Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 18/4/2010 10:7'(GMT+7)

Phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước- một tư tưởng bất hủ của V.I.Lênin

V.I.Lênin năm 1919. Ảnh tư liệu

V.I.Lênin năm 1919. Ảnh tư liệu

1. Cách đây ngót chín thập niên, sau bước thử nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng “con đường trực tiếp” (Chính sách Cộng sản thời chiến, chỉ sử dụng các quan hệ phi hàng hoá, quan hệ xã hội hoá trực tiếp) không đem lại kết quả, V.I.Lênin đã chủ trương chuyển sang phát triển Chính sách kinh tế mới (NEP), trong đó coi việc phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước, phát triển các quan hệ thương mại… như là một bước ngoặt cách mạng để không những cứu vãn tình thế của nước Nga lúc đó do chiến tranh để lại hậu quả nặng nền, thiếu đói diễn ra trên diễn rộng, mà còn dẫn dắt cách mạng đi đến thắng lợi một cách chắc chắn hơn, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với một màu sắc mới.

Trong tác phẩm nổi tiếng: “Bút ký của một nhà chính luận”, Lênin đã hình tượng hoá quá trình chuyển sang Chính sách kinh tế mới bằng một người đang trèo lên một ngọn núi rất cao. Người viết: “Hãy giả định rằng sau khi đã vượt được những khó khăn và nguy hiểm chưa từng thấy, anh ta đã trèo được cao hơn những người trước rất nhiều, nhưng anh ta vẫn chưa lên được tới đỉnh núi. Giờ đây anh ta đang ở vào một tình thế chẳng những khó khăn và nguy hiểm, mà thậm chí còn thật sự không thể nào tiến lên hơn nữa theo cái phương hướng và con đường mà anh ta đã lựa chọn. Anh ta phải quay lại, trở xuống tìm đường khác, dù có dài hơn, nhưng cho phép anh ta có thể trèo lên tới đỉnh được”([1]).

Trong các thời kỳ khác nhau, các công trình nghiên cứu đã đánh giá và đề cập đến Chính sách kinh tế mới dưới nhiều góc độ khác nhau. Có quan điểm chỉ coi nội dung cơ bản của Chính sách kinh tế mới như là việc chuyển từ chế độ trưng thu lương thực sang thuế lương thực. Nói như vậy không sai, nhưng rõ ràng là chưa đủ. Gần đây nhiều công trình nghiên cứu một cách có hệ thống đã cho rằng, phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước và các quan hệ thương mại mới thực chất là nội dung quan trọng, quyết định đặc trưng của giai đoạn cách mạng mới của nước Nga lúc bấy giờ và đồng thời cũng là đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nói chung. Rằng, “Bởi vì chủ nghĩa xã hội không phải là cái gì khác hơn là một bước tiến liền ngay sau chế độ độc quyền tư bản-nhà nước”([2]). Đó đồng thời cũng là kết quả của việc V.I.Lênin đã phát hiện một cách tài tình những mâu thuẩn nội tại của nền kinh tế nước Nga lúc bấy giờ và tìm cách giải quyết các mâu thuẩn ấy để đưa cách mạng tiến lên, cụ thể:

Thứ nhất, mâu thuẩn giữa một nhà nước cách mạng được lịch sử giao phó những nhiệm vụ chính trị cực kỳ tiến bộ, cực kỳ nhân đạo với những cơ sở vật chất-kỹ thuật thấp kém của nền kinh tế và trình độ văn hoá lạc hậu, khó có thể thực hiện trọn vẹn các mục tiêu vĩ đại ấy. Người nói bây giờ cần nắm lấy đúng cái mắt xích quan trọng nhất, ““Mấu chốt lúc này” (mắt xích) = sự xa cách giữa các nhiệm vụ vĩ đại được giao phó và sự nghèo nàn không những về vật chất mà cả về văn hoá”([3]). Cái mắt xích đó chính là việc đẩy mạnh nội thương theo sự điều tiết (sự chỉ đạo) đúng đắn của nhà nước. Theo Lênin, chủ nghĩa tư bản nhà nước đã là một bước lùi, thì “Ngày nay, chúng ta đang lùi tới chỗ nhà nước điều tiết thương nghiệp”([4]). Điều đó có nghĩa là cách mạng Nga lúc bấy giờ đã lùi từ những hình thức kinh tế, hay còn gọi là thành phần kinh tế, cụ thể là chủ nghĩa tư bản nhà nước, sang các quan hệ kinh tế có tính chất tư bản chủ nghĩa – quan hệ buôn bán tự do, quan hệ thương mại. V.I.Lênin viết: “…ở chỗ nào có những thành phần tự do buôn bán và những thành phần tư bản chủ nghĩa nói chung, thì ở đó, có chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới hình thức này hay hình thức khác, ở trình độ này hay trình độ nọ”([5]).

Thứ hai, chủ nghĩa tư bản là xấu so với chủ nghĩa xã hội, nhưng lại là tốt so với chủ nghĩa phong kiến. Thế nhưng trong bối cảnh nước Nga lúc bấy giờ, các quan hệ sản xuất nhỏ, tiểu nông gia trưởng của nông dân lại đang “chiếm ưu thế” với đầy rẫy các tật xấu và hủ lậu, như : tự phát, vô chính phủ, tự do tiểu tư sản và đầu cơ, buôn lậu, hối lộ... Người viết: “…chủ nghĩa tư bản nhà nước là cái gì có tính chất tập trung, được tính toán, được kiểm soát và được xã hội hoá, thế mà chúng ta lại thiếu chính cái đó, chúng ta đang bị đe dọa bởi tính tự phát của cái thói vô tổ chức tiểu tư sản; tính tự phát ấy đẻ ra chủ yếu từ lịch sử nước Nga và từ nền kinh tế của nó, và tính tự phát ấy hiện đang ngăn cản chúng ta thực hiện chính cái bước ấy, cái bước quyết định sự thành công của chủ nghĩa xã hội”([6]). Trong một tác phẩm khác V.I.Lênin còn so sánh rằng, “… nếu ta đứng về mặt kinh tế mà suy xét, thì chủ nghĩa cộng sản với thương nghiệp cũng không xa gì nhau, hơn là chủ nghĩa cộng sản với nền tiểu nông, gia trưởng của nông dân”([7]). Hoặc là “…từ chủ nghĩa tư bản tiểu tư sản đi đến chủ nghĩa tư bản nhà nước với quy mô lớn cũng như đi đến chủ nghĩa xã hội, đều trải qua cùng một con đường, thông qua cùng một trạm trung gian, đó là “sự kiểm kê và kiểm soát của toàn dân đối với sản xuất và phân phối sản phẩm””([8]).

Thứ ba, trong nhận thức tư tưởng của đại đa số đảng viên Đảng cộng sản Nga lúc đó vẫn đang bị hạn chế bởi lối mòn đem “chủ nghĩa tư bản’ đối lập một cách trừu tượng với “chủ nghĩa xã hội”, mà không nghiên cứu những hình thức cụ thể và các giai đoạn cụ thể của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng trong tư tưởng của V.I.Lênin, ông đã đánh giá “cao” chủ nghĩa tư bản nhà nước từ rất sớm, thậm chí ngay từ khi những người bôn-se-vích chưa nắm được chính quyền([9]) (tháng 9 năm 1917). Thời đó nước Đức là “đỉnh cao” của chủ nghĩa tư bản về kỹ thuật đại tư bản chủ nghĩa hiện đại và về tổ chức có kế hoạch, nhưng nền kinh tế đó lại phục tùng chủ nghĩa đế quốc gioong-ke – tư sản. V.I.Lênin nói: “Nếu… thay tiếng nhà nước quân phiệt, gioong-ke, tư sản, đế quốc cũng bằng một tiếng là nhà nước, nhưng là một nhà nước kiểu khác về mặt xã hội và khác về nội dung giai cấp, nhà nước xô-viết, tức là nhà nước vô sản, thì các anh sẽ có tất cả các điều kiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội”([10]).

2. Lấy những tư tưởng cách mạng vĩ đại của V.I.Lênin để soi lại thực tế của chúng ta, thì có thể thấy rằng đất nước đang trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội có nhiều điểm tương đồng về cái mắt xích cần phải nắm, đó là mâu thuẩn giữa mục tiêu đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa với sự nghèo nàn, lạc hậu về cơ sở vật chất và kỹ thuật cho việc thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả đó, sự khác nhau có chăng là hố ngăn cách ấy ở chúng ta sâu rộng hơn do điểm xuất phát thấp hơn nước Nga thời kỳ Chính sách kinh tế mới. Cho nên có thể khẳng định rằng, tư tưởng lý luận của V.I.Lênin về Chính sách kinh tế mới nói chung và chủ nghĩa tư bản nhà nước nói riêng là một bộ phận hợp thành cơ sở lý luận thúc đẩy công cuộc Đổi mới ở nước ta.

Điều đó còn cho phép khẳng định rằng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Và thực tế cũng đã và đang chứng minh cho sự phù hợp ấy. Trong toàn bộ những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong kháng chiến cũng như trong xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa có một nguyên nhân sâu xa là chúng ta đã phát triển sáng tạo những tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngày nay, nhất là sau 25 năm đổi mới, khi nhìn lại những quyết định sáng suốt của Đảng về chuyển nền kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp sang phát triển nền kinh tế hàng hoá gồm nhiều thành phần; xác định phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gọi tắt là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rồi khẳng định mô hình tổng quát là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đang gặt hái những thành quả quan trọng, chúng ta lại càng thấy những tư tưởng của V.I.Lênin về phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước thật là cách mạng và vĩ đại.

Từ thực tế ở nước ta cũng như một số nước khác đang chứng tỏ bản thân phạm trù chủ nghĩa tư bản nhà nước có thể được hiểu trên hai phương diện – rộng và hẹp. Phương diện hẹp đề cập đến những hình thức kinh tế hay thành phần kinh tế cụ thể, đó là đầu tư trực tiếp của nhà nước và sự kiểm soát của nhà nước đối với sản xuất tư nhân, là hợp đồng tô nhượng hay cho thuê các xí nghiệp nhà nước, là hợp tác xã của các tư bản tư nhân, tiểu chủ hay tiểu nông, là đại lý thương nghiệp, các hình thức cho tư nhân thuê khác và đấu thầu các cơ sở sản xuất kinh doanh hay vùng mỏ…

Trên phương diện rộng của phạm trù chủ nghĩa tư bản nhà nước, đó là một hệ thống các quan hệ kinh tế, trong đó có sự đan xen giữa một bên chủ thể là nhà nước cách mạng và bên kia là các quan hệ kinh tế có tính chất tư bản chủ nghĩa, hay nói chính xác hơn, đó là quan hệ thị trường với đầy đủ những quy luật nội tại của nó: cạn tranh, giá tri-giá cả, phân hóa giàu nghèo, khủng hoảng chu kỳ... và đúng như V.I.Lênin đã từng nói: “sản xuất hàng hóa từng ngày, từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”.

Ngày nay, nhiều học giả đã thừa nhận có thể kết hợp được giữa quản lý nhà nước với kinh tế thị trường; phát huy những mặt mạnh của thị trường và của quản lý nhà nước; hạn chế những mặt tiêu cực của thị trường, cũng như cả những sự can thiệp thái quá, độc quyền hay chủ quan duy ý chí của quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả của toàn bộ quá trình phát triển.

Nhà nước, một mặt là quản lý, điều tiết và cao hơn nữa là định hướng sự phát triển của các quan hệ tư bản chủ nghĩa theo hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, nhà nước tập trung thống nhất các quyền lực chính trị nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên trong một xã hội, trước hết là lợi ích của người lao động. Trong vấn đề này, chính bản thân mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đã nói lên toàn bộ nội dung ấy.

Các quan hệ có tính chất tư bản nhà nước ấy, ngày nay, không chỉ nằm trong giới hạn của các quan hệ sản xuất, kinh doanh trong nước, mà còn phát triển rộng ra bên ngoài, quan hệ giữa nhà nước Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới, trong đó phần đông là các nước tư bản chủ nghĩa. Điều đó được thể hiện phần nào trong mục tiêu và là tuyên bố của Đảng ta, như từ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”([11]). Và đường lối đối ngoại đó vẫn tiếp tục được thực hiện trong các gia đoạn phát triển tiếp theo cho đến ngày nay, trở thành đường lối đối ngoại của thời kỳ đổi mới mang đạm sắc thái Việt Nam.

Với tư cách là những bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, các thành phần kinh tế tư bản nhà nước hay thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trên thực tế, lại cũng đang rất cần đến một nhà nước thống nhất để tổ chức xã hội trên cơ sở pháp luật, duy trì sự ổn định kinh tế- chính trị-xã hội, nếu không chính bản thân quá trình sản xuất với trình độ công nghệ hiện đại của chúng không thể vươn lên chiến thắng tự do vô chính phủ, đầu cơ và hối lộ của lề lối tiểu tư sản, tiểu nông sản xuất nhỏ, và do đó không thể tiến lên sản xuất lớn. Nhà nước, đến lượt mình, thì cần đến chủ nghĩa tư bản nhà nước để đẩy nhanh quá trình tăng trưởng kinh tế, tìm cách lấp lỗ hổng giữa mục tiêu chính trị cao cả với sự lạc hậu về kinh tế, quản lý, công nghệ và văn hoá. Ngoài ra còn cần đến các hình thức quản lý và công nghệ tiên tiến của các thành phần kinh tế này để hình thành các mô hình thích hợp dẫn dắt hàng triệu hộ nông dân, khu vực kinh tế cá thể, tiểu chủ đi vào con đường sản xuất lớn, đi lên chủ nghĩa xã hội thông qua “những chiếc cầu nhỏ vững chắc” của chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Ngày nay, đứng trong toàn bộ bối cảnh kinh tế quốc tế, khi mà xu thế hội nhập và toàn cầu hoá các nền kinh tế là không thể đảo ngược, nhìn lại điều kiện của nước Nga lúc bấy giờ, mới thấy đó là một quyết định cực ký sáng suốt, cực kỳ cách mạng. Nhưng nếu đem toàn bộ quá trình đó để so sánh với những nhận thức và thực tiễn cách mạng hiện nay ở nước ta, thì thấy ngày nay chúng ta còn “lùi” sâu hơn, xa hơn nữa, nhưng ngược lại vị thế của cách mạng lại đang vững chãi và ở thế đi lên. Từ chỗ bị xâm chiếm, đô hộ bởi chủ nghĩa đế quốc, chúng ta đã dành được hoàn toàn độc lập cho đất nước, mang lại tự do cho nhân dân. Chúng ta hoàn toàn có chủ quyền và tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc. Chúng ta đã lựa chọn con đường phát triển theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, mà không ai có thể can thiệp hay cản trở. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận trên thế giới, nay chúng ta hoàn toàn có quyền ngồi vào bàn đàm phán với tất cả các nước trên cơ sở “bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, và đôi bên cùng có lợi” để ký kết các hiệp định hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế-xã hội đang trên đà tăng trưởng đều đặn và bền vững, nền chính trị được giữ vững và ổn định; trật tự và an toàn xã hội đang được bảo đảm… Tất cả những thành tựu ấy chính là những bước tiến vững chắc trên con đường xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hơn thế nữa, ngày nay Nhà nước đang tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và đều trở thành những bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là chúng ta đang thực hiện theo một lộ trình cụ thể các cam kết hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)… Điều mà trước đây ít ai ngờ tới, là Việt Nam đã hơn một lần chính thức gửi đơn khởi kiện cả Mỹ và EU về vấn đề bảo hộ mậu dịch, xử lý thiếu công bằng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, như dày mũ da, tôm đông lạnh, cá tra, cá ba sa...

Như ông cha ta đã từng có câu nói bất hủ là phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Và như từ Đại hội đại biểu lần thứ VIII cũng đã nhấn mạnh phương châm: “Vận dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý nền kinh tế thị trường là để sử dụng mặt tích cực của nó phục vụ mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội…”([12]). Trong quá trình đó, để luôn luôn bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng tôi thấy cần thiết phải quan tâm mấy vấn đề, như sau:

Một là, khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Nhưng trên con đường thiết lập thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chúng ta không được lơi là mất cảnh giác, nhất định phải nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước. Rõ ràng các thành phần kinh tế càng phát triển lên những trình độ cao hơn, thì chẳng những Nhà nước phải quản lý tốt hơn, mà chính phương thức sản xuất hiện đại sẽ cần đến sự quản lý có hiệu lực và hiệu quả ngày càng cao của nhà nước. Ngoài ra, cơ sở kinh tế để điều tiết nền kinh tế là phát huy vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước, coi khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Muốn vậy, trước mắt phải gấp rút cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước để làm cho vai trò ấy đi vào chiều sâu và chất lượng thông qua việc nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Hai là, trong hợp tác và cạnh tranh trên thị trường quốc tế phải bằng mọi cách, huy động toàn bộ lực lượng và trí tuệ để, một mặt, bảo vệ và duy trì lợi ích của Quốc gia Dân tộc. Mặt khác, phải thấy rõ những xu hướng và những nhân tố tiến bộ trên khắp thế giới để đánh giá xu thế tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, kết hợp với các phong trào tiến bộ ấy để làm mạnh thêm lực lượng của chính mình, như phong trào đòi thương mại công bằng, phong trào đấu tranh vì hoà bình, ổn định trên toàn thế giới, phong trào vì sự phát triển bền vững, đấu tranh chống mọi sự gây hại môi trường sinh thái, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân kinh tế mới…

Ba là, muốn bảo đảm được bản chất của chế độ, nhất là trong xu thế hiện nay, nhà nước phải vững và phải được tăng cường tính đảng một cách sâu sắc. Với một bản chất như vậy, lại được Đảng lãnh đạo, được chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường chỉ lối, ắt chúng ta sẽ xây dựng nên một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, trong đó không những bảo đảm quyền công dân, quyền con người một cách đầy đủ nhất, mà hơn nữa những quan hệ kinh tế cơ bản nhất của chủ nghĩa tư bản, như bóc lột, cũng sẽ được kiểm tra và kiểm soát bằng pháp luật của nhà nước. Phấn đẩu để câu khẩu hiệu “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” sẽ bao hàm hết thảy các lĩnh vực trong cuộc sống và trở thành lối sống hiện đại. Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nói một cách vắn tắt, đó là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Thứ tư, nâng cao trình độ nghiệp vụ và đạo đức “chí công vô tư” của đội ngũ công chức nhà nước để thông qua đó nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý của nhà nước. Muốn vậy, trong Đảng phải chống mọi biểu hiện tha hoá, biến chất, nhất là chống chủ nghĩa cơ hội thực dụng. Đảng lãnh đạo Nhà nước, đồng thời Đảng đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ để thường xuyên bổ sung cho bộ máy quản lý nhà nước. Bên cạnh việc Đảng luôn luôn trung thành với chủ thuyết của mình, các đảng viên cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và kỷ luật của Đảng. Mọi hành vi thoái hoá, biến chất, sa đà vào chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội thực dụng đều phải được sớm phát hiện và tẩy trừ. Có như vậy mới giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, mới làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, từ đó mới lãnh đạo được công cuộc cách mạng luôn luôn đúng hướng và sớm đi đến thắng lợi cuối cùng.

Thứ năm, muốn thực thi hiệu quả những mục tiêu tốt đẹp đã đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thì nhất thiết phải có công cụ, phương tiện để vừa thực hiện, vừa kiểm tra giám sát; sớm phát hiện những lệch lạc trong từng bước phát triển. Chẳng hạn, muốn giám sát được mức độ bóc lột đối với người lao động thì phải giám sát được điều kiện lao động, chế độ tiền lương, giá cả sinh hoạt và kể cả việc đánh thuế cao đối với lợi nhuận siêu ngạch của tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bất luận hoàn cảnh thế nào, thì lợi nhuận siêu ngạch là một biểu hiện của mức độ bóc lột thậm tệ. Ngoài ra, Chính phủ phải có đủ chế tài, công tâm, khách quan để vô hiệu hóa những thao túng của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Những hiện tượng gần đây trong một loạt các tranh chấp về giá thuê cột điện giữa EVN và VNPT, những đợt lên giá của xăng dầu, giá điện... đang gây nhiều bất bình trong nhân dân, nhất là thiếu hẳn sự minh bạch về lợi nhuận, chi phí của các ngành độc quyền nhà nước này. Muốn nói gì thì nói, định hướng xã hội chủ nghĩa phải được thể hiện rõ ràng trong từng bữa ăn, từng lớp học và từng con người cụ thể trên đất nước chúng ta. Còn những bất công, còn nghèo đói và hố ngăn cách đói nghèo, phân biệt giữa thành thị và nông thôn, hiệu quả kinh tế - xã hội, năng suất lao động còn chưa cao..., nhiều vấn đề tiêu cực, tham nhũng, xuống cấp về đạo đức, lối sống; tình trạng quan liêu, mất dân chủ... còn chưa được phát hiện kịp thời và khắc phục nhanh chóng thì kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn để lại những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung lý luận đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là trong quá trình xây dựng Văn kiện cho Đại hội XI và bổ sung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong gia đoạn phát triển tiếp theo./.

PGS, TS. Lê Xuân Đình (*)


(*) Bài  tham luận tại Hội thảo quốc gia "Di sản V.I. Lênin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam", tổ chức ngày 16/4/2010
 [1] V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 44, tr 510

[2] V. I. Lê-nin: sđd, t 43, tr 256

[3] V. I. Lê-nin: sđd, t 45, tr 474

[4] V. I. Lê-nin: sđd, t 44, tr 284

[5] V. I. Lê-nin: sđd, t 43 tr 268

[6] V. I. Lê-nin: sđd, t 36 tr 311- 312

[7] V. I. Lê-nin: sđd, t 44 tr 280

[8] V. I. Lê-nin: sđd, t 36 tr 369

[9] Xem: V. I. Lê-nin: sđd, t 43 tr 255

[10] V. I. Lê-nin: sđd, t 43 tr 253

[11] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr

[12] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội: 1996, tr 72

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất