Thứ Hai, 7/10/2024
Thế giới
Thứ Hai, 9/4/2012 12:13'(GMT+7)

Sự can dự khó lường

Sự quan tâm và can dự ngày càng tăng của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng gây nhiều vấn đề tranh cãi.

Không thể nghi ngờ việc châu Á-Thái Bình Dương đang đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Đây là khu vực tập hợp các nền kinh tế chiếm tới 54% tổng GDP toàn cầu và 40% tổng thương mại quốc tế. Trước đây, nhiều nước châu Á ở Thái Bình Dương từng thuộc thế giới thứ ba, nhưng những quốc gia này nay lại là những nơi có mức sống thuộc nhóm cao nhất thế giới. Người ta đã không ngần ngại dự đoán rằng, đến năm 2015, Đông Á sẽ đạt và vượt mục tiêu kế hoạch phát triển thiên niên kỷ, tức là giảm một nửa mức dân số nghèo so với năm 1990.

Bên cạnh đó, nằm trong châu Á-Thái Bình Dương còn có một vùng biển mang tầm vóc chiến lược lớn - Biển Đông. Vùng biển này nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, châu Á-châu Âu, Trung Đông-châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại qua Biển Đông, trong đó khoảng 50% là tàu có trọng tải hơn 5000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới được thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. 

ASEAN với vai trò trung tâm trong khu vực đã tạo động lực xác lập tính mở của châu Á-Thái Bình Dương. Chính thái độ hoan nghênh sự can dự của các nước vì ổn định và phồn thịnh lại càng củng cố vị trí tiên phong trong phát triển của châu Á-Thái Bình Dương. Việc mở rộng Cấp cao Đông Á và ở mức thấp hơn một chút là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) là những minh chứng rõ nét về tính mở và dung nạp của khu vực.

Với tất cả những lợi thế của mình, châu Á-Thái Bình Dương được xác định là tương lai của thế giới trong thế kỷ 21. Bởi vậy, việc các nước lớn can dự vào khu vực này là điều tất yếu. Ấn Độ đang đẩy mạnh chính sách "Hướng Đông". Nga đã lên tiếng khẳng định là một phần không thể tách rời của châu Á-Thái Bình Dương và  cam kết sẽ làm hết mình để củng cố vai trò "tiền đồn trong tăng trưởng toàn cầu" của khu vực. Trong khi đó, Ca-na-đa, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng hối hả thúc đẩy việc ký kết Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) với ASEAN nhằm đặt chân tới khu vực.

Vì lợi ích quốc gia, Mỹ cũng coi châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên chiến lược. Oa-sinh-tơn tuyên bố quay trở lại khu vực này sau nhiều năm đắm chìm trong cuộc chiến chống khủng bố với trọng tâm là Trung Đông. Theo định hướng này, Oa-sinh-tơn nhanh chóng triển khai chiến lược mới của mình như tích cực tham gia các cấu trúc khu vực và củng cố quan hệ với các nước đồng minh vốn có. Tuy nhiên, những bước đi gần đây của nước Mỹ lại gây ra những nghi ngại cho nhiều nước trong khu vực. Dù từ Tổng thống B.Ô-ba-ma, Bộ trưởng Ngoại giao H.Clin-tơn tới Bộ trưởng Quốc phòng L.Pa-nét-ta đều tuyên bố, Mỹ sẽ đóng góp vào hòa bình và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương, song thật khó lý giải việc Oa-sinh-tơn lên kế hoạch và triển khai binh sĩ, máy bay không người lái, tàu ngầm tấn công ở Ô-xtrây-li-a, cử chiến hạm tham gia tập trận ở Xin-ga-po, thậm chí còn mong muốn lập “Lá chắn tên lửa” ở châu Á.

Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, những động thái này dường như nhằm áp đặt ý chí dựa trên sức mạnh hơn là nỗ lực đóng góp vào ổn định và thịnh vượng cho khu vực. Điều này càng đáng âu lo hơn trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn tiềm ẩn những phức tạp khi một số nước lớn, nước giàu và thậm chí cả nước nghèo, nước nhỏ tăng cường tiềm lực quân sự một cách mạnh mẽ. Hệ lụy nào từ cuộc chạy đua “mua gươm, sắm súng” này tới nay chưa thể phân định rõ ràng. Không chỉ vậy, thật khó nói trước điều gì sẽ xảy ra nếu những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ không được xử lý ổn thỏa bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, với sự tham gia tích cực của các bên liên quan.

Việc các cường quốc ngày một gắn kết với khu vực châu Á- Thái Bình Dương là sự vận động tất yếu theo chiều hướng phát triển của thời cuộc. Tính toán như thế nào là quyền của mỗi quốc gia, song tôn trọng lợi ích hợp pháp của mọi bên có lẽ là hướng đi duy nhất đúng đối với tương lai gắn kết của châu Á-Thái Bình Dương. Thật khó có thể hoan nghênh bất cứ sự can dự nào mà theo đó, chiến thuyền đông hơn thương thuyền./.

(Theo: Bảo Trung/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất