Thứ Năm, 19/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 23/4/2010 15:59'(GMT+7)

Sức mạnh bắt nguồn từ ngọn cờ chính nghĩa

Người Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam.

Người Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam.

Ngay sau khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ta xác định đường lối, chủ trương đấu tranh cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn đấu tranh thi hành Hiệp định và tập trung giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sát cánh cùng các quân binh chủng khác, từ đầu năm 1973 tới ngày chiến thắng 30-4-1975, ngoại giao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đoàn kết quốc tế, vận động dư luận thế giới gây sức ép để ngụy quyền Sài Gòn phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri; ngăn chặn Mỹ có thể dính líu, can thiệp trở lại miền Nam Việt Nam, chuẩn bị tốt dư luận cho các trận tổng công kích cuối cùng về quân sự, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời cơ “đánh cho nguỵ nhào”

Bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Pa-ri. Hai trong số nội dung cơ bản của Hiệp định rất có lợi cho ta là Mỹ chấm dứt chiến tranh và rút quân ở khỏi Việt Nam và Việt Nam vẫn giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam, trong đó không đề cập tới vấn đề quân đội miền Bắc… Như vậy, mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” đã hoàn thành. Lúc này tình thế cách mạng đã mở ra một giai đoạn mới, so sánh lực lượng mới, rõ ràng ta đã mạnh hơn hẳn đối phương. Còn chính quyền ngụy ở Sài Gòn đã mất chỗ dựa, đang suy yếu, lún sâu vào khủng hoảng… Thời cơ lớn đã mở ra để “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, những năm 1973, 1974, chính quyền Ních-xơn đã tìm mọi cách để quốc hội chi thêm tiền cho ngụy quyền Sài Gòn tiếp tục cuộc chiến. Mỹ âm mưu sử dụng nguỵ quyền Sài Gòn làm công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, tìm mọi cách xóa bỏ vùng giải phóng và lực lượng vũ trang nhân dân ta, xóa bỏ chính quyền nhân dân, biến miền Nam thành quốc gia riêng biệt thân Mỹ, được Mỹ viện trợ về quân sự, kinh tế, tài chính… Do vậy, nhiệm vụ cơ bản của ngoại giao là: Phối hợp với đấu tranh chính trị và quân sự, buộc các bên thi hành Hiệp định Pa-ri, chống sự dính líu và can thiệp của Mỹ, cô lập chính quyền Sài Gòn; tiếp tục vận động dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta; tố cáo hành động vi phạm Hiệp định Pa-ri và tạo dư luận quốc tế về hành động phi nghĩa của Mỹ, đẩy lùi khả năng Mỹ ngăn ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động của địch phá hoại Hiệp định Pa-ri.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước nhớ lại: “Giai đoạn 1973-1975 công tác ngoại giao đã góp công lớn trong việc vận động thế giới ngăn chặn Mỹ có ý định quay trở lại Việt Nam. Nhiều cá nhân và tổ chức đã phối hợp với nhau vô cùng hiệu quả và chặt chẽ. Hoạt động ngoại giao đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động quân sự và ngược lại. Sau Hiệp định Pa-ri, cuộc đấu tranh ngoại giao của ta lên tới đỉnh điểm, vô cùng phong phú đa dạng…

Ông Lý Văn Sáu, khi đó là người phát ngôn của Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết: “Sau thời điểm ký kết Hiệp định Pa-ri, nhận rõ bước chuyển mới, nghị quyết của Đảng có nói rõ: Phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng trong thắng lợi của dân tộc ta. Ngoài cuộc đấu tranh chính trị, quân sự trong nước, thì phong trào quốc tế đấu tranh phản đối sự can thiệp Mỹ và ủng hộ Việt Nam đã tạo thế và lực mới của Việt Nam cả trong và ngoài nước. Mình càng đánh, phong trào quốc tế ủng hộ càng lên. Trong nước đánh mạnh bao nhiêu, phong trào quốc tế lên cao bấy nhiêu…”.

Ông Lý Văn Sáu cho biết thêm, sau Hiệp định Pa-ri, tại Hội nghị hiệp thương hai bên miền Nam tại La Xen-lơ Xanh Clu (La Celle Saint Cloud) (Pa-ri), một lần nữa ta giành thế chủ động trong ngoại giao trước ngụy quyền Sài Gòn. Tại diễn đàn này, cuộc đấu tranh để tranh thủ dư luận diễn ra vô cùng kịch tính. Ngụy quyền Sài Gòn cũng chống phá quyết liệt. Để giành thắng lợi ngoại giao, những lý lẽ mà ta đưa ra phải chính xác, có sức thuyết phục để gây sức ép buộc chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải tôn trọng Hiệp định Pa-ri. Bằng sự chân thành, nghệ thuật ngoại giao khéo léo, đến cuối năm 1973, phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chiếm trọn cảm tình quốc tế, giành phần thắng trên trận địa dư luận. Tháng Giêng năm 1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ cộng hòa công bố Sách Trắng “Một năm thi hành Hiệp định Pa-ri”, tố cáo Mỹ - Thiệu vi phạm, phá hoại Hiệp định Pa-ri, nêu cao thiện chí và quyết tâm của nhân dân Việt Nam.

Nghệ thuật xây dựng đoàn kết quốc tế

Giành được chiến thắng và tranh thủ được sự vận động đã khó, nhưng làm thế nào duy trì được áp lực lên chính quyền Mỹ và tay sai, duy trì phong trào ủng hộ Việt Nam là vấn đề còn khó hơn rất nhiều. Sau Hiệp định Pa-ri, Mỹ đã rút hết quân, tù binh Mỹ cũng được trao trả dần dần, một bộ phận dư luận cho rằng Mỹ rút rồi, xung đột ở miền Nam Việt Nam chủ yếu là nội chiến giữa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được miền Bắc ủng hộ với chính quyền Thiệu. Vì vậy, số người quan tâm tới Việt Nam đã giảm đi đáng kể. Nhà ngoại giao kỳ cựu Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh: Khó khăn lâu dài là làm sao để tăng cường hậu phương quốc tế, mở rộng hậu phương của chúng ta, vì vậy công tác ngoại giao cần tiến hành một cách hết sức bài bản. Theo chủ trương của cấp trên, ta tập trung vào 3 nội dung chính về tuyền truyền quốc tế về Việt Nam: Một là nêu cao chính nghĩa. Hai là nêu rõ quyết tâm của ta. Ba là thiện chí hòa bình.

Nhà ngoại giao Lý Văn Sáu kể lại: “Đoàn chúng tôi bám trụ lại Pa-ri, như một địa chỉ để bạn bè quốc tế và giới truyền thông đến hỏi tình hình. Để làm tốt công tác tuyên truyền, Phòng thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời của ta tại Pháp đã liên tục cho ra những bản tin về tình hình Việt Nam. Kết hợp hài hòa với các bộ phận truyền thông trong nước, kịp thời đưa những thông tin mới nhất, có lợi cho ta, để bạn bè quốc tế hiểu rõ về tình hình Việt Nam. Thông qua những người bạn và những cốt cán ở nước ngoài, ta duy trì cho được phong trào ủng hộ Việt Nam ở các nước như: Anh, Pháp, Mỹ... Ta đã vận động bà con Việt kiều ở các nước ủng hộ cuộc đấu tranh ở trong nước… Bằng kênh ngoại giao nhân dân, thông qua bè bạn trên thế giới, nhiều hình thức thông tin đã đến với dư luận quốc tế để họ hiểu và kịp thời ủng hộ mình”.

Đầu năm 1975, trong giai đoạn quyết định, ngoại giao càng khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại: “Khi chúng ta quyết định mở chiến dịch giải phóng miền Nam, Trung ương đã chỉ thị cho tôi ra nước ngoài thực hiện cuộc vận động quốc tế trên quy mô lớn, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế ngăn Mỹ đưa quân trở lại miền Nam. Đầu tháng Giêng năm 1975, tôi qua Pháp. Tới Pháp, gặp các bạn bè quốc tế, tôi cùng các đồng chí trong Đoàn đã thông báo tóm tắt tình hình tại Việt Nam, vạch rõ âm mưu của Mỹ có thể quay lại Việt Nam. Sau đó, Đoàn tới An-giê-ri và Tan-da-ni-a. Khi Đoàn đến Tan-da-ni-a thì đúng lúc tại đây đang có Hội nghị thống nhất châu Phi. Tôi cùng đồng chí Lê Mai, trên cương vị phiên dịch đã phải chờ hội nghị họp suốt đêm, không ăn, không uống và ngủ gật… chờ đến gần sáng. Khi Hội nghị về châu Phi kết thúc, tôi đã tranh thủ diễn đàn này thông báo vắn tắt tình hình Việt Nam, nhấn mạnh nếu Mỹ đưa quân trở lại Việt Nam tình hình sẽ rất phức tạp, vì vậy kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam, có hành động cụ thể phản đối Mỹ…”.

Trong giai đoạn này các nước XHCN tiếp tục dành cho Việt Nam sự ủng hộ vô cùng quý báu. Từ giúp đỡ vật chất, phương tiện kỹ thuật, vũ khí khí tài cho tới việc đấu tranh dư luận, lên án mạnh mẽ việc Mỹ dung túng chính quyền Sài Gòn.

Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào ủng hộ Việt Nam của nhân dân thế giới, ngoài các đoàn ngoại giao, chúng ta còn nâng cấp các cơ quan đại diện mặt trận ở các nước lên cơ quan đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Mở thêm các cơ quan đại diện của mình, uy tín của Việt Nam ngày càng tăng. Các phái đoàn ngoại giao của chúng ta tiếp tục lên đường tới nhiều quốc gia khác nhau để vận động, như: Thụy Điển, Đức... và một số nước khác. Ngay trong lòng nước Mỹ, các tổ chức chống chiến tranh của thanh niên, phụ nữ, tôn giáo, trí thức... tham gia rất nhiệt tình.

Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, sở dĩ việc vận động của ta giành thắng lợi, ngoài nguyên nhân chủ quan, còn nguyên nhân khách quan khác là người dân và Quốc hội Mỹ đã không còn tin vào kế hoạch của Tổng thống Ních-xơn, coi cuộc chiến tại Việt Nam là một sai lầm. Thêm vào đó, chuyện chính quyền Sài Gòn đàn áp, khủng bố dân khiến người Mỹ càng thêm chán ghét cuộc chiến mà Mỹ đã can dự… Những yếu tố trên đã khiến dư luận Mỹ nói chung không ủng hộ Mỹ quay trở lại Việt Nam.

Trước đó, hàng vạn người Mỹ đã xuống đường biểu tình chống chiến tranh. Nhiều hình thức biểu tình làm xúc động lòng người đã xuất hiện. No-mân Mô-ri-sơn đã tự thiêu ngay dưới cửa sổ của phòng làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra. Anh Rô-giơ La Poóc-tơ, đã tự thiêu trước trụ sở Liên hợp quốc. Chị Gian Kao-xki đã tự thiêu ở nhà mình… Nhiều trí thức đã đòi đình chỉ mọi viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, kêu gọi thanh niên không đi lính, công nhân không tham gia sản xuất, không vận chuyển vũ khí sang Việt Nam, phong trào phản chiến tăng lên nhanh chóng trong các đơn vị vũ trang…

Chính thông qua những người Mỹ tiến bộ này, ta đã có những hình thức đấu tranh ngoại giao rất phong phú. Bà Bình nhớ lại: “Tôi có thể gọi điện thoại qua Mỹ thông báo tình hình cho các bạn Mỹ... Khi đó, chỉ cần một cuộc điện thoại được nối với loa phóng thanh, hàng nghìn, hàng chục nghìn người đã xuống đường. Khi ở Pháp tôi gọi điện tới Ca-na-đa, tiếp đó các bạn ở Ca-na-đa lại gọi sang Mỹ... cứ như vậy tin chiến thắng truyền đi rất nhanh. Có thể thấy chính nghĩa của ta đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ…

Từ tình hình trên, Đảng ta đã khẳng định: ''... Mỹ không có khả năng quay trở lại vì Mỹ đã sa lầy ở Việt Nam, nay vừa rút ra được, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới không muốn có Việt Nam thứ hai. Mỹ rút ra khỏi Việt Nam để bảo vệ lợi ích chiến lược Mỹ trên thế giới. Dù Mỹ có can thiệp trở lại trong chừng mực nào đó thì cũng không xoay chuyển được tình thế; ta vẫn thắng''.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, một trong những nguyên nhân quan trọng mà chúng ta giành chiến thắng trong cuộc vận động ngoại giao, trước hết chúng ta có chính nghĩa. Ta chiến đấu vì độc lập tự do của mình và cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân ta được nhiều người rất khâm phục nên ủng hộ chúng ta. Phong trào đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ xâm lược là một trong những phong trào rộng lớn nhất trong lịch sử. Nhà ngoại giao Trần Quang Cơ nhấn mạnh rằng, chính vì chúng ta giữ được ngọn cờ độc lập tự chủ, cho nên chúng ta mới xây dựng được phong trào đoàn kết quốc tế ủng hộ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là điểm khó nhất, nhưng cũng là điểm tài tình nhất trong lãnh đạo của Đảng và sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thắng lợi trên mặt trận ngoại giao đã giúp các lực lượng của ta trên chiến trường toàn tâm, toàn ý dốc sức vào các chiến dịch lớn, có tính chất quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.

(Theo: NGUYỄN HÒA-BẢO TRUNG/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất