Thứ Ba, 26/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 19/8/2016 9:30'(GMT+7)

Sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới


Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, diễn biến sốt xuất huyết ở Việt Nam từ năm 1985 đến nay đã giảm dần về số ca mắc và trường hợp tử vong. Độ nặng của các ca bệnh cũng giảm dần từ 17% (năm 2000), đến nay còn 5%.

Bên cạnh đó, chu kỳ tăng của dịch sốt xuất huyết lặp lại khoảng 10 năm và có khả năng đến năm 2018, dịch sốt xuất huyết lại bắt đầu một chu kỳ mới.

Những năm trước tỷ lệ các ca mắc sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam chiếm 80 – 90% so với cả nước. Từ năm 2013 – 2016, nhờ những biện pháp phòng chống hiệu quả nên tỷ lệ mắc sốt xuất huyết khu vực phía Nam giảm (chỉ còn chiếm 50-60% so với cả nước). Tính đến thời điểm này, khu vực phía Nam có 20.017 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 11 trường hợp tử vong. Độ tuổi người mắc sốt xuất huyết cũng tăng dần lên nhưng không đồng đều, tập trung ở miền Đông Nam Bộ và một số khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước… Dịch sốt xuất huyết xảy ra ở mỗi tỉnh với những nguyên nhân khác nhau.

Năm 2016, mùa mưa đến sớm ở Tây Nguyên. Đàn muỗi từ năm 2015 chứa mầm bệnh sốt xuất huyết không bị triệt tiêu nên đã bùng phát dịch sốt xuất huyết ở khu vực này.

Cũng theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Phan Trọng Lân, ở nước ta, trước đây dịch sốt xuất huyết rải đều từ tháng 5 đến tháng 11. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây do thời tiết thay đổi bất thường nên dịch sốt xuất huyết xảy ra muộn và đỉnh dịch từ các tháng 9-11. Năm 2016, điểm dịch có thể xảy ra ở 3 nơi là Bình Phước, Bến Tre và Lâm Đồng.

Đối với tỉnh Bến Tre, theo Bác sỹ Nguyễn Kim Hồng, Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre, từ đầu năm 2016 đến nay toàn tỉnh có 1.401 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2015. Các huyện đang có số ca mắc sốt xuất huyết là: Bình Đại, Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam. Hiện nay, hoạt động giám sát và chống dịch đang được thực hiện tích cực nhằm hạn chế sự lan rộng của dịch.

Thảo luận về giải pháp phòng chống dịch, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân cho rằng, để phòng chống dịch sốt xuất huyết có rất nhiều biện pháp như: diệt loăng quăng bằng cách thay nước trong bể chứa 7 ngày/lần, đậy nắp bể chứa nước, phun hóa chất... Tuy nhiên, điều quan trọng là các cấp chính quyền cần có giải pháp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng cách đưa chương trình phòng chống sốt xuất huyết vào chương trình nông thôn mới, nếp sống văn hóa; vào trường học để dạy các học sinh phòng chống dịch một cách chủ động hơn.

Hiện nay, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu vắc-xin ngăn ngừa sốt xuất huyết nhằm giảm nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết. Dự kiến tháng 9/2017 vắc-xin ngừa sốt xuất huyết sẽ được đưa vào lưu hành ở nước ta./.

Thu Hiền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất