Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 3/7/2009 21:51'(GMT+7)

Sự kiện thế giới tuần qua

Mừng "ngày chủ quyền quốc gia" tại Iraq

Mừng "ngày chủ quyền quốc gia" tại Iraq

CHDCND Triều Tiên phóng một loạt tên lửa tầm ngắn

Ngày 2/7, CHDCND Triều Tiên đã phóng liên tiếp 4 tên lửa tầm ngắn từ một căn cứ ở Sinsang-ri, gần thành phố Wonsan ở bờ biển miền Đông Triều Tiên. Hãng tin Yonhap dẫn lời giới chức quân sự Hàn Quốc cho biết những tên lửa trên "dường như là tên lửa đất đối hạm", được phóng tới vùng biển Nhật Bản trong khoảng thời gian từ 19h20' - 21h20' (giờ địa phương). Theo một số quan chức giấu tên, những quả tên lửa này đã rơi cách bờ biển khoảng 100 km, xuống vùng biển mà Triều Tiên đã cấm tàu thuyền hoạt động từ 1-11/7 để tập trận. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác nhận 3 vụ phóng tên lửa tầm ngắn đầu tiên trong ngày 2/7, song chưa xác nhận vụ phóng thứ 4.

Động thái trên của Bình Nhưỡng khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng căng thẳng hơn. Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ, Đại sứ Uganda Ruhakana Rugunda ngày 2/7 cho biết HĐBA "lo ngại trước thông tin Triều Tiên phóng thêm tên lửa". Trong khi đó, Mỹ tuyên bố các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động "bất lợi, nguy hiểm" và "mang tính khiêu khích".Nhật Bản và một số nước phương Tây cũng gọi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "hành động khiêu khích". Theo giới phân tích, các vụ phóng này rất có thể là động thái dọn đường cho một vụ thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên.

Đại sứ Nhật Bản được bầu làm Tổng Giám đốc IAEA

Trong cuộc bỏ phiếu kín tại trụ sở ở Vienna (Áo) ngày 2/7, Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã bầu Đại sứ Nhật Bản tại IAEA Yukiya Amano làm Tổng Giám đốc mới của cơ quan này. Ông Amano đã giành thắng lợi với 2/3 số phiếu ủng hộ của Ban Giám đốc IAEA gồm đại diện 35 nước thành viên, đánh bại ứng cử viên khác là đại sứ Nam Phi Abdul Samad Minty. Với kết quả này, ông Amano sẽ kế nhiệm Tổng Giám đốc Mohamed ElBaradei mãn nhiệm vào tháng 11/2009 sau 12 năm đảm đương trọng trách này.

Kết quả trên cũng chấm dứt tiến trình bầu chọn người đứng đầu IAEA kéo dài nhiều tháng qua, khi Ban Giám đốc IAEA phải "vất vả" tiến hành nhiều cuộc bỏ phiếu do không có ứng cử viên nào giành được tối thiểu 2/3 số phiếu bầu theo quy định. Trong những cuộc bỏ phiếu đó, đại sứ Amano luôn là người giành được số phiếu ủng hộ cao nhất so với các ứng cử viên của Nam Phi và Tây Ban Nha.

Mỹ rút quân khỏi các thành phố của Iraq

Quân đội Mỹ đã rút khỏi các thành phố và thị trấn chính của Iraq ngày 30/6 theo thoả thuận an ninh đạt được giữa hai bên cuối năm ngoái. Các lực lượng an ninh Iraq đã chính thức đảm nhận công tác an ninh ở các thành phố. Đối với người dân Iraq, ngày 30/6 là "Ngày chủ quyền quốc gia", đánh dấu mốc quan trọng tiến tới chấm dứt sự chiếm đóng kéo dài 6 năm của quân đội Mỹ trên đất nước họ.

Thử thách đặt ra đối với chính quyền Iraq trước mắt là khả năng đảm bảo an ninh trong những tháng tới. Hàng loạt vụ đánh bom lớn đã xảy ra những ngày gần đây. Bộ Y tế Iraq cho biết trong tháng 6, ít nhất 437 người thiệt mạng trong hàng loạt vụ bạo lực ở nước này. Đây là tháng đẫm máu nhất kể từ đầu năm đến nay tại Iraq, với số người thiệt mạng cao gấp đôi so với những tháng trước đó. Ngay trong "Ngày chủ quyền quốc gia, ít nhất 27 người đã thiệt mạng và 80 người khác bị thương trong một vụ đánh bom xe tại thành phố Kirkurk ở miền Bắc Iraq. Nhiều người Iraq lo ngại việc binh sỹ Mỹ rút khỏi các thị trấn và thành phố để về đóng tại các căn cứ ở nông thôn, bước đi đầu tiên hướng tới việc Mỹ rút hoàn toàn khỏi Iraq vào cuối năm 2011, sẽ khiến những địa bàn này dễ bị tấn công.

Tai nạn máy bay của hãng hàng không Yemenia Air

Một tháng sau vụ tai nạn máy bay Airbus A330-200 của Hãng hàng không Pháp Air France làm 228 người thiệt mạng, ngày 30/6, ngành hàng không thế giới lại phải hứng chịu một vụ tai nạn mới, khi chiếc máy bay chở khách Airbus 310-300 của hãng hàng không Yemenia Air bị rơi ở khu vực Ấn Độ Dương, gần quần đảo Comoros. Trong số 142 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn, chỉ có duy nhất một bé gái 14 tuổi người Pháp gốc Comoros sống sót.

Chiếc A310-300 cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle ở Paris (Pháp) ngày 29/6 trong hành trình đến Sana'a (Yemen) trước khi hạ cánh ở thủ đô Moroni của Comoros vào 23h GMT. Phần lớn hành khách trên máy bay là người Comoros. Máy bay gặp nạn 15 phút trước khi hạ cánh xuống sân bay ở Moroni. Vụ tai nạn này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của ngành hàng không sau khi ngành này hứng chịu liên tiếp những vụ tai nạn thảm khốc trong thời gian gần đây.

"Siêu lừa" Madoff bị kết án 150 năm tù

Ngày 29/6, Thẩm phán Tòa án liên bang Mỹ Denny Chin đã tuyên phạt mức án cao nhất là 150 năm tù giam đối với chuyên gia tài chính Bernard Madoff, 71 tuổi, cựu Chủ tịch Sàn chứng khoán Nasdaq, Mỹ. Thẩm phán Chin nêu rõ "những tội của Madoff là cực kỳ xấu xa về mặt đạo đức và mánh khóe của hệ thống lừa đảo do ông ta đứng đầu là tội ác không đổ máu nhưng gây thiệt hại nặng nề". Tuần trước, Thẩm phán Chin cũng đã ký lệnh đòi Madoff bồi thường sơ bộ 171 tỷ USD, buộc ông ta phải từ bỏ mọi lợi ích đối với toàn bộ tài sản của mình.

Trước đó, trong phiên tòa ngày 12/3 tại tòa án New York, "siêu lừa" Madoff đã nhận tội lừa đảo hàng nghìn khách hàng trong suốt hơn hai thập niên với hình thức huy động vốn đa cấp "Ponzi" - trả lãi cho nhà đầu tư trước bằng tiền huy động của nhà đầu tư sau. Theo cáo trạng, thành tích lừa đảo của Madoff lên đến mức kỷ lục với khoảng 65 tỷ USD trong hơn 20 năm tung hoành trên thị trường tài chính. Đằng sau số tiền khổng lồ này là hàng nghìn gia đình bị sạt nghiệp. Nhiều người đã tự tử, hàng chục hiệp hội thiện nguyện bị mất tiền, làm nhiều hoạt động từ thiện bị đình chỉ. Các công tố viên Mỹ thừa nhận đây là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử Phố Wall.

Hội đồng Giám hộ Iran xác nhận chiến thắng của Tổng thống Ahmadinejad

Ngày 29/6, Hội đồng Giám hộ, cơ quan giám sát bầu cử Iran, đã công bố kết quả kiểm lại ngẫu nhiên 10% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 12/6, theo đó xác nhận chiến thắng của đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Người đứng đầu Hội đồng Giám hộ, Đại Giáo chủ Ahmad Janati cho biết sau một cuộc điều tra toàn diện và kĩ lưỡng về các khiếu nại, kết quả cuộc bầu cử tổng thống đã được xác nhận. Ông Janati khẳng định không có sự vi phạm hay gian lận nào theo như phần lớn các khiếu nại, mà chỉ có một vài bất thường nhỏ và không quan trọng.

Tuy nhiên, ứng cử viên thất cử, cựu Thủ tướng Hossein Mousavi ngày 1/7 tuyên bố coi chính phủ mới của Tổng thống Ahmadinejad là "bất hợp pháp". Ông Mousavi một lần nữa yêu bầu tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống và cho biết sẽ thúc đẩy thành lập một tổ chức chính trị mới để bảo vệ quyền công dân. Một ứng cử viên thất cử khác, cựu Chủ tịch Quốc hội Mehdi Karoubi, cũng tuyên bố không công nhận chính phủ của Tổng thống Ahmadinejad. Theo giới phân tích, dù còn căng thẳng xung quanh kết quả bầu cử, nhưng tình hình Iran sẽ dần lắng dịu dưới sự lãnh đạo của chế độ thần quyền do lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei đứng đầu.

Tổng thống Honduras bị lật đổ

Tình hình Hondura đột ngột diễn biến theo chiều hướng xấu sau khi quân đội nước này tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Manuel Zelaya ngày 28/6 với lý do ông Zelaya có "hành vi sai trái rõ ràng" và "vi phạm liên tiếp hiến pháp và pháp luật, coi thường mệnh lệnh và phán quyết của các thể chế". Đảo chính diễn ra sau khi Tổng thống Zelaya cách chức Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, Tướng Romeo Vasquez do ông này từ chối giúp tổng thống tổ chức trưng cầu ý dân không chính thức về việc cho phép các tổng thống giữ chức vụ thêm một nhiệm kỳ, thay vì chỉ một nhiệm kỳ như qui định hiện hành.

Vụ việc khiến tình hình Honduras trở nên hỗn loạn. Bạo lực bùng phát dữ dội tại thủ đô Tegucigalpa do xô xát giữa những người biểu tình ủng hộ ông Zelaya và cảnh sát. Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên án vụ đảo chính, đồng thời kêu gọi chính quyền lâm thời Honduras được dựng lên sau đảo chính nhanh chóng phục chức cho Tổng thống bị phế truất Zelaya. Theo các nhà ngoại giao, bầu cử sớm có thể là một giải pháp khả thi giúp Honduras sớm ổn định tình hình trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối tiếp tục lan rộng, viện trợ nước ngoài bị phong tỏa và nhiều nước rút đại sứ tại Honduras về nước.

Lebanon có Thủ tướng mới

Ngày 27/6, ông Saad Hariri, con trai cố Thủ tướng Rafik Hariri, đã được Quốc hội Lebanon bầu làm Thủ tướng nước này. Ông Saad Hariri là thủ lĩnh Phong trào Tương lai (Mustakbal) - chính đảng chủ chốt trong Liên minh đa số thân phương Tây mang tên "14 tháng 3", vừa về nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Lebanon ngày 7/6 vừa qua. Ông Saad Hariri đã có cuộc gặp quan trọng với thủ lĩnh phong trào vũ trang Hezbollah Hassan Nasrallah đứng đầu phe đối lập Lebanon để bàn khả năng thành lập chính phủ mới. Cuộc gặp kéo dài gần 4 giờ và đạt được thành công "ngoài mong đợi", theo đó Hezbollah đã đồng ý tham gia chính phủ mới. Ngoài ra, phong trào Hezbollah còn ra tuyên bố chung với "Mustakbal", kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị ở Lebanon cùng nhượng bộ, tránh đối đầu để giảm bớt căng thẳng trong nước.

Giới phân tích nhận định một trong những thách thức lớn nhất đối với ông Saad Hariri là việc lực lượng đối lập do Hezbollah đứng đầu yêu cầu được trao quyền phủ quyết đối với các vấn đề quan trọng của chính phủ. Ngoài ra, quan hệ với nước láng giềng Syria cũng là một trở ngại không nhỏ đối với ông Saad Hariri trong bối cảnh làn sóng phản đối Syria vẫn tiếp diễn tại Lebanon kể từ sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri cuối năm 2005./.


Hà Lan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất