Thứ Bảy, 28/9/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 24/7/2010 16:44'(GMT+7)

Sông Gioócđan dần biến mất do sự khai thác quá mức

Sông Jocdan

Sông Jocdan

 Sông Gioócđan sẽ dần chết trong sự vô tâm chung, đặc biệt của 3 nước – Ixraen, Gioócđani, Xyri – họ đã khai thác quá mức và gây ô nhiễm mà không quan tâm đến tương lai, tức những nguy cơ thuỷ lợi, sinh thái và chiến lược liên quan.

Tháng 5/2010, tổ chức Những người bạn của trái đất đã công bố một bản báo cáo cùng những lời khuyên nghiêm túc để các nước có những hành động ngay lập tức. Tháng 3 tại Amman, Bộ trưởng Tài nguyên nước và Thuỷ lợi Gioócđani Mohammad Najjar đã khẳng định rằng việc chia sẻ nguồn nước sông Gioócđan theo hiệp định hoà bình Ixraen – Gioócđani năm 1994 được tôn trọng. Theo đó, Gioócđani nhận được từ Ixraen 20 triệu m3 nước/năm và Ixraen giữ lại một lượng tương tự.

Con số này hiếm khi đạt được. Từ núi Hermon (Xyri – Li Băng), nơi dòng sông bắt nguồn đến tận biển Chết, dòng sông này trải dài trên 360 km song giảm xuống còn 217 km từ hồ Tibériade tới biển Chết. Chính tại phía Nam của hồ Tibériade, nhờ có đập Degania mà Ixraen có thể điều tiết lưu lượng nước để tưới tiêu cho thung lũng Gioócđan. Trong những năm 1930, trước khi xây công trình này cũng những các đập khác của Xyri và Gioócđani tại Yarmouk, nhánh chính của sông Gioócđan, lưu lượng nước của sông Gioócđan đạt 1,3 tỷ m3/năm. Ngày nay, lưu lượng không vượt quá từ 20-30 triệu m3.

Lý do làm cạn kiệt nguồn nước lịch sử này được giải thích thật đơn giản: 98% lưu lượng nước của sông đã được Ixraen, Xyri và Gioócđani sử dụng cho các nhu cầu trong nước và nông nghiệp với những tỷ lệ bất cân bằng. Theo báo cáo của tổ chức Những người bạn của trái đất, Ixraen sử dụng 46,4%, Xyri sử dụng 25,2%, Gioócđani sử dụng 23,2%, các vùng lãnh thổ của Palextin sử dụng 5% bởi người dân không được tiếp cận trực tiếp nguồn nước.

Sự thiếu nước gây ra những hậu quả gia tăng. Trước tiên là sinh thái bởi thiếu nước làm sáo trộn hệ sinh thái: một nửa sự đa dạng sinh thái đã biến mất do lưu lượng nước sông thấp kỷ lục và độ mặn tăng. Sự hiện diện của những chú rái cá giờ chỉ còn là tương lai xa vời và một phần lớn trong số hàng triệu con chim hàng năm di trú về đây đã trở nên khan hiếm.

Tiếp theo đó là hậu quả về môi trường bởi ô nhiễm hữu cơ đang hiện hữu với tỷ lệ cao. Khoảng 350.000 người sống ven sông thường xuyên xả nước thải xuống sông. Trước mắt, vấn đề ô nhiễm, đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực hạ nguồn, sẽ có thể được khắc phục nhờ vào các nhà máy lọc nước mới được Ixraen và Gioócđani xây dựng. Nhưng thách thức lớn nhất là việc con sông đang dần trở nên khô cạn.

Nghiên cứu của tổ chức Những người bạn của trái đất nhấn mạnh rằng hạ nguồn sông Gioócđan đang cần tối thiểu 400 triệu m3 nước bổ sung/năm để hệ sinh thái của con sông này lấy lại một sự cần bằng nhất định.

Điều quan trọng là làm thế nào để cung cấp nước cho sông Gioócđan. Sự chia sẻ nỗ lực giữa 3 nước trên, đang không ngừng xây các đập nước để chiếm dụng nguồn nước, là điều rõ ràng: Ixraen cần phải bỏ ra 220 triệu m3, Xyri 100 triệu m3 và Gioócđani 90 triệu m3. Những con số trên chỉ mang tính lý thuyết: nếu Ixraen phải “trả” 220 triệu m3 nước cho sông Gioócđan, điều này làm cho Ixraen phải bỏ ra một lượng nước cao hơn gấp 20 lần lượng nước mà nước này tích trữ được mỗi năm để tái sinh các nguồn cung cấp nước của mình. Giải pháp là rõ ràng: cứu sông Gioócđan có nghĩa là rót một lượng lớn nước ngọt từ bên trong lãnh thổ. Bản báo cáo của tổ chức Những người bạn của trái đất khẳng định rằng với việc quản lý tốt nguồn nước, Ixraen có thể tiết kiệm khoảng 517 triệu m3 nước ngọt/năm và Gioócđani là 305 triệu m3/năm.

Một sự xích lại gần nhau giữa các nước trong khu vực và một thiện chí chính trị cao là rất cần thiết. Việc tiếp tục các chính sách sử dụng nước riêng biệt của từng nước trước tiên dường như là sự trốn tránh. Dù muốn hay không, Ixraen, Xyri, Gioócđani và Palextin có chung một số phận, trong đó việc giải cứu dòng sông mang lại một sự thịnh vượng cho khu vực./.

  • Quỳnh Phụ Theo báo LEMONDE.fr (Bài dịch)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất