Thứ Bảy, 26/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 19/5/2016 17:10'(GMT+7)

Sôi nổi, thiết thực các hoạt động kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh hùng văn hóa kiệt xuất" tại Bến Nhà Rồng. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh hùng văn hóa kiệt xuất" tại Bến Nhà Rồng. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Yên Bái: Địa chỉ đỏ giáo dục tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ 

Sinh thời, Bác Hồ đã dành tất cả tình thương yêu cho dân tộc ta. Người đã đi xa nhưng tình cảm với Bác luôn ở trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Để tưởng nhớ Người, đồng bào các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ vào năm 1982 (lúc đó thị xã Nghĩa Lộ là thị trấn thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Hoàng liên Sơn). Ban đầu Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Chấn xây dựng khu vườn cây, ao cá Bác Hồ với diện tích 2,8 ha, đi vào hoạt động từ ngày 3/9/1983. Sau đó, do nguyện vọng của đồng bào các dân tộc vì ở quá xa ít khi có điều kiện về thăm nhà sàn Bác ở Hà Nội nên đề nghị huyện cho làm thêm Nhà tưởng niệm giống như nhà sàn của Bác ở Hà Nội. 

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ là 1 trong 13 Chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh Việt Nam. Công trình được xây dựng với tinh thần tự nguyện cao độ, nơi có gỗ tốt thì góp gỗ, nơi có tre đẹp thì góp tre, cây quả, ngày công... và sau 14 tháng chuẩn bị, thi công, ngôi nhà sàn đã khánh thành. Ngôi nhà mô phỏng ngôi nhà sàn Bác Hồ ở trong Phủ Chủ tịch, cũng đơn sơ như bao ngôi nhà sàn của người Tày, người Thái vùng Tây Bắc. Nhà sàn nằm trong khuôn viên bốn mùa thơm hoa trái, trước nhà là ao cá mang hình bản đồ huyện Văn Chấn khi chưa tách thị xã Nghĩa Lộ. Gần bốn mươi năm qua, công trình luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và Bảo tàng Hồ Chí Minh tạo điều kiện về mọi mặt để tu bổ, tôn tạo, mở rộng, làm cho công trình ngày càng đẹp, xứng với tầm vóc của Người. 

Những ngày này, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ luôn tấp nập người đến thăm quan, tìm hiểu. Ban quản lý cũng mở cửa ngoài giờ cho các nhà trường tổ chức đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Người... Bà Hoàng Thị Vân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một địa chỉ thiêng liêng của nhân dân thị xã Nghĩa Lộ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Người dân Nghĩa Lộ tự hào vì đã xây dựng được khu tưởng niệm này. Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động tuyên truyền giáo dục việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Các tổ chức Đoàn, đoàn viên thanh niên, đội viên thiếu niên, nhi đồng cũng chọn nơi đây để tổ chức lễ kết nạp nhân dịp các ngày lễ lớn và tổ chức các hoạt động như thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về đất nước... Câu lạc bộ Văn học thị xã Nghĩa Lộ, Chi nhánh Thơ Việt Nam tại thị xã Nghĩa Lộ đã lựa chọn nơi đây để tổ chức các buổi sinh hoạt thường kỳ, giới thiệu tác phẩm mới và nhiều lần tổ chức đêm thơ giới thiệu các bài thơ hay của Bác, các bài thơ viết về Bác... 

Hội Người cao tuổi thị xã cũng chọn nơi đây làm để sinh hoạt thường kỳ. Các cụ đến xem các phim tư liệu về cuộc đời Bác, chiêm ngưỡng những bức ảnh mới trong bộ sưu tập về quá trình hoạt động cách mạng của lãnh tụ để cảm tác viết thành thơ. Hội viên Hội Người cao tuổi thị xã cũng lấy gương Bác Hồ học tập, phát huy trong phong trào “Người cao tuổi mẫu mực nêu gương sáng cho con cháu học tập và noi theo”... Sở hữu một công trình văn hóa tôn nghiêm, thiêng liêng và đầy ý nghĩa, cấp ủy, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị khai thác ý nghĩa và phát huy hiệu quả của công trình trong công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh trên địa bàn. 

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị xã Nghĩa Lộ hiện nay đã trở thành trung tâm tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức Bác Hồ; tuyên truyền chính sách, đường lối của Ðảng và Nhà nước cho người dân trong vùng. Ðây cũng là nơi hội tụ, giao lưu, kết nối, nâng cao chủ nghĩa yêu nước, nơi báo công với Bác về những thành tích đạt được trong công cuộc xây dựng quê hương, công cuộc đổi mới của người dân Yên Bái. Hiện nay, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị xã Nghĩa Lộ có ba bộ ảnh triển lãm: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”, “Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước”, “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc và Yên Bái”... Gần đây nhất, kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người, tại đây, địa phương đã tổ chức chương trình “Thị xã Nghĩa Lộ 40 mùa thu nhớ Bác”. Kính yêu Bác, học tập đạo đức sáng ngời của Bác, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị xã Nghĩa Lộ đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ địa phương và vùng Tây Bắc.

Nghệ An: Lễ dâng hương, báo công với Bác tại Khu Di tích Kim Liên 


Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2016), sáng 19/5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương, báo công với Bác tại Khu Di tích Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Tại Khu Di tích Kim Liên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã kính cẩn dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Thực hiện lời dặn của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, quyết tâm xây dựng Nghệ An ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm đưa địa phương trở thành tỉnh khá nhất miền Bắc như mong muốn của Bác đối với quê hương. Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên cho biết: Dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Nghệ An đã về Khu Di tích Kim Liên để dâng hương, dâng hoa, bày tỏ lòng thành kính đối với Bác Hồ kính yêu.

Đà Nẵng: Chú trọng chiều sâu, tạo lan tỏa trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 

Ngày 19/5, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên dương khen thưởng các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011- 2016. Dịp này, 3 tập thể, 7 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 30 tập thể và 34 cá nhân được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Phát huy những kết quả đạt được, các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị của thành phố Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và các phong trào thi đua yêu nước; đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành một nội dung quan trọng trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XXI Đảng bộ thành phố, Nghị quyết đại hội các cấp và trong triển khai nhiệm vụ chính trị năm 2016. Các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cần xác định việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW là công việc thường xuyên, từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy các cấp, đổi mới phương thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho phù hợp, có hiệu quả với từng địa phương, đơn vị.

Thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể của thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu, học tập các nội dung về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các chuyên đề của từng năm. Việc học tập chuyên đề được các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức nghiêm túc, có tác dụng giáo dục sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tấm gương đạo đức của Bác; đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sinh hoạt tại cơ quan, chi bộ với nhiều đổi mới theo hướng thiết thực. Việc đăng ký học tập và làm theo Bác sau các đợt sinh hoạt chuyên đề được chú trọng; nội dung đăng ký ngày càng phù hợp và thiết thực hơn. Nội dung sinh hoạt theo chủ đề mỗi năm và từng quý được bộ phận giúp việc Ban Thường vụ Thành ủy hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ, sát với thực tế.

Theo đó, mỗi địa phương, đơn vị đã xác định những vấn đề nổi cộm, bức xúc để tập trung giải quyết, chấn chỉnh kịp thời trên nhiều lĩnh vực như: Công tác quy hoạch, giải tỏa đền bù, bố trí đất tái định cư; quản lý chung cư; quản lý thị trường; quản lý các đối tượng xã hội, giải quyết việc làm… Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo toàn diện trên các mặt về phẩm chất đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ý thức phục vụ nhân dân; tinh thần trách nhiệm trên lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

Qua việc thực hiện Chỉ thị số 03, nhiều phong trào, mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các địa phương, đơn vị tiếp tục được duy trì và phát huy, mang lại hiệu quả tích cực. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, xây dựng Quỹ khuyến học, ủng hộ đồng bào những nơi thiên tai… được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở quan tâm thực hiện.

Thành phố Hồ Chí Minh: Dâng hương kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
  
 
Nhân dịp kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 19/5, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.    
 
Trong không khí trang nghiêm, đoàn lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, các lực lượng vũ trang thành phố do đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Thành phố dẫn đầu đã thành kính dâng hương, dâng hoa trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thể hiện truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.   
 
Kính cẩn dâng lên những nén hương thơm, các thành viên trong đoàn đã bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ sâu sắc công lao to lớn mà lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.  Sau lễ dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tham quan trưng bày hiện vật, triển lãm chuyên đề "Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa kiệt xuất".   
 
340.000 lượt thí sinh dự thi “ Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 


Nhân kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1 89 0 - 19/5/2016), ngày 19/5, tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao giải cuộc thi “ Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi dự và trao giải cho các thí sinh. 

Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ tổ chức. Nội dung các câu hỏi trong cuộc thi xoay quanh kiến thức về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ, nội dung cơ bản trong Di chúc của Người, những tấm gương học sinh, sinh viên tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cuộc thi cũng đưa ra những câu hỏi liên quan đến kiến thức về biển, đảo và chiến lược biển của Việt Nam; Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố chung của 10 nước ASEAN đã ký kết với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông... 

Cuộc thi được tổ chức theo 3 vòng, trong đó có 2 vòng thi trắc nghiệm và 1 vòng thi tự luận. Ban tổ chức cuộc thi đã trao 124 giải cho các thí sinh xuất sắc, trong đó ở vòng thi trắc nghiệm 1, giải nhất được trao cho thí sinh Nguyễn Thị Kim Xuyến (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); giải nhất vòng thi trắc nghiệm 2 thuộc về thí sinh Phạm Thị Len (Công ty Du lịch Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Ban tổ chức cũng trao các giải nhì, ba và khuyến khích cho các thí sinh có phần thi xuất sắc. Sau khi kết thúc 3 vòng thi vào ngày 27/5 , Ban tổ chức sẽ chọn ra 36 thí sinh xuất sắc nhất tham dự vòng Chung kết xếp hạng cá nhân toàn quốc. 

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Cuộc thi là cơ hội để đoàn viên, thanh niên Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở trong và ngoài nước nâng cao hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu sâu sắc giá trị trong Di chúc của Người, tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam... Qua đó, thúc đẩy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Được phát động từ ngày 29/3 tại Hà Nội và 5 điểm cầu trong cả nước, cuộc thi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ thu hút đông đảo các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia mà còn nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, trường học trong cả nước và thanh niên Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại 27 quốc gia. Đến nay, đã có 340.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi, số lượng thí sinh tham gia dự thi năm nay gấp 4 lần so với cuộc thi lần thứ hai năm 2015, gấp 10 lần so với cuộc thi lần thứ nhất năm 2013. 

Nhân dịp này, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng tổ chức triển lãm ảnh “Bác Hồ với thanh niên Việt Nam” trưng bày các hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương tại Bến Nhà Rồng./. 

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất