Thứ Tư, 2/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 29/7/2012 11:20'(GMT+7)

Sóng ngầm vùng Vịnh

 Mặc dù chưa rõ nội dung của hội nghị  Hồi giáo bất thường ra sao, nhưng dư luận khu vực đã có những phản ứng khác nhau đối với lời kêu gọi  của  A-rập Xê-út. Có ý kiến cho rằng, chỉ với việc các nhà lãnh đạo các nước Hồi giáo ngồi với nhau để bàn thảo biện pháp đối phó tình hình căng thẳng hiện nay đã là tốt rồi. Bởi lẽ, những biến động ở khu vực Trung Ðông và Bắc Phi, nơi sinh sống của rất nhiều người theo đạo Hồi, đang diễn biến vô cùng nóng bỏng và phức tạp. Hiệu ứng của "Mùa xuân A-rập" đã và đang làm thay đổi và chao đảo đời sống chính trị và xã hội nhiều nước Hồi giáo. Chính trường tại một số nước được cho là trụ cột của khối A-rập không ổn định và khó lường.  Sự can thiệp dưới nhiều hình thức và cấp độ từ bên ngoài vào khu vực này ngày càng gia tăng. Nội bộ các nước A-rập chia rẽ.

Trong khi đó, có những ý kiến tỏ ra nghi ngại. Họ cho rằng, lời kêu gọi  nêu trên được đưa ra trong bối cảnh  Xy-ri và I-ran là hai quốc gia Hồi giáo lớn và được coi là "ngọn cờ" giải phóng, độc lập dân tộc và tiến bộ đang phải chống trả quyết liệt với chính sách thù địch của phương Tây. Cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội tại  Xy-ri đang ở thời điểm nguy hiểm. Phe đối lập được phương Tây và đồng minh ở khu vực ủng hộ và tiếp sức cả về chính trị, tài chính và vũ khí trong cuộc chiến nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Ba-sa An Át-xát. Bản thân nhà cầm quyền A-rập Xê-út và một số quốc gia khác do người Hồi giáo dòng Xun-nít lãnh đạo và giàu dầu mỏ trong vùng Vịnh đã liên tục lên tiếng ủng hộ lực lượng nổi dậy chống chế độ Át-xát.

Tình hình I-ran tuy không "bùng nổ" như ở Xy-ri, song cũng vô cùng căng thẳng. Cho rằng Tê-hê-ran triển khai chương trình hạt nhân là để sản xuất vũ khi hạt nhân, các nước phương Tây đang vào hùa với nhau siết các biện pháp trừng phạt, bao vây cấm vận, o ép và đe dọa lật đổ chính quyền của Tổng thống A-ma-đi-nê-giát. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trong chuyến thăm I-xra-en mới đây công khai nói rằng, Mỹ sẽ sử dụng "tất cả các yếu tố sức mạnh để ngăn chặn I-ran phát triển vũ khí hạt nhân". Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh,  Mỹ và I-xra-en cần cùng suy nghĩ và hành động để ứng phó với những thay đổi mạnh mẽ và "không chắc chắn" đang diễn ra ở khu vực Trung Ðông. Thực tế, mới đây, nhà cầm quyền Mỹ đưa thêm đến vịnh Péc-xích tàu chiến, kể cả tàu sân bay và tàu lặn Cáo Biển quét thủy lôi, lắp đặt thêm hệ thống ra-đa hiện đại và tiến hành các cuộc tập trận, khuấy động  bầu không khí căng thẳng tại  Trung Ðông và vùng Vịnh. Hôm 16-7 vừa rồi, tàu Hải quân Mỹ nã súng vào một tàu đánh cá ở vùng biển Ðu-bai của Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), làm một ngư dân chết và ba người khác bị thương. Ðồng minh của Mỹ ở khu vực còn tuyên bố "tiến công các cơ sở hạt nhân của I-ran".

Chính quyền Xy-ri và I-ran đã và đang tỏ rõ ý chí quyết không chịu khuất phục trước sức ép của kẻ thù, tiếp tục có những biện pháp bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc và sự lựa chọn con đường phát triển của mình. Ngày 23-7, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran A. Xa-lê-hi  một lần nữa khẳng khái tuyên bố: I-ran đã chuẩn bị các kế hoạch đối phó mọi tình huống có thể xảy ra; rằng "I-ran sẽ không đầu hàng trước sức ép trừng phạt của phương Tây". Nhà cầm quyền Tê-hê-ran cũng cảnh báo rằng, I-ran sẽ đóng cửa hoàn toàn eo biển  Hoóc-mút ở Vịnh Péc-xích, tuyến đường biển  trung chuyển tới 17 triệu thùng dầu mỗi ngày, nếu Mỹ và các nước đồng minh phương Tây siết chặt trừng phạt chống I-ran.

Sau sự kiện ở Li-bi, phải chăng các nước phương Tây và đồng minh ở khu vực đang triển khai một "cuộc chiến mới" ở Xy-ri và I-ran (?!). Chính dư luận Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về mưu đồ can thiệp này. Bà Pa-tri-xi-a đê Gien-na-rô, giáo sư chính trị Trường đại học Niu Oóc nhận xét,  việc Mỹ đưa thêm nhiều tàu chiến đến vùng Vịnh "là một cuộc chơi nguy hiểm" và sẽ "châm ngòi cho một số sai lầm" mới, vì I-ran càng cảm thấy bị đe dọa. Biến động ở Xy-ri và I-ran sẽ làm đảo lộn cả khu vực Trung Ðông và thế giới Hồi giáo.

Nguồn: Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất