


(Theo VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất