Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 11/4/2010 21:8'(GMT+7)

Trao đổi việc giảng dạy bài ”Khái quát Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”

Chính những suy nghĩ và nhận thức chưa đầy đủ trên đã làm giảm ý nghĩa cũng như mục đích của việc giảng dạy và học tập bài này. Đây là những nhận thức giản đơn, chưa đúng, cần khắc phục. Để góp phần thống nhất và nâng cao nhận thức, thực hiện tốt bài “Khái quát lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, chúng tôi xin có mấy ý kiến sau:

1- Sự cần thiết của bài “Khái quát Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” trong chương trình bồi dưỡng cho quần chúng ưu tú có nguyện vọng phấn đấu gia nhập Đảng.

Trước hết, cần nắm vững mục đích, yêu cầu của chương trình là nhằm giúp học viên nâng cao nhận thức về Đảng, có những hiểu biết, tự hào về những thành tựu và truyền thống của Đảng, từ đó nâng cao niềm tin, có những cố gắng trong hoạt động thực tiễn với những kết quả cụ thể góp phần thực hiện đường lối đổi mới hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi bài trong chương trình đều có mục đích yêu cầu cụ thể riêng, nhưng tất cả đều phục vụ yêu cầu chung là nâng cao nhận thức, có những hiểu biết, tin tưởng tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh - đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, một tổ chức cách mạng mà mỗi người đang phấn đấu gia nhập và gắn bó suốt đời. Vì vậy, bài “Khái quát Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” có vị trí, ý nghĩa quan trọng đặc biệt.

Hai là, Trên thực tế, trình độ học vấn của học viên đã được nâng cao (nhất là ở cơ quan, các thành phố và các bộ ban ngành ở trung ương…), phần lớn có trình độ đại học, cao đẳng nên đã có những hiểu biết ít, nhiều về nội dung bài giảng “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”. Nhưng như vậy không có nghĩa là họ đã hiểu sâu và nắm chắc vấn đề. Bởi lẽ theo quy luật của nhận thức, kiến thức sẽ quên dần theo thời gian, hơn nữa những kiến thức đó được tiếp nhận khi còn là học sinh, sinh viên với một trạng thái tâm lý khác, còn hiện nay học và tiếp nhận kiến thức ở trong một tâm thế khác hoàn toàn về chất. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, chương trình được xây dựng cho đông đảo quần chúng ưu tú có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, dựa trên trình độ nhận thức chung của số đông học viên để xây dựng chương trình, căn cứ vào đó để thiết kế chương trình và biên soạn tài liệu. Đây là đặc điểm, là yếu tố mà người dạy cần quan tâm nắm vững, có sự chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt khi thực hiện bài giảng, đáp ứng yêu cầu của chương trình và của người học.

Ba là, khoa học lịch sử nói chung cũng như lịch sử Đảng nói riêng luôn có sự bổ sung phát triển theo thời gian với những kết quả nghiên cứu mới, do vậy cả người học và người dạy cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực sự cầu thị, khiêm tốn, chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng; có như vậy việc dạy và học mới có kết quả

2- Một số vấn đề về kỹ năng và phương pháp thực hiện bài giảng.

Đây là một vấn đề lớn được nhiều giảng viên lý luận chính trị quan tâm, tìm hiểu với một mong muốn chính đáng để làm sao có bài giảng tốt, giảng hay, đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục lý luận chính trị. Để trả lời yêu cầu trên, đòi hỏi phải giải quyết một loạt vấn đề mà mỗi giảng viên phải nỗ lực phấn đấu về nhiều mặt như: nâng cao trình độ kiến thức, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy, nắm vững đặc điểm tâm lý người học và chuẩn bị tốt tâm thế của cả người dạy. Đó là những đòi hỏi chung cần chuẩn bị để có một bài giảng tốt. Song để có bài giảng hay còn cần những yếu tố khác nữa, theo chúng tôi đó là sự vận dụng sáng tạo những kiến thức và kinh nghiệm của mỗi cá nhân giảng viên để thực hiện một bài giảng cụ thể, làm sao để biến tất cả những kiến thức và kinh nghiệm đã tiếp thu được qua nhiều con đường, thành cái của mình một cách nhuần nhuyễn, cộng với sự nhiệt tình, tâm huyết, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Để thực hiện tốt bài “khái quát Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, theo chúng tôi giảng viên cần thực hiện một số vấn đề sau:

Giảng viên cần nắm vững những thông tin sau: thời gian thực hiện (buổi sáng hay chiều), sơ bộ về trình độ học viên (học vấn), tuổi đời, nghề nghiệp…, những thông tin này rất cần thiết để giảng viên thiết kế, xây dựng bài giảng, chuẩn bị tư liệu phù hợp đối tượng học viên. Việc xây dựng, thiết kế bài giảng rất quan trọng, quyết định đến thành công bài giảng. Trong khoa học giáo dục hiện nay, người ta đưa ra nhiều phương pháp thực hành bài giảng (như phương pháp nêu vấn đề, phát vấn, đối thoại…), nhưng dù áp dụng phương pháp nào cũng có một yêu cầu bắt buộc là phải xây dựng, thiết kế bài giảng (trong giáo dục người ta gọi đây là giáo án hoăc đề cương bài giảng), do vậy giảng viên cần nhận thức đầy đủ và chuẩn bị thật chu đáo.

Cùng với quá trình chuẩn bị bài giảng, giảng viên cần tìm điểm nhấn trong từng mục cũng như trong toàn bài để khi thực hiện bài giảng tập trung phân tích làm rõ, tránh tình trạng dàn trải đều đều không để lại dấu ấn bài giảng cho người học. Hiện nay, khi trình độ nhận thức cũng như học vấn của học viên nói chung đã được nâng cao, nhất là khi thực hiện bài giảng tại các đảng bộ khối cơ quan, các trường đại học, cao đẳng, điều này lại càng cần thiết, đối với những vấn đề không giảng hoặc giảng ít thì giảng viên cần hướng dẫn và yêu cầu học viên tự đọc trong tài liệu. Đây là việc làm cần thiết vừa thể hiện sự tôn trọng, khuyến khích việc tự nghiên cứu của người học, vừa phù hợp với khoa học giáo dục hiện đại. Nếu chỉ có nghe không, thì người học chỉ ghi nhớ thu lượm được 20% kiến thức; còn nếu kết hợp cả nghe và đọc người học sẽ thu lượm kiến thức, ghi nhớ nhiều hơn từ 30 – 40%. Vì vậy, giảng viên cần nghiên cứu vận dụng để nâng cao chất lượng bài giảng. Cụ thể bài “khái quát Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, có 3 phần, mỗi phần có vị trí nhất định, giảng viên cần nắm vững để bố trí thời gian thực hiện cho phù hợp.

Trong phần I, giảng viên cần dành thời gian phân tích làm rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt quyết định của cách mạng Việt Nam. Vì sao? Tùy theo trình độ của học viên mà phân tích với những mức độ nông sâu khác nhau để người học nắm được vấn đề, nhưng phải làm rõ các ý sau: Một là sự ra đời của Đảng đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam; Hai là, cách mạng Việt Nam bước vào quỹ đạo mới cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc trên lập trường của giai cấp vô sản, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; Ba là, khẳng định trên thực tế quyền lãnh đạo cách mạng thuộc về Đảng ta.

Trong phần II: Những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng (Đây là phần trọng tâm của bài). Để trình bày có sức thuyết phục phần này, đòi hỏi giảng viên phải đọc nhiều sách tham khảo, tìm kiếm tư liệu để phân tích, chứng minh với phương pháp so sánh để làm rõ ý nghĩa thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng qua từng giai đoạn. Nếu giảng viên không chuẩn bị tư liệu, chỉ trình bày như cách viết cô đọng trong tài liệu sẽ hạn chế tính thuyết phục, nhất là với những học viên có trình độ học vấn cao, (từ đại học, cao đẳng trở lên). Việc đọc sách tham khảo, tìm kiếm tư liệu phục vụ bài giảng vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện trình độ của giảng viên. Chỉ có như vậy chúng ta mới hy vọng có bài giảng tốt và hay như mong muốn.

Trong phần II này, theo chúng tôi giảng viên cần chú trọng phân tích, làm rõ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Về cuộc Cách mạng Tháng Tám, khi phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, cần so sánh trong cùng một hoàn cảnh của một số nước trong khu vực có điều kiện thuận lợi như chúng ta, thậm chí thuận lợi hơn chúng ta, nhưng cách mạng không nổ ra. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám cho thấy sự chuẩn bị tích cực của Đảng và nhân dân ta suốt 15 năm, qua ba cao trào cách mạng, nghệ thuật nắm thời cơ và phát động tổng khởi nghĩa….Về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giảng viên cần đi sâu phân tích âm mưu, ý đồ và lực lượng quân sự chúng sử dụng để làm rõ tính chất và mức độ ác liệt của cuộc chiến tranh, làm rõ những tình huống éo le, phức tạp của tình hình. Đồng thời, cũng phân tích làm rõ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng cùng với những nỗ lực vượt bậc, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn thách thức vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Để có tư liêu giảng dạy, giảng viên có thể tìm đọc trong các cuốn sách “Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp” và “Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi và bài học” do NXB CTQG phát hành năm 1996, hoặc các báo Nhân dân và Quân đội nhân dân ra từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2009, hoặc trên các website của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo, báo Nhân dân, Quân đội nhân dân…

Phần III đề cập những truyền thống quý báu của Đảng. Trong phần này, giảng viên cần nêu rõ ý nghĩa của các truyền thống, liên hệ với tình hình hiện nay và đòi hỏi mỗi đảng viên ra sức phấn đấu xây dựng, phát huy các truyền thống đó để xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo , đầy tớ thật trung thành của nhân dân, như Bác Hồ hằng mong muốn./.

TS Vũ Ngọc Am

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất