Chủ Nhật, 6/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 1/2/2010 17:19'(GMT+7)

Sức lan tỏa của văn hóa Hà Nội

Chương trình "Gặp nhau cuối năm"

Chương trình "Gặp nhau cuối năm"

Để thực hiện chương trình 30 Tết Canh Dần (13.2), bắt đầu từ 17 giờ đến ngoài 0 giờ, lãnh đạo Đài THVN đã cắt cử những mũi “tiến công” xung yếu đảm trách từng mảng nội dung cụ thể. Ban Truyền hình Thanh thiếu niên (VTV6): Chuyện kể chiều 30  (17 -19 giờ). Với chủ đề Sức lan tỏa của văn hóa Hà Nội, chương trình gồm những câu chuyện nhỏ kể ngày cuối năm với nhiều mảng nội dung liên quan đến văn hóa Hà Nội: người trẻ tiếp cận nét văn hóa Hà Nội xưa và nay, tình cảm cả nước với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tình cảm của những người con Hà Nội ở khắp bốn phương dành cho Hà Nội...

Đây là chương trình truyền hình thực tế ghi lại cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các vị khách mời (nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhà khoa học, chính khách, nghệ nhân gói bánh chưng, nghệ nhân trồng đào, sành chơi đào...) diễn ra tại khu bảo tàng phố cổ trong Thiên đường Bảo Sơn với những không gian trang trí mang đặc trưng Tết của Hà Nội. Mạch chuyện theo thời gian, gắn với cái Tết Hà Nội qua từng thời kỳ.

Có khoảng 8 câu chuyện  được kể với nhiều chủ đề khác nhau. Các phóng sự, clip nghệ thuật, ca nhạc... kết nối các cuộc trò chuyện và làm nổi bật chủ đề chương trình. Chuyện kể chiều 30 là chương trình truyền hình thực tế ghi lại cuộc trò chuyện giữa BTV Diễm Quỳnh- Phó trưởng ban Thanh thiếu niên với khách mời là GS.TS Nguyễn Lân Dũng và vợ. Điểm nhấn của câu chuyện là nét đẹp của Hà Nội, sức lan toả của văn hoá Thăng Long, đặc biệt là văn hoá Tết của người Hà Nội qua những phong tục, tập quán mang nét riêng của người Hà Nội như gói bánh, bày ngũ quả, sắp đặt bàn thờ...

Các phóng sự ghi lại cuộc gặp gỡ với nghệ nhân gói bánh chưng, nghệ nhân trồng đào, sành chơi đào... góp phần làm rõ chủ đề này. Các phong tục, nét đẹp trong văn hóa Tết của người Hà Nội (mua mía, tắm lá mùi, gánh nước đầu năm, hái lộc, mua muối...) được thể hiện qua một số trò chơi tại trường quay. Mạch chuyện theo thời gian, gắn với cái Tết Hà Nội qua từng thời kỳ.

Các phóng sự, clip nghệ thuật, ca nhạc... kết nối các cuộc trò chuyện và làm nổi bật chủ đề chương trình. Clip về chợ hoa Tết nay và xưa, về Bùi Xuân Phái và những bức tranh về Hà Nội, về những bạn trẻ thuộc nhóm những trẻ yêu Hà Nội với những công trình bảo tồn và gìn giữ Hà Nội cổ; phóng sự về những vùng trồng hoa đào ở Đà Lạt, ở Hà Tĩnh – nơi mà người dân vì yêu mến đào Hà Nội nên đã phát triển thành những vùng trồng đào rất lớn, về một làng quê ven đô thuộc địa giới Hà Nội mở rộng chuẩn bị đón Tết, về người lính biên phòng nơi biên cương cùng đồng đội nhớ về đất liền trong những ngày giáp Tết, về sức lan tỏa của văn hóa Hà Nội đến vùng đất phương Nam, về tấm lòng hướng về quê nhà của bà con Việt kiều ở nước ngoài, của du học sinh, về người nước ngoài ở đón Tết Hà Nội...

Chuyện kể chiều 30 khép lại với hình ảnh các vị khách mời quây quần quanh mâm ngũ quả và chờ đón giây phút giao thừa đang đến gần, gửi lời chúc mừng nhân dịp năm mới. Hầu hết các ca sĩ tham gia chương trình là những người con của Hà Nội với các ca khúc hướng về Hà Nội hay những nhạc sĩ có những bài hát hay nổi tiếng về HN sẽ chia sẻ cảm hứng khi sáng tác ca khúc về Hà Nội.

Nhà báo Lại Văn Sâm dẫn chương trình "Cây lộc vừng"

Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) sản xuất chương trình Gặp nhau cuối năm (20h-22h). Năm nay, các Táo quân sẽ xoáy vào những câu chuyện bi hài xung quanh việc phong tặng các giải thưởng, danh hiệu... Tuy nhiên, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC, “Chương trình đã trở thành “món ăn” cần thiết trong đêm 30 Tết nên nếu làm không khéo thì chỉ thấy những cái không tốt mà quên đi những thành công hay những nỗ lực cần ghi nhận”.

Ban Thể thao - Giải trí và Thông tin kinh tế (VTV3) đảm nhận chương trình Cây lộc vừng (22h-23h) xoay quanh nhân vật được nhân cách hóa là Cây lộc vừng. Cây lộc vừng trở thành người kể chuyện và là nhân chứng cho từng thời kỳ lịch sử quan trọng của dân tộc tính từ 1000 năm trước cho đến nay.

Bằng cách dẫn chuyện nhẹ nhàng, được mô tả bằng những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, chương trình tạo ra một cầu nối giữa âm nhạc và lịch sử, vẽ lại bức tranh Xuân với những mảng màu sắc phong phú: Xuân thắng lợi, Xuân chiến công, Xuân đấu tranh, Xuân xây dựng đất nước. Chương trình gồm 4 phần dựa vào sự phát triển của nhân vật tượng trưng là Cây lộc vừng, gồm: Hạt lộc vừng (Sự hình thành Thăng Long), Cây lộc vừng (Quá trình vươn lên, đấu tranh để giành quyền dân tộc), Hoa lộc vừng (Đảng CSVN ra đời, lãnh đạo dân tộc bước sang thời đại mới), Trái lộc vừng (Hòa bình, độc lập và sự phát triển đất nước).

Lấy hình ảnh cây lộc vừng làm chủ đạo cho các phần sáng tác, chương trình muốn gửi thông điệp tới khán thính giả: Lịch sử đã có những mùa xuân chiến đấu và chiến thắng, đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, đó được coi như Lộc của lịch sử dân tộc. Và trong thời đại ngày nay, Lộc Việt sẽ là hòa bình, là sự phát triển của đất nước, là tương lai dành cho thế hệ kế cận của dân tộc Việt Nam sau này. Các vị khách mời tham gia trò chuyện: Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà báo Hữu Thọ, nhà văn Chu Lai. Các nhạc sĩ và ca sĩ tham gia chương trình: Trần Tiến, Quyền Văn Minh, Trần Mạnh Tuấn, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Hoàng Hải, Lưu Hương Giang, Hồ Hoài Anh, nhóm Mặt Trời Mới... với các ca khúc về mùa Xuân, về Thăng Long- Hà Nội... Dẫn chương trình là nhà báo Lại Văn Sâm.

Điểm mới của chương trình 30 Tết năm nay là không thực hiện các cầu truyền hình quy mô lớn nối kéo dài suốt nhiều giờ mà có thể chỉ tổ chức một số điểm cầu truyền hình nhỏ trong khuôn khổ chương trình Thời sự 19 giờ để phản ánh không khí Tết ở các vùng, miền trong cả nước. Các chương trình còn lại đều được ghi hình trước. Tuy vậy, thời điểm ghi hình trước Tết càng khiến đội ngũ BTV, phóng viên... “vắt chân lên cổ”. Vì áp Tết là lúc giới nghệ sĩ biểu diễn bận rộn với việc chuẩn bị chương trình diễn Tết và sau Tết. Gương mặt nào càng gây ấn tượng trong năm càng nhiều sô. Vì vậy, để nhận lời tham gia ghi hình, không phải ai cũng dễ dàng đưa ra quyết định sớm, trong khi chương trình phải chuẩn bị càng sớm càng tốt. Câu nói quen thuộc khi chúng tôi gặp gỡ các BTV và PV trong những ngày chuẩn bị làm chương trình 30 Tết là “nội dung chương trình có  thay đổi vào giờ chót vì liên quan đến sự tham gia của các vị khách mời”.

Chương trình truyền hình đêm giao thừa trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các gia đình trong giờ phút thiêng liêng tiễn năm cũ đón năm mới. Hình ảnh các gia đình Việt Nam cùng nhau đón năm mới trong nước và nước ngoài qua những điểm cầu truyền hình trực tiếp trên VTV đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Hãy bắt đầu một thói quen mới, với các chương trình được ghi hình trước Tết cả tháng, nhưng vẫn đầy hương vị Tết. “Càng ngày chúng tôi càng muốn sản xuất các chương trình đón giao thừa đời thường, giản dị và đầm ấm hơn”, ông Trần Đăng Tuấn- Phó TGĐ VTV chia sẻ.

Hoàng Yên-VanHoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất